Nâng cao hiệu quả công tác xử lý tội phạm về động vật hoang dã
Nâng cao hiệu quả công tác xử lý tội phạm về động vật hoang dã
Ngày 20/12/2021, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức buổi tọa đàm “Nâng cao hiệu quả công tác xử lý tội phạm về động vật hoang dã”
Tham dự Tọa đàm tại điểm cầu VKSND tỉnh có bà Hồ Thị Lan Anh, Tỉnh ủy viên, Bí thư Ban cán sự đảng, Viện trưởng VKSND tỉnh Lạng Sơn, bà Hồ Ngọc Bích, Phó Viện trưởng, các Trưởng phòng, Phó trưởng phòng, lãnh đạo một số phòng nghiệp vụ Viện tỉnh; Bên cạnh đó, Tọa đàm cũng có 11 điểm cầu trực tuyến tại các VKSND các huyện, thành phố với sự tham gia của lãnh đạo các Viện và cán bộ có liên quan.
Phát biểu khai mạc buổi Tọa đàm, bà Hồ Ngọc Bích, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Lạng Sơn cho rằng tuy chưa xử lý nhiều các vụ án hình sự về ĐVHD nhưng với vị trí địa lý chiến lược, giáp biên giới Trung Quốc, Lạng Sơn vẫn bị nhiều các đối tượng lợi dụng để vận chuyển, buôn bán ĐVHD trái phép qua biên giới. Trước tình hình này, việc nâng cao hiểu biết và kĩ năng chuyên môn của các cán bộ kiểm sát trong công tác xử lý tội phạm về ĐVHD là vô cùng quan trọng.
Tại buổi tọa đàm, với tư cách là một tổ chức xã hội với hơn 15 năm kinh nghiệm hỗ trợ các cơ quan chức năng trong công tác xử lý tội phạm về ĐVHD, bà Bùi Thị Hà – Phó Giám đốc ENV đã cung cấp đến các đại biểu những thông tin về tình hình tội phạm về ĐVHD tại Việt Nam và đánh giá cao nỗ lực của các cơ quan chức năng, cơ quan tiến hành tố tụng trong công tác xử lý tội phạm về ĐVHD trong thời gian vừa qua, đặc biệt là khi Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) có hiệu lực thi hành. Bên cạnh đó, đại diện ENV cũng chia sẻ đến các đại biểu tham dự một số lưu ý, vướng mắc mà các cơ quan tiến hành tố tụng thường gặp phải trong công tác xử lý tội phạm về ĐVHD cũng như hướng đề xuất giải quyết phù hợp với các quy định của pháp luật. Ngoài ra, các đại biểu cũng được nghe ông Nguyễn Quảng Trường – Phó Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (một trong bốn cơ quan khoa học CITES Việt Nam) chia sẻ về những lưu ý trong công tác giám định mẫu vật động vật, những phương pháp được sử dụng và cùng thảo luận về những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại.
Đặc biệt, trong buổi Tọa đàm, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi về vai trò của các cơ quan tiến hành tố tụng nói chung và của các cán bộ kiểm sát nói riêng trong công tác xử lý tội phạm về ĐVHD cũng như đề xuất nhiều cách thức hiệu quả để các kiểm sát viên thực hiện tốt vai trò của mình trong việc giám sát và thực hành quyền công tố các vụ án về ĐVHD.
Chia sẻ tại buổi Tọa đàm, nhiều đại biểu nhấn mạnh sự cần thiết phải tập trung các nguồn lực để truy tố, xét xử các đối tượng cầm đầu đường dây buôn bán ĐVHD cũng như phải xử phạt nghiêm minh các đối tượng phạm tội về ĐVHD để đảm bảo hiệu quả răn đe, phòng ngừa tội phạm chung và riêng.
Trong thời gian 5 năm vừa qua, các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Lạng Sơn đã xử lý 11 vụ án có dấu hiệu hình sự về ĐVHD trong đó nhiều vụ án đã được đưa ra xét xử. Đặc biệt, Lạng Sơn là địa phương đầu tiên trên cả nước xét xử thành công một vụ án có tang vật là cá ngựa – loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm thuộc Phụ lục II CITES thường xuyên bị quảng cáo, buôn bán tại Việt Nam. Trong đó, một đối tượng đã nhận mức án 4 năm tù cho hành vi vận chuyển trái phép 128kg cá ngựa vào tháng 2/2021. Bên cạnh đó, mức hình phạt cao nhất với tội phạm về ĐVHD từng được ghi nhận tại Lạng Sơn là mức án 10 năm tù cho đối tượng vận chuyển trái phép 21 cá thể voọc chà vá chân đen sấy khô – đây cũng là một trong những mức hình phạt cao với tội phạm về ĐVHD từng được áp dụng tại Việt Nam.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị