Nâng cao năng lực tự bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng

Nhiều rủi ro với người tiêu dùng

Những năm gần đây, thương mại điện tử Việt Nam chứng kiến sự phát triển nhanh chóng với tốc độ trung bình từ 25-35%/năm. Kết quả này cho thấy thương mại điện tử đang phát triển nhanh, mạnh và tạo ra thói quen, sự thuận tiện trong mua sắm cho người tiêu dùng.

Thông tin do đại diện Bộ Công Thương đưa ra tại cuộc họp về nâng cao năng lực xuất khẩu trên thương mại điện tử mới đây cho thấy, thương mại điện tử Việt Nam có thể cán mốc 30 tỷ USD vào cuối năm nay.

Theo đó, tổng doanh số 5 sàn thương mại điện tử trong nửa đầu năm đạt gần 144 nghìn tỷ đồng, tăng xấp xỉ 55% so với cùng kỳ năm ngoái. Tốc độ này cao hơn đáng kể so với mức tăng trưởng 7,4% của ngành bán lẻ nói chung trong 6 tháng qua. Nhiều hình thức mua sắm mới được phát triển mạnh mẽ, điển hình là xu hướng livestream (bán hàng phát trực tiếp) và bán hàng đa kênh.

Nâng cao năng lực tự bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng
Xu hướng livestream (bán hàng phát trực tiếp) ngày càng phổ biến.

Lợi ích dễ thấy nhất của thương mại điện tử là giúp người bán tiếp cận khách hàng nhanh chóng, tiết kiệm chi phí so với kinh doanh truyền thống, mang đến cho người tiêu dùng những trải nghiệm mua sắm dễ dàng hơn, đa dạng sự lựa chọn phân khúc hàng hóa cả về chất lượng, giá cả. Người mua hàng cũng chỉ vài thao tác đơn giản đã hoàn thành đơn hàng, tiếp cận được đa dạng nguồn cung, thuận tiện có thể mua hàng ở bất kỳ đâu.

Mặc dù nhiều lợi ích, song thực tế hiện nay, lý do lớn nhất mà người tiêu dùng coi là trở ngại khi mua hàng trực tuyến vẫn là “chất lượng kém so với quảng cáo”, “không tin tưởng đơn vị bán hàng” hay “khó kiểm định chất lượng hàng hóa”.

Không chỉ vậy, người tiêu dùng cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro, như: Bị lợi dụng thông tin cá nhân để chiếm đoạt tài sản; bị lừa đảo, hoặc mua phải hàng giả, hàng nhái; bị từ chối, kéo dài thời gian giải quyết khi có khiếu nại…

Trong năm 2023, với lĩnh vực thương mại điện tử, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 834 vụ, xử lý 764 vụ, phạt tiền 12 tỷ đồng, trị giá hàng hóa gần 6 tỷ đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, mặc dù hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không bày bán tràn lan như trước đây, song lĩnh vực thương mại điện tử đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ để các gian thương lợi dụng để tuồn hàng lậu vào thị trường nội địa. Cụ thể, 8 tháng năm 2024, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã chuyển thông tin hơn 500 website, ứng dụng có dấu hiệu vi phạm tới cơ quan Công an nhằm ngăn chặn thiệt hại quy mô lớn cho người dân.

Số liệu từ Tổng cục Quản lý thị trường, 8 tháng năm 2024, lực lượng Quản lý thị trường trên cả nước đã tập trung giám sát, kiểm tra 50.445 vụ, phát hiện, xử lý 35.510 vụ vi phạm. Tổng số tiền xử lý là 674 tỷ đồng (tăng 23% so với cùng kỳ năm 2023); trong đó, xử phạt vi phạm hành chính 342 tỷ đồng (tăng 20%), trị giá hàng hóa tịch thu gần 148 tỷ đồng (tăng 6%), trị giá hàng hóa tiêu hủy và buộc tiêu hủy trên 184 tỷ đồng (tăng 86%). Đã thu nộp ngân sách Nhà nước 395 tỷ đồng (tăng 11%); Chuyển Cơ quan điều tra 118 vụ có dấu hiệu hình sự (giảm 9% so với cùng kỳ năm 2023).

Tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động livestream

Với tính chất phức tạp như trên, hoạt động mua bán trên không gian mạng gây không ít khó khăn cho lực lượng chức năng trong công tác trinh sát, theo dõi và kiểm tra xử lý; ngoài các giải pháp kỹ thuật, cũng cần sự phối hợp của các lực lượng chức năng khác. Trong khi đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định lấy ngày 15/3 hằng năm là Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam.

Năm 2024, với chủ đề “Thông tin minh bạch – Tiêu dùng an toàn”, phát động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam đã đặt ra mục tiêu tiêu tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong đó chú trọng vào thương mại điện tử và kinh tế số; nâng cao năng lực tự bảo vệ quyền lợi của chính người tiêu dùng thông qua các hoạt động như tăng cường thực hiện các hoạt động tuyên truyền, kêu gọi, phát huy sự chủ động tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin truyền thông.

Nâng cao năng lực tự bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng
Thương mại điện tử phát triển nhanh chóng.

Tại đây cũng khuyến khích các đơn vị liên quan để tăng cường thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm, kịp thời các đối tượng sản xuất, kinh doanh, quảng cáo, phân phối hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng… đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Tuy nhiên để hạn chế tối đa nguy cơ, mỗi người dân cần là những người tiêu dùng thông minh, có kiến thức tự bảo vệ mình, tránh “tiền mất tật mang” trong môi trường không gian mạng, góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử.

Theo Công điện số 56/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn doanh nghiệp nâng cao tinh thần tuân thủ pháp luật và bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng; tăng cường công tác cảnh báo, hướng dẫn người tiêu dùng qua thương mại điện tử; kiểm tra, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và cạnh tranh không lành mạnh trong thương mại điện tử.

Trong đó tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động livestream bán hàng, trường hợp phát hiện tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, nhận hoa hồng từ việc quảng cáo.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước về bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, đấu tranh phòng, chống tội phạm công nghệ cao, góp phần bảo đảm an ninh, an toàn không gian mạng quốc gia; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, cơ quan liên quan trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại trong hoạt động thương mại điện tử.

Về vấn đề này, các chuyên gia cũng khuyến nghị, cơ quan quản lý Nhà nước, cần có chiến lược đầu tư kịp thời, đúng đắn vào việc phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cấp mạng internet. Bên cạnh đó, cần có chế tài, quy định chặt chẽ trong kinh doanh thương mại điện tử nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan như: Doanh nghiệp, đối tác, khách hàng…

Cần có quy định về trách nhiệm của người bán trong việc tạo điều kiện cho người tiêu dùng truy cập, tải, lưu giữ và in hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch. Để đáp ứng quy định này, các website bán hàng qua mạng cần tích hợp các giải pháp kỹ thuật nhằm đảm bảo khả năng truy cập, sao lưu chứng từ của người tiêu dùng…

Về phía doanh nghiệp phát triển, quản lý sàn thương mại điện tử, khi phát triển sản phẩm cần chú ý đến thiết kế luồng kinh doanh hợp lý, kiểm soát chặt chẽ truy xuất dữ liệu theo nguyên tắc “khách hàng truy cập thông tin với quyền hạn phù hợp định trước”. Tiếp đó, kiểm soát chặt chẽ và áp dụng các kiểm tra an toàn thông tin ngay từ khi phát triển ứng dụng và sau khi đưa vào cung cấp. Cần định kỳ tiến hành rà soát và đánh giá lại mức độ an toàn của các hệ thống của mình.

Các sàn thương mại điện tử cần nâng cao trách nhiệm trong việc sàng lọc, ngăn chặn các tài khoản không cung cấp đầy đủ thông tin, mạnh tay xử lý khi có dấu hiệu vi phạm. Các cơ quan, hiệp hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần phối hợp, thường xuyên tổ chức các hoạt động nâng cao kiến thức, kỹ năng mua sắm online, nhằm đưa ra những cảnh báo, hướng dẫn người tiêu dùng phòng, tránh lừa đảo.

Phương Ngân

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích