Nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật
Thời gian qua, hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm chỉ đạo, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đã chú trọng thực hiện.
UBTV Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Công tác đại biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN) |
Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 13, chiều 11/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.
Cụ thể hóa trình tự, thủ tục thực hiện
Trình bày Tờ trình, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết thời gian qua, hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm chỉ đạo, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đã chú trọng thực hiện.
Việc giám sát đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, phần lớn văn bản quy phạm pháp luật có chất lượng tốt, bảo đảm hợp hiến, hợp pháp và tính đồng bộ, thống nhất, khả thi, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh của đất nước.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện công tác giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội còn hạn chế; việc theo dõi, đôn đốc các cá nhân, cơ quan trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật chưa được chú trọng, chưa thống nhất từ kỳ báo cáo kết quả giám sát đến trình tự, cách thức thực hiện cũng như việc xử lý kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật.
Việc phát hiện và kiến nghị cơ quan ban hành văn bản xử lý, báo cáo kết quả xử lý văn bản đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn chưa chủ động, chưa kịp thời, kém hiệu quả…
Ông Bùi Văn Cường nhấn mạnh xuất phát từ thực trạng trên, để góp phần đưa công tác giám sát văn bản quy phạm pháp luật đi vào nền nếp, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội là cần thiết và phù hợp với vị trí, chức năng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là “cơ quan thường trực của Quốc hội,” “chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội” theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội.
Trên cơ sở Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Nghị quyết quy định cụ thể hóa trình tự, thủ tục thực hiện và báo cáo kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội.
Mục đích xây dựng Nghị quyết nhằm bảo đảm tính thống nhất trong tổ chức thực hiện và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật; giải quyết những vướng mắc trong thực tế, thực hiện ngay trong năm 2022.
Đồng thời, góp phần thiết thực nâng cao tính chủ động, chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả trong hoạt động giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội; làm cơ sở nghiên cứu sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân thời gian tới. Dự thảo Nghị quyết gồm 3 chương và 14 điều.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết quá trình xây dựng dự thảo Nghị quyết, có 2 loại ý kiến khác nhau về phạm vi giám sát.
Loại ý kiến thứ nhất đề nghị việc giám sát văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện theo nguyên tắc Hội đồng Dân tộc, các ủy ban được giao chủ trì thẩm tra luật, pháp lệnh, nghị quyết nào sẽ giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đối với luật, pháp lệnh, nghị quyết đó.
Loại ý kiến thứ hai đề nghị việc giám sát văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện theo lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban.
Cần thiết ban hành Nghị quyết
Qua thảo luận, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều thống nhất cho rằng, việc ban hành Nghị quyết là cần thiết, đúng với Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và đúng với Kết luận số 522 ngày 25/11/2021 tại Phiên họp thứ 5 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cuộc sống.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN) |
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ rõ, hàng năm, ngoài Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp theo chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ giao cũng tiến hành kiểm tra vấn đề này và đều có báo cáo.
Kiểm toán Nhà nước khi kiểm tra, kiểm toán tình hình thực hiện nhiệm vụ cũng phát hiện nhiều văn bản không phù hợp và có kiến nghị xử lý. Tuy nhiên, việc xử lý các văn bản này còn nhiều ý kiến băn khoăn.
Dẫn chứng một số văn bản trái pháp luật, Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề, nhiều văn bản ban hành sai, không đúng nội dung nhưng không thấy nói đến xử lý, trách nhiệm thì có bảo đảm nghiêm minh?
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thượng tôn pháp luật là vấn đề hết sức quan trọng trong đó trước nhất là thượng tôn pháp luật trong ban hành, tổ chức thực hiện các văn bản.
Do đó, việc ban hành Nghị quyết hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội là rất cần thiết và cấp bách.
Về lĩnh vực, phạm vi giám sát, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ giám sát phải theo lĩnh vực mà Hội đồng Dân tộc, các cơ quan được phân công phụ trách, trừ những trường hợp có quy định khác hoặc theo phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ngoài ra, các cơ quan vẫn duy trì giám sát chuyên đề.
Về kỳ báo cáo, Chủ tịch Quốc hội cho rằng công tác giám sát thường xuyên được báo cáo vào cuối năm; đồng thời báo cáo đột xuất khi phát hiện văn bản có dấu hiệu sai, trái pháp luật.
Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua nguyên tắc dự thảo Nghị quyết hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan được giao nhiệm vụ tiếp thu ý kiến của các đại biểu tại phiên họp, sớm hoàn thiện dự thảo Nghị quyết và hoàn thành các thủ tục để sớm ban hành Nghị quyết trong tháng 7/2022./.
Nguồn: Báo xây dựng