Nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực Thủ đô
Tỷ lệ lao động qua đào tạo liên tục tăng
Báo cáo tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hoàng Thành Thái cho biết, trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có 352 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu chỉ đạo tại hội nghị |
Trong giai đoạn 2021 – 2022, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Thành phố thực hiện tuyển sinh đào tạo 474.393/445.000 lượt người và trung bình mỗi năm các cơ sở này thực hiện tuyển sinh, đào tạo 237.000 lượt người (đạt 103,04% chỉ tiêu đề ra và đạt 106,61% so với kế hoạch đề ra giai đoạn 2021 – 2022).
Riêng trong 10 tháng năm 2023, các cơ sở có hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Thành phố tuyển sinh đạt 220.800 người (đạt 96% kế hoạch tuyển sinh năm 2023, tăng 2,91% so với cùng kỳ năm 2022). Có 195.860 học sinh, sinh viên tốt nghiệp, tăng 4,31% so với cùng kỳ năm 2022. Đáng nói, tỷ lệ học sinh, sinh viên, học viên có việc làm sau tốt nghiệp đạt 70 – 80%. Nhiều ngành nghề khi học sinh, sinh viên ra trường được doanh nghiệp tuyển dụng 100% như nghề Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, nghề Công nghề Kỹ thuật điện, điện tử, công nghệ sơn ô tô, công nghệ ô tô, tự động hóa…
Kết quả tuyển sinh, đào tạo và giải quyết việc và chất lượng nguồn nhân lực đã góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng liên tục hàng năm, đạt từ 71,1% năm 2021 lên 72,23% năm 2022 (tăng 1,13%). Trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp chứng chỉ tăng từ 50,2% năm 2021 lên 52,5% năm 2023 (tăng 2,3%), phấn đấu đạt 73,2% năm 2023.
Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội Hoàng Thành Thái báo cáo tại hội nghị |
Ngoài ra, từ năm 2021 đến nay, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã hợp tác với gần 3.000 lượt doanh nghiệp với nhiều nội dung, hình thức phối hợp đa dạng như: Tiếp nhận học sinh, sinh viên đến thực hành, thực tập; 1.705 doanh nghiệp tuyển dụng 397.901 học sinh, sinh viên vào làm việc sau khi tốt nghiệp; 1.301 doanh nghiệp đặt hàng đào tạo đối với 328.063 học sinh, sinh viên…
Rà soát và quy hoạch lại mạng lưới trường nghề
Tại hội nghị, đại biểu đại diện các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Thành phố đã trao đổi, thảo luận về các vấn đề như: công tác tuyển sinh, đào tạo; phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở; đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng phát triển trường chất lượng cao, nghề trọng điểm; những khó khăn vướng mắc trong việc tiếp cận và tiếp nhận các nguồn tài trợ của doanh nghiệp trong và ngoài nước cho hoạt động giáo dục nghề nghiệp; về thu học phí và những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 165/NQ- CP ngày 20/12/2022 của Chính phủ; triển khai công tác tự chủ theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ; về giáo viên và cán bộ quản lý tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp…
Dịp này, các đại biểu nhà giáo cũng nêu nhiều kiến nghị tâm huyết với Thành phố nhằm tháo gỡ vướng mắc, nâng cao chất lượng đào tạo của các trường nghề, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Thành phố.bCác đề xuất kiến nghị của đại diện các trường nghề được lãnh đạo một số sở, ban, ngành Thành phố có mặt tại hội nghị giải đáp thỏa đáng.
Đại biểu trao đổi tại hội nghị |
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, đây là dịp quan trọng để lãnh đạo Thành phố lắng nghe, chia sẻ và qua đó đánh giá toàn diện về công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực theo các Nghị quyết của Trung ương và Thành phố.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho rằng, việc đầu tư cho lĩnh vực giáo dục thời gian qua của thành phố mới chỉ dừng lại ở giáo dục phổ thông, Trường Đại học Thủ đô, Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong. Trong khi đó, giáo dục nghề nghiệp liên quan trực tiếp đến nâng cao chất lượng nguồn nhân lực dù được đầu tư nhưng chưa thực sự thỏa đáng, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.
Chia sẻ với khó khăn mà các trường đang gặp phải, trong đó có tự chủ tài chính, công tác tuyển sinh… Phó Bí thư Thành ủy ghi nhận, công tác đào tạo nghề vẫn có nhiều đóng góp quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô. Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội đặc biệt đánh giá cao công tác gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động Thủ đô thời gian qua và cho rằng, đây là xu hướng chung của thế giới và giáo dục nghề nghiệp của Thủ đô đã bắt nhịp tốt.
Quang cảnh hội nghị |
Về nhiệm vụ thời gian tới, Phó Bí thư Thành ủy đề nghị các đơn vị liên quan cần phải thay đổi nhận thức rằng giáo dục nghề nghiệp cùng với giáo dục phổ thông hình thành nên hệ thống giáo dục hoàn chỉnh và mỗi loại hình có vai trò, vị trí quan trọng khác nhau nhằm góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Thủ đô. Theo xu hướng của thế giới, phải phân luồng học sinh từ sớm, vì thế hệ thống trường nghề có vai trò quan trọng trong đào tạo nghề, bổ cập kiến thức nghề và đào tạo nghề ngắn hạn phục vụ nhu cầu của xã hội.
Theo Phó Bí thư Thành ủy, hiện nay trên địa bàn Thành phố có 1.300 làng nghề và làng có nghề. Đây là nguồn lực lớn để Thành phố vừa phát triển kinh tế – xã hội vừa bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, phát triển công nghiệp văn hóa. Trong bối cảnh nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể bị tác động nghiêm trọng, Phó Bí thư Thành ủy đề nghị các trường nghề cần có vai trò quan trọng hơn trong việc vừa đào tạo nghề vừa góp phần bảo tồn, phát triển các nghề truyền thống của Hà Nội.
Trên cơ sở kiến nghị tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy cho rằng cần đầu tư hơn nữa cho công tác đào tạo nghề, từ việc đầu tư cơ sở vật chất, đến các cơ chế chính sách giúp các trường tháo gỡ khó khăn.
Từ thực tế hoạt động của các trường cao đẳng, trung cấp công lập hiện nay, Phó Bí thư Thành ủy đề nghị Ủy ban nhân dân Thành phố sớm rà soát, có quy hoạch mạng lưới các trường nghề theo đúng định hướng của Thành phố giai đoạn 2030 – 2045, trong đó, sớm tháo gỡ những khó khăn cho các nhà trường khi thực hiện tự chủ tài chính; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đào tạo nghề chất lượng cao; xây dựng kế hoạch đào tạo đội ngũ giảng viên tại các trường nghề.
Nguồn: Báo lao động thủ đô