Nâng cao chất lượng quản trị môi trường để phát triển bền vững
Nâng cao chất lượng quản trị môi trường để phát triển bền vững
Theo các chuyên gia, các địa phương khu vực Duyên hải miền Trung cần xây dựng chính sách thu hút đầu tư gắn với bảo vệ môi trường, chuyển đổi xanh để hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, cải thiện PGI.
Thông tin tại Hội thảo khu vực duyên hải miền Trung: “Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hướng tới nền kinh tế xanh và phát triển bền vững”, ông Phạm Ngọc Thạch – Phó trưởng ban, Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay Bắc Trung Bộ và Duyên Hải miền Trung là địa bàn chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh. Khu vực này có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế biển, kết nối hành lang kinh tế Đông – Tây với đường hàng hải, hàng không quốc tế.
Theo mục tiêu cụ thể đến 2030, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đạt khoảng 7,5 – 8% giai đoạn 2021 – 2030. GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 165 triệu đồng, tương đương 6.485 USD.
Cùng với đó là phát triển hệ thống đô thị bền vững, tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 48%, phấn đấu phát triển được ít nhất 01 đô thị ngang tầm khu vực và quốc tế,… Ngoài ra, khu vực cũng xác định phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trên cơ sở tăng cường hạ tầng số, hạ tầng dữ liệu, chuyển đổi số.
Về môi trường, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 90%, tỷ lệ xử lý thông qua các mô hình kinh tế tuần hoàn đạt khoảng 40%. Khu vực đặt mục tiêu sẽ có 100% cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý triệt để, 100% khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Khu vực Duyên hải miền Trung cũng phấn đấu 100% khu kinh tế, khu công nghiệp và khu đô thị ven biển được quy hoạch, xây dựng theo hướng bền vững, sinh thái, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, kiểm soát, ngăn ngừa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường vùng biển, ven biển và trên các đảo,… Cùng với đó là giảm thiểu 75% rác thải nhựa trên biển, 100% các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa, 100% chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nhựa ở vùng bờ biển được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn môi trường.
Đối với Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), ông Thạch cho hay VCCI ghi nhận gần 190.000 doanh nghiệp phản hồi trong 19 năm qua. Theo các ghi nhận của PCI trong nhiều năm qua, chất lượng điều hành kinh tế của các địa phương đã có xu hướng cải thiện
“Duyên hải miền Trung là khu vực đứng đầu về chỉ số thành phần Gia nhập thị trường, thủ tục cấp phép kinh doanh có điều kiện được đánh giá cao và môi trường kinh doanh minh bạch là thế mạnh của khu vực. Ngoài ra, chất lượng thông tin trên cổng thông tin điện tử của các tỉnh trong khu vực được doanh nghiệp đánh giá tương đối tốt, các chương trình hỗ trợ liên quan đến FTAs cũng là điểm sáng của vùng”, ông Phạm Ngọc Thạch thông tin.
Tuy nhiên, ông Thạch cũng cho rằng chỉ số Tiếp cận đất đai vẫn còn nhiều khó khăn đối với các doanh nghiệp, các địa phương cần tháo gỡ các điểm nghẽn trong mở rộng mặt bằng. Cùng với đó, các tỉnh cũng cần nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính và giảm thiểu gánh nặng thanh, kiểm tra đối với doanh nghiệp, tiếp tục nỗ lực cắt giảm chi phí không chính thức cho doanh nghiệp, tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Một khuyến nghị khác, vị này cho rằng các địa phương cần duy trì, thúc đẩy sự năng động, tiên phong của bộ máy chính quyền và tập trung nâng cao hiệu quả thực thi ở cấp sở ngành, huyện thị. Tiếp tục nâng cao chất lượng quản trị môi trường hướng tới phát triển bền vững qua kết quả PGI.
Nói về câu chuyện bền vững, TS. Đặng Hồng Hạnh – Đồng sáng lập, Giám đốc Điều hành Công ty Cổ phần Tư vấn Năng lượng và Môi trường (VNEEC) cho rằng để đạt được mục tiêu net-zero, tăng trưởng xanh là một nhiệm vụ phức tạp và đòi hỏi sự hợp tác của nhiều bên liên quan và nhiều cấp, ngành, doanh nghiệp và cộng đồng, trong đó vai trò của địa phương là thiết yếu.
Trong đó, các địa phương cần xác định các giải pháp và tiêu chí đạt net-zero và tăng trưởng xanh phù hợp với điều kiện địa phương và ban hành các chính sách, kế hoạch hành động tương ứng, ban hành các chính sách và kế hoạch thu hút đầu tư và thúc đẩy sáng kiến/sáng tạo liên quan đến giảm phát thải khí nhà kính và công nghệ các-bon thấp.
“Cùng với đó là ban hành các chính sách và kế hoạch ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu phù hợp với các dự báo tác động tại địa phương, thúc đẩy các giải pháp thích ứng có chi phí hiệu quả, tăng cường liên kết vùng và quốc gia để thích ứng. Song song, lồng ghép các chính sách và kế hoạch để tăng hiệu quả và và giảm chi phí thực hiện. Ban hành các chính sách và tiêu chí để giám sát thực hiện và giảm các tác động tiêu cực lên các nhóm dân cư khác nhau, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương”, TS. Hạnh nói.
Về lý do nên thực hiện chuyển đổi xanh, TS. Đặng Hồng Hạnh khẳng định các địa phương, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm tài nguyên, tăng khả năng cạnh tranh, cải thiện phúc lợi và công bằng xã hội,… Đồng thời sẽ giảm thiểu rủi ro môi trường và huỷ hoại sinh thái, tạo động lực thúc đẩy sự đổi mới chính sách, cơ chế, phương thức quản trị xã hội.
“Chuyển đổi xanh sẽ thúc đẩy hiệu quả năng lượng và công nghệ sạch,… từ các mục tiêu bổ sung sang là một trong các mục tiêu phát triển chính, sẽ bảo vệ được vốn tự nhiên, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên. Với các địa phương, cần xây dựng bộ các chỉ số giám sát và thường xuyên đánh giá kết quả thực hiện để có thể cải tiến, bổ sung, sửa đổi kịp thời với các thay đổi thực tế, ngoài ra có thể phân bổ ngân sách cho chuyển đổi xanh”, TS. Hạnh đề xuất.
Cùng trao đổi, TS. Hoàng Hồng Hiệp – Q. Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ cho hay doanh nghiệp ở khu vực Duyên hải miền Trung chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa (97,8%). Trong đó phần lớn là doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ (chiếm 95%),quy mô vốn thấp, hiệu suất sinh lợi ROE và ROS còn thấp. Theo vị này, động lực tăng trưởng Duyên hải miền Trung đang có xu hướng dựa vào các ngành công nghiệp nặng phát thải cao, có nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường vùng (tự nhiên và xã hội).
“Hoạt động sản xuất tại các khu kinh tế, khu công nghiệp vùng Duyên hải miền Trung mang đậm tính chất ”tăng trưởng nâu”, chưa có nhiều địa phương chuyển đổi theo hướng xanh, sinh thái. Biến đổi khí hậu có ảnh hưởng to lớn đến tăng trưởng kinh tế của các địa phương của khu vực (biến số của tăng trưởng). Song biến số này chưa được các được các địa phương tích hợp vào chính sách phát triển kinh tế – xã hội địa phương”, TS. Hiệp nói.
Theo vị này, cần thiết kế chính sách phát triển đột phá (tầm cao) cho vùng động lực Trung Trung Bộ, cụ thể chính sách cần phải đảm bảo tính khoa học và thực tiễn, tính kịp thời và tính tuân thủ, thực thi cao. Trong đó, cần có cơ chế đặc biệt để thúc đẩy nhanh sự tích tụ và tập trung kinh tế tại vùng động lực (đường sắt cao tốc, cao tốc,…), tái thiết kế chính sách thu hút FDI, nâng cao hiệu quả sử dụng, hiệu ứng lan tỏa của nguồn vốn đầu tư nhà nước.
“Chính quyền địa phương cần chú trọng nâng cao năng lực cạnh cấp tỉnh, nhất là cải thiện môi trường kinh doanh: cải thiện mạnh mẽ về chi phí thời gian dành cho thủ tục hành chính, các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, các hỗ trợ đào tạo lao động cho doanh nghiệp. Chính quyền địa phương tập trung nguồn lực nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề, nhất là chú trọng xây dựng một hệ thống đào tạo đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề với nội dung học tập và phương tiện thực hành hiện đại, với các ngành nghề đào tạo phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế ngành của tỉnh, và lợi thế so sánh của cả vùng, tiểu vùng”, TS. Hiệp khuyến nghị.
Đặc biệt, cần loại bỏ tư duy “tăng trưởng bằng mọi giá”, thu hút đầu tư “bằng mọi giá”; đưa tư duy phát triển bền vững, tăng trưởng xanh vào mọi hoạt động kinh tế, nhất là trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế cảng, du lịch. Đồng thời, cần xây dựng bộ tiêu chí đo lường phát triển xanh cho một số ngành, lĩnh vực trọng điểm của địa phương, xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích chuyển đổi các khu kinh tế, khu công nghiệp theo hướng xanh, sinh thái.
TS. Hiệp cũng đề xuất các địa phương cần kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm các vi phạm môi trường nhằm nâng cao tính nghiêm minh của pháp luật môi trường tại địa phương. Song song là tích hợp nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu vào chính sách phát triển kinh tế – xã hội, chú trọng phát triển các chính sách xã hội song hành với các chính sách phát triển kinh tế.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị