Nâng cao năng lực, nhận thức về phát thải khí nhà kính và các tiêu chuẩn liên quan

Thị trường carbon được bắt nguồn từ Nghị định thư Kyoto của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu, thông qua vào năm 1997. Theo đó, các quốc gia có dư thừa quyền phát thải được bán cho hoặc mua từ các quốc gia phát thải nhiều hơn hoặc ít hơn mục tiêu cam kết. Thỏa thuận Paris năm 2015 như một thỏa thuận tiếp nối Nghị định thư Kyoto. Thỏa thuận xây dựng dựa trên những đóng góp tự nguyện về cắt giảm khí thải, đặc biệt nhấn mạnh đến biện pháp thích ứng biến đổi khí hậu và tăng cường nghĩa vụ báo cáo. Thỏa thuận Paris có nhiều quy định đảm bảo khuôn khổ minh bạch, theo đó, các thành viên cam kết tính toán, báo cáo và kiểm tra hiệu quả của các hoạt động và hỗ trợ về chống biến đổi khí hậu.

Tại Hội nghị về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) do Liên Hợp quốc tổ chức năm 2021, có 137 quốc gia, đại diện cho 88% tổng lượng phát thải thế giới, gồm các nước phát thải lớn như Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ đã cam kết hoặc hướng tới mục tiêu Net zero. Mỗi quốc gia tự đặt ra mốc thời gian để đạt mục tiêu này, phần lớn là vào năm 2050 và Việt Nam đã đưa ra cam kết Việt Nam sẽ hướng đến và hoàn thành mục tiêu Net Zero vào năm 2050.

Bà Nguyễn Thị Mai Hương – Vụ trưởng Vụ Đánh giá Hợp chuẩn hợp quy phát biểu khai mạc khoá đào tạo.

Ngày 07/01/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ôzôn. Nghị định này có quy định cụ thể về lộ trình phát triển, thời điểm triển khai thị trường carbon trong nước. Trong đó, giai đoạn đến hết năm 2027 sẽ xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon; triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong các lĩnh vực tiềm năng và hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon kể từ năm 2025; triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về phát triển thị trường carbon. Giai đoạn từ năm 2028 sẽ tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức trong năm 2028; quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới.

Toàn cảnh khóa đào tạo.

Bên cạnh đó, từ ngày 01/10/2023, các doanh nghiệp xuất khẩu sang EU phải thực hiện Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của châu Âu, trước mắt là thực hiện Báo cáo kiểm kê và giảm phát thải khí nhà kính. Ban đầu, cơ chế CBAM sẽ áp dụng cho hàng hóa nhập khẩu vào EU ở các lĩnh vực sản xuất phát thải lượng carbon lớn gồm sắt thép, nhôm, xi măng, phân bón và điện nhưng miễn trừ cho một số sản phẩm nhất định như sắt phế liệu hay các loại phân bón không phát thải nhiều carbon trong quá trình sản xuất. Do vậy, nếu doanh nghiệp muốn duy trì thị trường xuất khẩu thì phải tuân thủ kiểm kê và giảm phát thải khí nhà kính theo Quyết định 01/2022/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính và Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). 

Với tầm quan trọng đó, nhằm nâng cao năng lực cho các cán bộ của Tổng cục TCĐLCL để triển khai các nội dung liên quan đến phát thải khí nhà kính (GHG), được sự hỗ trợ của BSI Việt Nam, Tổng cục TCĐLCL đã tổ chức khóa đào tạo 02 ngày (ngày 02-03/02/2024) về “Phát thải khí nhà kính và các tiêu chuẩn liên quan”, theo đó có nhiều kiến thức mới được giảng viên của BSI Việt Nam chia sẻ, trao đổi, trong đó có các tiêu chuẩn ISO 14064-1, ISO 14064-2, ISO 14064-3, ISO 14067. Tham dự khoá đào tạo này có Lãnh đạo Tổng cục, đại diện Lãnh đạo các đơn vị, Lãnh đạo cấp phòng và các chuyên viên, chuyên gia tư vấn, chuyên gia đánh giá thuộc các đơn vị của Tổng cục TCĐLCL.

Mai Hương

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích