Nâng cao năng lực cho các nước đang phát triển về hoạt động tiêu chuẩn hoá quốc tế
Hành trình là hoạt động kết hợp giữa dự án của DFAT và trong khuôn khổ Kế hoạch hành động của ISO dành cho các nước đang phát triển 2021-2025 (Action Plan for Developing Country (APDC) 2021-2025). Nội dung của hành trình xây dựng năng lực bao gồm một chương trình đào tạo trước và sau tuần họp của Ủy ban kỹ thuật ISO/IEC JTC1 về quy trình xây dựng tiêu chuẩn ISO và tham dự cuộc họp toàn thể (Penary Meeting) để hiểu rõ hơn về hoạt động của ISO/IEC JTC 1.
Hành trình nhằm hướng tới mục tiêu tăng cường sự tham gia hiệu quả của các nước đang phát triển vào các công việc của uỷ ban kỹ thuật, đảm bảo mục tiêu lắng nghe tiếng nói của tất cả các bên (all voices heard), và nâng cao năng lực để chủ động tham gia vào các công tác kỹ thuật của ISO đối với việc xây dựng các tiêu chuẩn công nghệ quan trọng và mới nổi (Critical and Emerging Technology – CET). Cùng với các đoàn của 6 nước đang phát triển tại Đông Nam Á (Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Phillipines, và Thái Lan), đoàn công tác của Việt Nam đã tích cực tham dự: Khoá đào tạo diễn ra trước lễ khai mạc và phiên họp toàn thể của JTC vào ngày 12 tháng 11 (cả ngày); Cuộc họp Toàn thể từ ngày 13 – 17/11 (05 ngày).
Tại khoá đào tạo do bộ phận xây dựng năng lực của ISO (ISO Capacity Building Unit – CBU) tổ chức, các giảng viên đến từ CBU và, đặc biệt, Chủ tịch Phil Wennblom và Giám đốc Ban (Committee Manager) Lisa Rajchel của JTC1 đã trực tiếp giới thiệu đến các học viên về quy trình xây dựng tiêu chuẩn quốc tế của ISO; cơ cấu tổ chức và chức năng nhiệm vụ của JTC1 và các bộ phận trực thuộc, và những nội dung chính cũng như lịch trình của cuộc họp toàn thể của JTC1.
Khoá đào tạo diễn ra sôi nổi với các hoạt động học, các bài tập nhóm, các ví dụ cụ thể mô phỏng quá trình xây dựng tiêu chuẩn quốc tế của ISO. Giảng viên Adrew Dryden cùng trưởng bộ phận CBU của ISO Francesco Dadaglio đã giảng dạy nhiệt tình, giúp học viên đến từ 7 quốc gia đang phát triển hiểu rõ hơn về ISO, JTC1 và phương pháp xây dựng tiêu chuẩn quốc tế ISO.
Đoàn công tác Việt Nam cùng 2 giảng viên của ISO CBU.
Theo thống kê của ISO, các phiên họp của JTC1 trong tuần 13 – 17/11/2023 đã có 177 người tham dự (trong đó có khoảng 40 người tham dự trực tuyến) đã xem xét 170 báo cáo của các nhóm tư vấn (Advisory Group – AG), các tiểu ban kỹ thuật (Sub-committee – SC), các nhóm công tác (Working Group – WG) và các tổ chức tiêu chuẩn hoá của các quốc gia thành viên. Dưới sự điều hành chuyên nghiệp của Chủ tịch Phil Wennblom, tất cả các báo cáo đã được trình bày, thảo luận và đi đến kết luận đúng khung thời gian của cuộc họp toàn thể.
Chủ tịch của các AG, SC, WG đã trình bày các báo cáo của mình về tiến độ, hiện trạng dự án của mình, các khó khăn thách thức gặp phải, cũng như những giải pháp, đề xuất và kế hoạch công việc tiếp theo. Các bên đã đưa ra ý kiến đóng góp, trao đổi, tranh luận đôi khi khá căng thẳng nhưng cuối cùng đều đạt được sự đồng thuận. Trong ngày họp cuối cùng, các bên đã thông qua bản dự thảo nghị quyết làm cơ sở thực hiện những công việc tiếp theo của JTC1 trong thời gian tới.
Toàn cảnh cuộc họp toàn thể của JTC1.
Đoàn công tác của Việt Nam đã học được những kiến thức bổ ích, thu thập được khá nhiều thông tin hữu ích cũng như tích cực trao đổi, xây dựng mối liên hệ với các tổ chức tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế, các chuyên gia và đồng nghiệp đến từ các nước. Sau chuyến công tác, đoàn sẽ báo cáo và đề xuất những công việc mà Việt Nam có khả năng đóng góp cho ISO, đề xuất những ý tưởng và dự án nhằm nâng cao năng lực của Việt Nam trong việc chủ động và tích cực tham gia vào quá trình xây dựng tiêu chuẩn quốc tế, đóng góp vào chiến lược quốc gia về tiêu chuẩn hoá, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
PV