Nâng cao chất lượng xét tặng danh hiệu văn hóa

Báo cáo tại Hội nghị, đại diện Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Phúc Thọ cho biết, việc thực hiện các danh hiệu văn hóa đã đạt được những kết quả tích cực. Năm 2023, toàn huyện có 93,6% hộ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, tăng 0,5% so với năm 2022 và vượt 3,6% chỉ tiêu được giao. Về danh hiệu “Thôn văn hóa”, 128/157 thôn đạt danh hiệu, chiếm tỷ lệ 81,5%, vượt chỉ tiêu đề ra.

Đặc biệt, 100% tổ dân phố đạt danh hiệu “Tổ dân phố văn hóa”, vượt chỉ tiêu cả huyện và Thành phố giao. Huyện cũng đã xây dựng kế hoạch và đang triển khai thực hiện các tiêu chí để xây dựng thị trấn Phúc Thọ đạt chuẩn đô thị văn minh.

Nâng cao chất lượng xét tặng danh hiệu văn hóa
Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Bùi Minh Hoàng phát biểu tại Hội nghị.

Nhìn chung, phong trào đã tạo sự chuyển biến tích cực trong đời sống văn hóa cơ sở, tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế như chất lượng chưa đồng đều và nguồn lực còn hạn chế. Huyện kiến nghị cần có hướng dẫn cụ thể hơn về việc thực hiện Nghị định 86/2023/NĐ-CP và đơn giản hóa thủ tục hành chính trong công tác bình xét, công nhận các danh hiệu.

Thông tin tại Hội nghị, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Bùi Minh Hoàng cho biết, thực tiễn kết quả triển khai của thành phố Hà Nội cho thấy phong trào xây dựng gia đình văn hoá đã được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng rất tích cực. Nhiều gia đình đã trở thành tấm gương sáng, đi đầu trong mọi phong trào thi đua yêu nước, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương. Từ năm 2018 tới nay, tỷ lệ đạt danh hiệu “Gia đình văn hoá” từ 85 – 88%.

Nâng cao chất lượng xét tặng danh hiệu văn hóa
Người dân nêu ý kiến phát biểu tại Hội nghị.

Phong trào xây dựng danh hiệu “Thôn, tổ dân phố văn hoá” đã mang lại sức sống mới, diện mạo mới cho nhiều địa phương, làm thay đổi bộ mặt đời sống – xã hội. Điều này thể hiện rõ nét nhất qua các công trình được xây dựng mới, nhiều tuyến đường được mở rộng, nhà văn hóa được xây dựng khang trang, hệ thống đèn chiếu sáng được trang bị. Các phong trào văn hóa – thể thao nhờ đó cũng phát triển mạnh góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

“Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc bình xét, công nhận các danh hiệu văn hoá vẫn còn bộc lộ những bất cập, khó khăn. Việc công nhận các danh hiệu văn hóa có nơi, có lúc còn mang tính hình thức. Vẫn còn tình trạng gia đình, thôn, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa chỉ trên danh nghĩa, có khuynh hướng nặng theo chỉ tiêu hoặc tỷ lệ đạt rất cao, nhưng thực tế có nhiều tiêu chí chưa đạt”, ông Bùi Minh Hoàng cho hay.

Nâng cao chất lượng xét tặng danh hiệu văn hóa
Toàn cảnh Hội nghị.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bất cập nêu trên đó là tiêu chí bình xét, công nhận các danh hiệu “Gia đình văn hoá”, “Thôn, tổ dân phố văn hoá” được ban hành và áp dụng chung cho cả nước, nhiều nội dung chưa phù hợp với đặc thù từng địa phương cụ thể, dẫn đến việc đánh giá, bình xét chưa sát thực tế.

Chính vì vậy, việc ban hành Nghị định 86 không chỉ nhằm triển khai kịp thời các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật mà còn khắc phục những khó khăn, vướng mắc thực tế hiện nay.

Căn cứ khung tiêu chuẩn tại Nghị định 86/2023/NĐ-CP, UBND thành phố Hà Nội đã giao Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu quyết định của UBND Thành phố ban hành tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hoá”; “Thôn, tổ dân phố văn hoá”; “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu” áp dụng trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Tại hội nghị, đã có 14 ý kiến từ cơ sở được nêu ra. Bà Nguyễn Thị Lựu, công chức văn hóa xã hội xã Phụng Thượng, đã đưa ra đánh giá tích cực về dự thảo tiêu chuẩn xét tặng các danh hiệu văn hóa, nhấn mạnh tính đầy đủ và dễ hiểu. Bà chỉ ra những thuận lợi trong việc triển khai, như tính minh bạch và dân chủ, đồng thời cũng nêu lên những thách thức, đặc biệt là đối với các xã thuần nông.

Để triển khai hiệu quả, bà Nguyễn Thị Lựu đề xuất tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng và chính quyền, đẩy mạnh công tác tuyên truyền qua nhiều kênh, tăng cường quản lý nhà nước về văn hóa, và nâng cao nhận thức của người dân. Bà cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm tra và bình xét các danh hiệu văn hóa một cách nghiêm túc, nhằm xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, bảo tồn giá trị truyền thống và góp phần đẩy lùi tệ nạn xã hội.

Còn ông Trần Văn Minh, Trưởng thôn số 6, xã Vân Nam cho biết, ngày 7/12/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 86/2023/NĐ-CP quy định về khung tiêu chuẩn và quy trình xét tặng các danh hiệu văn hóa. Việc xét tặng được thực hiện hàng năm, hoàn thành trước ngày 25/11. Sau khi Nghị định được ban hành, chính quyền địa phương đã triển khai tuyên truyền đến các cấp để thực hiện từ năm 2024.

Ông Trần Văn Minh cũng đánh giá cao bố cục và nội dung của dự thảo Quyết định, cho rằng, nó bài bản, hợp lý, chi tiết và rõ ràng, thuận lợi cho quá trình bình xét ở cấp thôn. Tuy nhiên, ông Minh đề xuất chưa thấy có thang điểm chuẩn bao nhiêu khi tổng điểm, điểm trừ, còn bao nhiêu điểm thì đủ điều kiện xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, xã văn hóa tiêu biểu”.

Phương Bùi

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích