Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm tôm Việt Nam
Với diện tích nuôi tôm nước lợ cả nước hiện nay đã đạt 737.000 ha, thách thức về dịch bệnh, chi phí giá thành, đang là những trở ngại không nhỏ đối với ngành tôm Việt Nam.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết, tháng 6/2024, xuất khẩu tôm Việt Nam ghi nhận tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm ngoái và tăng cao hơn so với tháng trước đó. Theo đó, giá trị xuất khẩu tôm trong tháng này đạt 344 triệu USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2023. Tính lũy kế 6 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu đạt gần 1,6 tỷ USD, tăng 6%.
VASEP nhận định, những tháng tiếp theo cho đến cuối năm, Ecuador, Ấn Độ và Indonesia sẽ tập trung hơn vào thị trường Trung Quốc do Mỹ áp thuế cao. Vì thế, tôm của Việt Nam xuất vào Trung Quốc sẽ phải chịu áp lực về giá đặc biệt là tôm sú nguyên con, tôm thẻ chân trắng nguyên con. Nhìn chung, ngành tôm Việt Nam phát triển căn cơ, khoa học và có lộ trình. Việc xây dựng hệ thống các vùng nuôi ổn định, chất lượng cao, thân thiện với môi trường… đang là bệ phóng cho những thành công trong các năm tiếp theo.
Hiện các tỉnh, các doanh nghiệp đều nỗ lực đổi mới khoa học – kỹ thuật – công nghệ nhằm nâng cao năng suất, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao (tôm sinh thái, tôm hữu cơ, có chứng nhận quốc tế…); giảm thiểu sử dụng hóa chất, kháng sinh trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Đơn cử tỉnh Cà Mau, đã tạo dựng thành công vùng nuôi tôm nước lợ với khoảng 280.000ha, chiếm 45% diện tích nuôi tôm của khu vực ĐBSCL và chiếm 40% diện tích nuôi tôm cả nước. Năm 2023 sản lượng tôm nuôi của tỉnh ước đạt 233.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu 1,2 tỷ USD. Các vùng nuôi tôm do tỉnh Cà Mau quản lý cũng đã nhận được 9 loại chứng nhận quốc tế như: ASC; B.A.P; EU Organic; Canada Organic; Bio Suisse; Selva Shrimp; Mangrove Shrimp; Naturland; Seafood Watch, với diện tích được chứng nhận đạt 19.590 ha.
Để giảm giá thành, các địa phương đã và đang tổ chức các mô hình liên kết chuỗi giữa các nhà cung ứng giống, thức ăn với người nuôi tôm, đến nhà chế biến, xuất khẩu. Tại Bạc Liêu, nơi có 50 Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản đang hoạt động, đã liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm giữa các HTX/tổ hợp tác, nông dân với các công ty, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh với diện tích 4.982 ha, sản lượng bao tiêu 38.310 tấn tôm. Lợi nhuận trong nuôi liên kết cao hơn hẳn việc nuôi tự phát.
Nuôi tôm công nghệ cao, cần hợp tác để phát triển bền vững là hướng đi mà tỉnh Trà Vinh đang tập trung thực hiện, nhằm đạt mục tiêu theo Nghị quyết số 08-NQ/TU; hình thành các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao đối với nông sản chủ lực của tỉnh, có sự tham gia hợp tác, liên kết của các thành phần kinh tế. Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Gia tăng giá trị trên một đơn vị diện tích và tăng thu nhập của người sản xuất; xây dựng thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản hàng hóa của tỉnh.
Có thể thấy, hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, xây dựng và phát triển chuỗi giá trị nông sản ứng dụng công nghệ cao là xu hướng tất yếu. Tỉnh Trà Vinh định hướng phát triển nuôi tôm thâm canh mật độ cao trong thời gian tới trên cơ sở phương án phát triển ngành tôm tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (theo Quyết định số 1925/QĐ-UBND, ngày 29/9/2022 của UBND tỉnh Trà Vinh). Đến năm 2025, phát triển điện tích nuôi tôm nước lợ 34.249ha (siêu thâm canh 2.000ha), sản lượng đạt 171,88 nghìn tấn, tập trung tại các huyện Cầu Ngang, Duyên Hải và thị xã Duyên Hải. Năm 2030, duy trì ổn định diện tích nuôi tôm nước lợ 34,249ha (nuôi thâm canh mật độ cao đạt 3.617ha). Sản lượng ước đạt 286.330 tấn (siêu thâm canh 162.000 tấn). Năm 2050, duy trì ổn định diện tích nuôi tôm nước lợ 36.620ha (trong đó, siêu thâm canh mật độ cao 6.323ha). Sản lượng tôm nước lợ ước đạt 392.580 tấn (siêu thâm canh 280.000 tấn).
Đẩy mạnh và phát triển hiệu quả ngành nuôi trồng tôm
Để thực hiện đạt các chỉ tiêu quan trọng, hiệu quả tương ứng với tiềm năng và thế mạnh của tỉnh, đặc biệt là nuôi tôm thâm canh mật độ cao, cần hợp tác để phát triển bền vững; Tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị ngành hàng: Khuyến khích doanh nghiệp quan tâm chế biến sâu, tận dụng tối đa công suất của nhà máy tạo các sản phẩm giá trị gia tăng, đa dạng, phù hợp với thị trường xuất khẩu, người tiêu dùng. Triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển nuôi tôm; liên doanh, liên kết để mở rộng thị trường và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào ngành tôm nước lợ.
Đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ; áp dụng công nghệ nuôi tiết kiệm nguồn nước, ứng dụng công nghệ tuần hoàn, công nghệ sinh học… gắn với các mô hình liên kết sản xuất hiệu quả giúp người nuôi, doanh nghiệp giảm thiệt hại và chủ động sản xuất. Phối hợp các viện, trung tâm nghiên cứu, trường đại học đẩy mạnh nghiên cứu, chọn tạo giống tôm tăng trưởng nhanh, sạch bệnh để chủ động cung cấp cho vùng nuôi tôm.
Đồng thời, ngành thủy sản cần nâng cao công tác quản lý nhà nước về nuôi trồng tôm. Theo dõi, thống kê, báo cáo về tình hình nuôi thủy sản, quản lý chất lượng vật tư và an toàn dịch bệnh thủy sản. Theo dõi tình hình môi trường, hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh cho thủy sản. Cùng đó, kiểm tra các cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống và nuôi thủy sản thương phẩm, cơ sở sản xuất, ương dưỡng, kinh doanh cá cảnh; các cơ sở kinh doanh thuốc thú y thủy sản và cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm xử lý môi trường và thức ăn.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh tăng cường liên kết với các tỉnh, thành trong việc tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương xây dựng thương hiệu và tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, ưu tiên cho những sản phẩm thủy sản chủ lực, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, mẫu mã và quy cách của các thị trường tiêu thụ.
Khánh Mai (t/h)