Nâng cao năng suất chất lượng trong doanh nghiệp: Những giải pháp căn cơ

Mặc dù chất lượng lao động ngày càng nâng cao, tỉ lệ qua đào tạo tăng từng năm, tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt khoảng 28% (theo Niên giám thống kê 2021). Tuy nhiên, tỉ lệ này so với các nước thu nhập trung bình còn thấp. Đặc biệt chất lượng lao động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ chưa đáp ứng nhu cầu phát triển. 

Kỹ năng của người lao động Việt Nam chậm cải thiện, thậm chí có sự giảm sút trong năm gần đây. Điều này thể hiện qua việc người lao động thiếu đào tạo kỹ thuật, thiếu lao động lành nghề, có trình độ chuyên môn kỹ thuật và nền kinh tế đang đối mặt với những thách thức về thiếu hụt lao động trình độ cao, có kỹ năng chuyên nghiệp đáp ứng nhu cầu trong bối cảnh chuyển đổi số. Việc các tập đoàn, công ty lớn có xu hướng thành lập các trường đại học, trường cao đẳng nghề riêng cũng cho thấy sự bất cập trong chất lượng đào tạo nghề của các trường đại học, trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp. 

Chất lượng lao động đóng vai trò lớn trong việc thúc đẩy nâng cao NSCL trong doanh nghiệp

 Chất lượng lao động đóng vai trò rất lớn trong việc nâng cao năng suất chất lượng trong doanh nghiệp.

Hiện nay, doanh nghiệp đang trong thời kỳ tái khôi phục sản xuất kinh doanh sau thời gian đại dịch Covid-19 kéo dài; yếu tố cạnh tranh ngày càng trở nên khốc liệt. Trong bối cảnh đó, tăng cường năng suất doanh nghiệp là một yếu tố quan trọng để hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.

Sử dụng khoa học công nghệ, áp dụng hệ thống quản lý hiệu quả, công cụ cải tiến năng suất và nghiên cứu đổi mới sáng tạo là cần thiết. Doanh nghiệp cần quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực và giảm chi phí kết hợp với tăng cường hiệu quả hoạt động để phục hồi sản xuất và kinh doanh.

Mặc dù vậy, trong bối cảnh hiện nay, việc ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo (KHCN, ĐMST) nâng cao năng suất có các mặt hạn chế sau: Nhìn một cách tổng quan, hiện nay phần lớn doanh nghiệp Việt Nam vẫn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiềm lực còn nhiều hạn chế nên việc đầu tư cho công nghệ, đổi mới sáng tạo vẫn còn gặp nhiều khó khăn, rào cản. Cơ sở vật chất cho hoạt động KHCN của doanh nghiệp khoa học công nghệ còn thiếu do thiếu vốn đầu tư hoặc không thuê được đất để xây dựng mở rộng cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Theo quy định của Luật KH&CN 2013, doanh nghiệp được phép trích tới 10% thu nhập trước thuế để hình thành Quỹ Phát triển KH&CN, riêng đối với doanh nghiệp nhà nước thì đây là quy định bắt buộc với tỉ lệ từ 3-10%. Quy định này nếu được triển khai một cách triệt để sẽ tạo ra nguồn lực rất lớn từ xã hội để đầu tư, phát triển KH&CN. Doanh nghiệp sử dụng nguồn Quỹ này cho mục đích triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và hỗ trợ phát triển công nghệ.

Trên thực tế đã có nhiều doanh nghiệp thành lập Quỹ Phát triển KH&CN, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước do đây là quy định bắt buộc. Các doanh nghiệp mạnh, các tập đoàn, tổng công ty thường có quy mô quỹ rất lớn (lên tới cả ngàn tỷ đồng). Tuy nhiên, số lượng giải ngân của các quỹ này rất khiêm tốn, tập trung vào một số ít hoạt động có tính chất nghiên cứu trong khi việc đầu tư đổi mới công nghệ hạn chế.

Chất lượng lao động đóng vai trò lớn trong việc thúc đẩy nâng cao NSCL trong doanh nghiệp

 Doanh nghiệp muốn nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cần đổi mới công nghệ và cải tiến kỹ thuật.

Vừa qua, Bộ KH&CN đã ban hành Thông tư số 05/2022/TT-BKHCN thay thế Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT-BKHCN-BTC quy định về quản lý Quỹ Phát triển KH&CN của doanh nghiệp. Trong đó, về cơ bản loại bỏ các quy định có tính cứng nhắc về mặt quy trình và thủ tục với việc triển khai các nhiệm vụ, hoạt động sử dụng Quỹ Phát triển KH&CN. Mặc dù vậy, để thực sự khơi thông nguồn tài chính này, các cơ quan xây dựng chính sách cần thấy được tính đặc thù và nhu cầu thực sự đối với hoạt động KH&CN tại doanh nghiệp để sớm có điều chỉnh phù hợp.

Các doanh nghiệp sản xuất còn khó khăn về mặt bằng, các khu công nghiệp được lấp đầy nhưng nhiều nhà đầu tư chưa sản xuất, các doanh nghiệp khởi nghiệp thiếu vốn, giá nhân công ngày càng cao buộc các doanh nghiệp phải đổi mới công nghệ, tăng cường tự động hóa nhưng khó khăn khi tiếp cận vốn vay. Chính sách thuế vẫn còn bất cập chưa khuyến khích được doanh nghiệp khoa học công nghệ.

Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao năng suất doanh nghiệp, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh. Do vậy, trong bối cảnh hiện nay, thúc đẩy nâng cao năng suất phụ thuộc vào nhận thức tích cực của doanh nghiệp, với những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, sự quan tâm của các bộ, ngành. Điều quan trọng nhà nước tạo được môi trường đầu tư kinh doanh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt là tháo gỡ chính sách đất đai, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn đổi mới công nghệ, chính sách thuế khuyến khích được các doanh nghiệp khoa học công nghệ.

Nam Dương

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích