Nâng cao năng suất chất lượng mở rộng vùng sản xuất rau an toàn tại Lâm Đồng

Theo báo của Hiệp hội rau quả Việt Nam (Vinafruit), kim ngạch xuất khẩu rau quả trong tháng 4 ước đạt 539,854 triệu USD, tăng 14,9 % so với tháng trước và tăng 37,8 % so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế 4 tháng, xuất khẩu rau quả đạt 1.823,769 triệu USD, tăng 32,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Riêng tỉnh Lâm Đồng, mỗi năm sản xuất 2,7 triệu tấn rau các loại. Rau là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh. Năm 2023, giá trị xuất khẩu rau Lâm Đồng đạt trên 74 triệu USD, tăng trên 95% sản lượng và tăng 45% về giá trị so với năm 2022.

Vườn trồng rau an toàn tại Đà Lạt, Lâm Đồng. Ảnh ST

Hiện nay, rau Lâm Đồng được xuất khẩu ra các thị trường chủ yếu là Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc… Các loại rau xuất khẩu chủ yếu là các loại rau ăn lá, ớt chuông, đậu, khoai tây, cà rốt…

Mục tiêu tới năm 2030 Lâm Đồng có 10 vùng sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích khoảng 10.000ha. Sản lượng rau đưa vào sơ chế, chế biến chiếm 80% sản lượng sau sản xuất ra, nâng tỷ lệ rau tiêu thụ qua hợp đồng đạt trên 70%. Giá trị xuất khẩu rau đạt trên 100 triệu USD mỗi năm.

Bên cạnh đó, đến năm 2030, tỉnh có trên 24.000ha canh tác rau an toàn, đảm bảo truy xuất nguồn gốc với hệ số canh tác đạt 3,1-3,3 lần; tiếp tục đầu tư phát triển 8 vùng rau sản xuất ứng dụng công nghệ cao với diện tích khoảng 9.700ha.

Để đạt mục tiêu trên, tỉnh Lâm Đồng sẽ triển khai thực hiện theo hướng ổn định diện tích rau canh tác tại khu vực thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận. Trên cơ sở chuyển đổi từ diện tích cây lương thực, cây công nghiệp và vườn tạp; hình thành vùng rau sản xuất tập trung, an toàn, đảm bảo truy xuất nguồn gốc và lựa chọn một số loại sản phẩm chủ lực có lợi thế sản xuất và khả năng liên kết phát triển thị trường và cung cấp cho hoạt động sơ chế, chế biến.

Ngoài ra hằng năm, tỉnh phát triển thêm 3-5 chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm rau; thúc đẩy phát triển dịch vụ logicstics nhằm hỗ trợ doanh nghiệp mới tham gia xuất khẩu, các dịch vụ trọn gói…

Để đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu, các loại rau được nông dân Lâm Đồng áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng như VietGap, hữu cơ… nhằm nâng cao chất lượng, sản lượng, tiêu chuẩn mẫu mã mà nước nhập khẩu đưa ra.

Trước mắt, Lâm Đồng tiếp tục lựa chọn, nhập khẩu, mua bản quyền các giống rau mới có năng suất, chất lượng cao; đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP và tiếp tục đẩy mạnh quảng bá, nâng cao thương hiệu của sản phẩm rau Lâm Đồng.

Lâm Đồng đang là điểm sáng trong ngành xuất khẩu rau quả của Việt Nam, với tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Sự kết hợp giữa nỗ lực của người nông dân, sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, và sự đầu tư vào công nghệ và nghiên cứu sẽ là chìa khóa để tỉnh này tiếp tục phát triển bền vững trong thời gian tới.

Duy Trinh (t/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích