Nâng cao chất lượng sản xuất, quản lý mỹ phẩm
Theo khảo sát đánh giá của EuroMonitor International (Tập đoàn nghiên cứu thị trường của Anh, nghiên cứu thị trường trên 80 nước), quy mô thị trường mỹ phẩm Việt Nam đang ngày càng lớn với tốc độ tăng trưởng trung bình là 6%/năm, từ 2 tỉ USD năm 2016 lên đến gần 2,7 tỉ USD năm 2021 và dự đoán đến năm 2026, tổng doanh thu ngành hàng mỹ phẩm lên tới 3,5 tỉ USD.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp mỹ phẩm của Việt Nam còn non trẻ, nhiều hạn chế như quy mô sản xuất nhỏ, công nghệ dây chuyền sản xuất chưa hiện đại. Đến nay, cả nước có 35/965 cơ sở sản xuất trong nước đạt nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm của ASEAN.
Bên cạnh đó, ngành mỹ phẩm trong nước phải cạnh tranh khốc liệt với các công ty mỹ phẩm ngoại nhập. Đặc biệt, xu hướng sử dụng sản phẩm mỹ phẩm tự nhiên và hữu cơ ngày càng tăng, buộc các doanh nghiệp phải thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh.
Theo ông Chu Quốc Thịnh – Trưởng phòng Quản lý mỹ phẩm, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), dù còn nhiều khó khăn, nhưng Việt Nam cũng có triển vọng xuất khẩu mỹ phẩm, với các dạng chủ yếu sản phẩm chăm sóc da, chăm sóc tóc, sản phẩm vệ sinh răng miệng, vệ sinh cá nhân; ngoài ra còn có cả sản phẩm cao cấp như nước hoa, trang điểm…
Do đó, để tăng cường quản lý thị trường quản lý mỹ phẩm, Cục Quản lý Dược đang làm đầu mối phối hợp các Vụ, Cục liên quan thuộc Bộ Y tế xây dựng Nghị định quản lý mỹ phẩm, dự kiến xin ý kiến và ban hành trong năm 2025.
Cụ thể, TS Chu Quốc Thịnh thông tin, nghị định nhằm hướng đến thực hiện mục tiêu cắt giảm và đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong quản lý mỹ phẩm, nâng cao chất lượng mỹ phẩm sản xuất trong nước nhằm tăng tính cạnh tranh với sản phẩm ngoại nhập, đồng thời tăng tính an toàn của sản phẩm mỹ phẩm lưu thông trên thị trường Việt Nam, tăng khả năng tiếp cận các sản phẩm mỹ phẩm an toàn chất lượng của người dân.
Từ đó sẽ tăng cường công tác hậu kiểm bằng việc xây dựng dữ liệu quốc gia về quản lý mỹ phẩm, giải quyết các thủ tục hành chính mỹ phẩm trên hệ thống dịch vụ công; Tăng cường quản lý chất lượng mỹ phẩm, xác định nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm thông qua điều chỉnh hoạt động kinh doanh và thu hồi thuốc trực tuyến và xây dựng mã định danh mỹ phẩm…
Trong đó, tăng cường công tác hậu kiểm về quản lý mỹ phẩm và đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước về mỹ phẩm, nâng cao chất lượng mỹ phẩm sản xuất trong nước thông qua việc áp dụng CGMP-ASEAN.
Ông Thịnh cũng lưu ý, cùng với sự xuất hiện của các sản phẩm mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, đặc biệt các sản phẩm này được kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử, các nền tảng thương mại (Zalo, Facebook…), khách hàng ngày càng khó khăn hơn trong việc lựa chọn sản phẩm an toàn và chất lượng. Việc tăng cường kiểm soát các mỹ phẩm kinh doanh trên các nền tảng này sẽ được chú trọng.
Trong bối cảnh ngày càng tăng của nhu cầu sử dụng sản phẩm mỹ phẩm tự nhiên và hữu cơ, việc cải thiện chất lượng sản phẩm cũng như tăng cường quản lý thị trường mỹ phẩm là vô cùng quan trọng. Chỉ khi có sự đồng thuận và nỗ lực từ các bên liên quan, ngành công nghiệp mỹ phẩm Việt Nam mới có thể phát triển bền vững và đóng góp tích cực vào nền kinh tế đất nước.
Duy Trinh (t/h)