Nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp

Tỷ lệ giao dịch kỹ thuật số còn thấp

Chuyển đổi số mang đến nhiều cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam nhằm nâng cao năng lực, lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp. Đây là giải pháp mà các doanh nghiệp không thể không triển khai.

Nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp
Ảnh minh họa.

Tại Hội thảo “Đổi mới sáng tạo: Kết nối chính sách với doanh nghiệp Việt Nam”, bà Bùi Thu Thủy – Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, Việt Nam có tỷ lệ thuê bao cố định và di động tương đối tốt so với một số quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia. Tỷ lệ các doanh nghiệp trực tuyến sử dụng thanh toán kỹ thuật số cũng ngang bằng với một số nước trong khu vực. Tuy nhiên, môi trường kinh tế số của Việt Nam vẫn còn hạn chế.Theo đó, tỷ lệ giao dịch kỹ thuật số của Việt Nam chỉ đạt 22%, trong khi ở Indonesia là 34% và Thái Lan là 62%. Đồng thời, tỷ lệ thanh toán online khi mua sắm trên internet của Việt Nam còn thấp so với các nước trong khu vực, chỉ đạt 10% so với 49% của Indonesia và 52% của Malaysia.

Các doanh nghiệp Việt Nam còn gặp nhiều rào cản, khó khăn trong chuyển đổi số như chi phí đầu tư vào chuyển đổi số cao, hạ tầng công nghệ thông tin kém phát triển, các giải pháp về rủi ro an ninh mạng khó tiếp cận. Đồng thời, nguồn nhân lực chuyển đổi số hạn chế; các doanh nghiệp còn thiếu tiếp cận, kiến thức/thông tin về công nghệ số.

Dưới góc nhìn doanh nghiệp, bà Trần Uyên Phương – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát cho rằng, đổi mới sáng tạo là việc tạo ra và ứng dụng thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế – xã hội; nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa. Đổi mới sáng tạo phải bắt nguồn từ lãnh đạo doanh nghiệp với tư tưởng phải nhất quán, thì mới mang lại kết quả cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, quá trình hiện thực hóa các nỗ lực đổi mới sáng tạo vào sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp không ít thách thức, khi mà ngay trong giai đoạn hình thành ý tưởng đã phải chứng minh tính hiệu quả và khả thi của ý tưởng đó. Theo bà Phương, để nhất quán được, thì cần tính toán càng chi tiết và các dự báo rủi ro nhiều bao nhiêu tốt bấy nhiêu. Cần cụ thể và rõ ràng trong mục tiêu, đó sẽ là kim chỉ nam và định hướng khi có các vấn đề hay mâu thuẫn phát sinh.

Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số

Theo các chuyên gia kinh tế, chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam có sự cải thiện đáng kể khi tăng 10 bậc kể từ năm 2015. Năm 2020, Việt Nam đứng thứ 42/131 quốc gia, vùng lãnh thổ, đứng đầu nhóm 29 quốc gia, nền kinh tế cùng mức thu nhập. Năm 2021, Việt Nam xếp thứ 44 sau khi Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) cập nhật số liệu GDP theo tính toán mới của Việt Nam (tăng khoảng 36% so với năm 2020).

Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã và đang làm thay đổi sâu sắc trật tự, cấu trúc kinh tế, phương thức quản trị toàn cầu, cách thức hoạt động kinh tế và tổ chức đời sống xã hội của tất cả các quốc gia trên thế giới. Trong sự thay đổi này, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo đang ngày càng trở thành nhân tố quyết định đối với năng lực cạnh tranh của mỗi tổ chức, mỗi quốc gia.

Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Bùi Thu Thủy: Cục đã và đang thực hiện nhiều hoạt động, hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số. Theo Nghị định 80/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, thì doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ 50% giá trị hợp đồng tư vấn giải pháp chuyển đổi số; doanh nghiệp được hỗ trợ chi phí để thuê, mua các giải pháp chuyển đổi số để tự động hoá, nâng cao hiệu quả quy trình kinh doanh, quy trình sản xuất, chuyển đổi mô hình kinh doanh…

Nhằm đảm bảo định hướng chung trong công tác hỗ trợ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số trong doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh giai đoạn 2021-2025 để áp dụng trên phạm vi toàn quốc.

Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2030 đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm; GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2030 đạt khoảng 7.500 USD…

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã khiến lần đầu tiên GDP quý III/2021 ước giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP hàng quý đến nay. Trên bình diện doanh nghiệp, năm 2021 cũng là năm ghi nhận số doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động, rời khỏi thương trường tăng cao kỷ lục, khoảng gần 120.000 doanh nghiệp.

Theo ông Vũ Quốc Huy – Giám đốc Trung tâm Đổi mới, sáng tạo quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang diễn ra với quy mô lớn, tốc độ rất nhanh. Trong bối cảnh này, đổi mới sáng tạo là tư duy mới trong chiến lược phát triển của hầu hết các quốc gia và trở thành ngôn ngữ chung, có ý nghĩa toàn cầu. Tại Việt Nam, yêu cầu đặt ra là cần tìm kiếm động lực mới để tạo ra một giai đoạn tăng trưởng tiếp theo và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia là một trong các ưu tiên hàng đầu.

TS. Chử Đức Hoàng – Quỹ Đổi mới công nghệ Quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ) nhận định, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được coi là một trụ cột cho phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về nâng cao năng lực, tổ chức hoạt động nghiên cứu và phát triển, trích lập quỹ phát triển, tiếp cận với các nguồn hỗ trợ tài chính và duy trì hệ sinh thái nhà trường – nhà khoa học – nhà doanh nghiệp bền vững.

Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia có vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng, đã và sẽ thực hiện các chính sách hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo gồm các mục tiêu hỗ trợ vốn cho các hoạt động đổi mới công nghệ; mở rộng hình thức hỗ trợ tài chính cho dự án đổi mới công nghệ; từng bước thực hiện bảo lãnh vay vốn bằng công nghệ cho doanh nghiệp có thể vay vốn từ các ngân hàng thương mại.

Bên cạnh những nỗ lực từ Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cũng có nhiều hoạt động hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, người dân đổi mới, hướng đến phát triển bền vững trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, vì một Việt Nam xanh, thịnh vượng và không ai bị bỏ lại phía sau.

Bảo Thoa

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích