Nâng cao năng lực, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường khó tính
Thách thức cho sản phẩm xuất khẩu Việt Nam vào thị trường khó tính
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, năm 2024 tiếp tục chứng kiến sự chậm lại của bức tranh kinh tế thế giới, điều này có tác động trực tiếp đến triển vọng của các nền kinh tế đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Cùng với sự chậm lại, chính sách bảo hộ xuất hiện trở lại ở nhiều nước với nhiều hình thức khác nhau. Các nước phát triển ngày càng chú trọng đến các vấn đề an toàn cho người tiêu dùng, phát triển bền vững, và chống biến đổi khí hậu. Điều này thể hiện qua việc đặt ra những tiêu chuẩn và quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, và môi trường đối với các sản phẩm nhập khẩu.
Cụ thể, vào ngày 17/01/2024, Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra Quy định thực hiện Quy chế (EU)2024/286 ký ngày 16 tháng 1 năm 2024, sửa đổi Quy định thực hiện (EU) 2019/1793 về việc tạm thời tăng cường các biện pháp kiểm soát chính thức và các biện pháp khẩn cấp quản lý nhập khẩu vào Liên minh một số hàng hóa từ một số nước thứ ba thực hiện Quy định (EU) 2017/625 và (EC) số 178/2002 của Nghị viện và Hội đồng Châu Âu.
Điều này ảnh hưởng đặc biệt đến Việt Nam. Theo đó, ngoài các mặt hàng của Việt Nam vào EU đang chịu giám sát tại cửa khẩu là ớt chuông, mì ăn liền thì bổ sung sầu riêng với tần suất kiểm tra tương ứng là 50%, 20% và 10%. Đây là lần đầu tiên sầu riêng của Việt Nam xuất khẩu vào EU bị đưa vào diện kiểm tra dư lượng hóa chất trên trái sầu riêng tươi tại cửa khẩu với tần suất 10%. Quy định mới của EU sẽ có hiệu lực 20 ngày sau ngày đăng công báo, tức sẽ được chính thức áp dụng vào ngày 6.2.2024 tới.
Điều này không chỉ ảnh hưởng đến ngành nông sản mà còn đặt ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là khi EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam. Ngoài ra, các biện pháp như Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU cũng tạo ra áp lực lớn cho nhiều ngành công nghiệp và tiêu thụ năng lượng.
Một số vấn đề mới của EU, như “Thỏa thuận Xanh” nhằm giảm phát thải và sử dụng tài nguyên một cách bền vững, cũng đặt ra thách thức cho các doanh nghiệp xuất khẩu từ Việt Nam. Chẳng hạn, việc áp dụng quy định chống phá rừng nhằm ngăn chặn việc nhập khẩu các mặt hàng gây mất rừng và suy thoái rừng.
Ngoài EU, Nhật Bản cũng là một thị trường quan trọng đối với các sản phẩm như sầu riêng của Việt Nam. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đang gặp khó khăn khi phải đối mặt với các quy định kiểm dịch khắt khe của Nhật Bản, đặc biệt là về chất lượng và an toàn thực phẩm.
Giải pháp cho doanh nghiệp
Đối mặt với những thách thức này, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần tính toán và điều chỉnh chiến lược để đáp ứng yêu cầu mới. PGS. TS Nguyễn Đình Thọ – Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhấn mạnh, để thực hiện những điều này đòi hỏi 3 yêu cầu, đó là đáp ứng yêu cầu về tài chính; tăng cường năng lực và thứ ba là chuyển giao công nghệ.
PGS. TS Nguyễn Đình Thọ cũng cho biết trong đề xuất về Kế hoạch hành động Quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn, Viện cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương lồng ghép kinh tế tuần hoàn vào quy hoạch, kế hoạch và chiến lược và yêu cầu các doanh nghiệp lồng ghép kinh tế tuần hoàn vào chuỗi sản xuất và tiêu dùng bền vững – từ thăm dò, điều tra khai thác, chế biến sản xuất, phân phối tiêu dùng, phân loại, thu gom, vận chuyển, lưu trữ, tái chế, tái sử dụng chất thải…
Ở góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Hương Liên, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sao Thái Dương chia sẻ kinh nghiệm, đơn vị đã mời một số tư vấn về chuyên môn của Anh cũng như của châu Âu để hỗ trợ cho doanh nghiệp trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn để xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Anh, cùng với sự sự hỗ trợ của Tham tán thương mại và Đại sứ quán Việt Nam.
“Với các doanh nghiệp mà chưa bao giờ xuất khẩu đi Anh hay là đi châu Âu thì sự hỗ trợ của đại diện thương mại tại các quốc gia là rất quan trọng,” bà Liên đưa ý kiến.
Trên thực tế, việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại hàng hóa vào các thị trường, trong đó EU tiếp tục là thị trường được Bộ Công Thương ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp. Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương), trong năm 2024, Bộ Công Thương sẽ triển khai một loạt những chương trình hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực, với sự hợp tác của các tổ chức quốc tế nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng cho các ngành sản xuất, đặc biệt là với từng ngành có liên quan tới quy định của CBAM và những quy định liên quan đến “Tiêu chuẩn Xanh” của Đức và của EU.
Cụ thể, đối với xúc tiến xuất khẩu, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với hệ thống thương vụ Việt Nam và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để cung cấp tốt nhất những quy định mới và hướng dẫn mới liên quan đến “Thỏa thuận Xanh” và kinh doanh có điều kiện cũng như kinh tế tuần hoàn cho các ngành sản xuất trong nước, để có thể đáp ứng được tốt nhất và hiệu quả nhất các quy định mới của các quốc gia này.
Như vậy, không chỉ là một thách thức mà còn là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam nâng cao chất lượng sản phẩm, tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế, và phát triển theo hướng bền vững để tồn tại và phát triển trên thị trường quốc tế ngày càng khắc nghiệt.
Duy Trinh (t/h)