Nâng cao năng lực cho kỹ thuật viên và giáo viên nguồn các trung tâm hỗ trợ trẻ em tự kỷ

Khai mạc lớp tập huấn, TS.BS Hoàng Văn Tiến – Giám đốc Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam giới thiệu về dự án và chương trình tập huấn “Nâng cao năng lực cho kỹ thuật viên và giáo viên nguồn của các trung tâm hỗ trợ trẻ em tự kỷ tại Việt Nam”.

Nâng cao năng lực cho kỹ thuật viên và giáo viên nguồn các trung tâm hỗ trợ trẻ em tự kỷ
TS.BS Hoàng Văn Tiến – Giám đốc Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam khai mạc lớp tập huấn.

Theo đó, từ 14-18/9, các học viên sẽ được nghe các giảng viên giới thiệu về: Phương pháp can thiệp dựa trên ABA – Can thiệp chơi đùa; dạy ngôn ngữ cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ; quản lý hành vi và hỗ trợ tâm lý cho gia đình tự kỷ…

Dự án “Nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam” do Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận đồng khởi xướng, tài trợ và phối hợp với Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam thực hiện.

Với tổng kinh phí 10 tỷ đồng, PNJ tài trợ dự án thực hiện trong 5 năm, từ 2019 đến 2023. Khóa tập huấn nâng cao năng lực cho giáo viên, kỹ thuật viên nguồn của các trung tâm hỗ trợ trẻ em tự kỷ tại Việt Nam là một hoạt động trong khuôn khổ dự án này.

Theo đó, trong năm 2022, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam tổ chức 2 lớp tập huấn chuyên sâu cho 100 giáo viên, kỹ thuật viên. Đây là những cán bộ đang trực tiếp hỗ trợ trẻ em tự kỷ ở 33 địa phương.

Các giảng viên tham gia giảng dạy tại lớp tập huấn chính là những chuyên gia trực tiếp biên soạn bộ tài liệu “Hỗ trợ phục hồi chức năng cho trẻ em tự kỷ ở Việt Nam” và có nhiều kinh nghiệm giảng dạy trong lĩnh vực giáo dục đặc biệt.

Tại Việt Nam, hiện chưa có con số nghiên cứu chính thức về số lượng trẻ mắc chứng tự kỷ, nhưng theo thống kê sơ bộ của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, nước ta khoảng 200.000 người mắc chứng tự kỷ.

Những trẻ có rối loạn phổ tự kỷ thường gặp khó khăn trong việc giao tiếp, tương tác xã hội qua lại. Trong đó, có không ít trẻ có khiếm khuyết ngôn ngữ, hoàn toàn không nói được cho đến chậm phát triển ngôn ngữ, hiểu lời kém, lời nói lặp lại, hoặc ngôn ngữ sáo rỗng và sử dụng ngôn ngữ hoàn toàn theo nghĩa đen. Điều này gây ra những hệ quả tiêu cực đến các hoạt động chức năng như sinh hoạt, học tập, phát triển và duy trì các mối quan hệ của trẻ.

Do đó, việc dạy và giúp trẻ có rối loạn phổ tự kỷ học tập và lĩnh hội thông tin bằng hình ảnh sẽ là một giải pháp tốt để có thể giải quyết được những khó khăn trong giao tiếp bằng ngôn ngữ.

Mục tiêu của dự án “Nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam” do Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam và PNJ triển khai, tập trung vào 5 mục tiêu cơ bản: Biên tập và phát hành bộ tài liệu chuẩn về hỗ trợ trẻ em tự kỷ ở Việt Nam; đào tạo nâng cao năng lực 100 cán bộ nòng cốt (giảng viên nguồn) về tuyên truyền và hỗ trợ trẻ em tự kỷ; phổ biến kiến thức về tự kỷ cho 10.000 cha, mẹ, người chăm sóc nuôi dưỡng trẻ em tự kỷ, người làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em và cộng đồng; hỗ trợ 10.000 giáo viên, cán bộ dự án, cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tiếp cận và chuẩn hóa kiến thức về tự kỷ tại Việt Nam; thông qua kết quả phổ biến kiến thức có khoảng 4.000 trẻ em tự kỷ được hưởng lợi gián tiếp từ dự án để hòa nhập cộng đồng.

B.D

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích