Nâng cao chất lượng hoạt động mô hình Tổ tư vấn bảo vệ phụ nữ, trẻ em
Hiệu quả mô hình Tổ tư vấn
Tổ tư vấn tham gia giải quyết vụ việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trẻ em phường Phú Thượng (quận Tây Hồ) được thành lập vào tháng 3/2019 với 9 thành viên, trong đó Chủ tịch Hội LHPN phường là Tổ trưởng tổ tư vấn.
Từ năm 2019 đến nay, Hội đã chủ trì phối hợp giải quyết, tuyên truyền 4 vụ việc liên quan đến hành vi bạo lực gia đình, vi phạm Luật Hôn nhân, chia tài sản sau ly hôn và quyền nuôi con, hòa giải tại cơ sở; phối hợp xác minh 2 vụ việc theo phản ánh về hành vi bạo hành trẻ em.
Chia sẻ tại Hội thảo “Nâng cao chất lượng hoạt động mô hình Tổ tư vấn tham gia giải quyết các vụ việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho phụ nữ và trẻ em” ngày 8/8, bà Công Thị Tuyết Lan – Hội LHPN phường Phú Thượng cho hay: Từ thực tế vận hành mô hình, trong quá trình tuyên truyền, phòng, chống về bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, đối tượng mà Hội muốn tác động nhiều là nam giới nhưng chủ yếu vẫn là phụ nữ tiếp nhận. Bên cạnh đó, bà Lan cũng băn khoăn về hình thức xử phạt hành vi bạo lực gia đình bằng tiền.
Theo bà, với những người có điều kiện kinh tế thì phạt tiền cũng không có ý nghĩa giáo dục cao. Còn với trường hợp người nộp phạt không có thu nhập nên đôi khi nạn nhân phải đi nộp thay cho người có hành vi vi phạm. Như vậy cũng không thể giáo dục người vi phạm mà chỉ làm nạn nhân không còn muốn tố cáo hành vi bạo lực.
Bà Lê Kim Anh – Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội cho biết, cần nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Hội, thành viên các mô hình… để qua đó thực hiện tốt hơn nữa công tác nắm bắt và phối hợp giải quyết vụ việc liên quan đến phụ nữ, trẻ em. |
Còn theo bà Nguyễn Thúy An – Nhân viên xã hội Trung tâm trợ giúp xã hội thuộc Ngôi nhà bình yên, từ năm 2007 đến tháng 6/2024, Ngôi nhà bình yên tiếp nhận và hỗ trợ cho hơn 1.700 phụ nữ và trẻ em là nạn nhân hoặc nghi ngờ là nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới (bạo lực gia đình, xâm hại tình dục và mua bán người); tham vấn hơn 17.500 ca, hơn 21.000 người và hơn 27.600 lượt.
Ngôi nhà bình yên đã thiết lập mạng lưới đối tác rộng khắp, đặc biệt là vận dụng hệ thống Hội LHPN các cấp từ địa phương tới Trung ương nhằm tối ưu hóa hiệu quả trong việc hỗ trợ nạn nhân. 100% các trường hợp xảy ra trên địa bàn Hà Nội đều được Ngôi nhà bình yên phối hợp với Hội LHPN Hà Nội và thống nhất phương án hỗ trợ mang tính bền vững.
Đánh giá cao sự phối hợp của Hội LHPN Hà Nội trong bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em là nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới, bà Nguyễn Thúy An mong muốn trong thời gian tới sẽ có thêm các diễn đàn, hội thảo, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và xây dựng mạng lưới hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới.
Ở Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2024, phát hiện 50 vụ mua bán người với 126 nạn nhân; mua bán trẻ em 48 vụ, với 121 nạn nhân. Tại Hà Nội, theo báo cáo của Tòa án nhân dân Thành phố, năm 2023, tòa án 2 cấp đã thụ lý 17.503 vụ việc về hôn nhân gia đình; xét xử 11 vụ, với 47 bị báo về tội phạm mua bán người; 77 vụ với 78 bị cáo xâm hại tình dục trẻ em…
Với vai trò là chủ trì triển khai Đề án 938 của Chính phủ về “Tuyên truyền, giáo dục, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ”, Đề án của Ủy ban nhân dân Thành phố về “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho phụ nữ” và đề án “Phòng ngừa, ứng phó bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em”… thời gian qua, Hội LHPN Hà Nội đã tích cực, chủ động chỉ đạo, triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật, bình đẳng giới, kỹ năng cho phụ nữ trong tổ chức cuộc sống gia đình. Hỗ trợ phụ nữ dạy nghề, giới thiệu việc làm, vay vốn phát triển kinh tế.
Nâng cao hơn nữa vai trò của Tổ tư vấn
Bà Lê Kim Anh – Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội cho biết, Hội LHPN Thành phố đã ký kết các chương trình phối hợp với các sở, ban, ngành về tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, phụ nữ và nhân dân, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, xây dựng “gia đình 5 không, 3 sạch”, gia đình văn minh, hạnh phúc, lên tiếng bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho phụ nữ trẻ em; xây dựng các mô hình “Thành phố an toàn, thân thiện đối với phụ nữ và trẻ em gái”, “Làng quê an toàn”, “Tổ dân phố an toàn”; “Chung cư an toàn, thân thiện”; “Chủ nhà trọ an toàn, thân thiện”.
Hội đồng Tư vấn tham gia giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ, trẻ em được thành lập năm 2018 ở Thành phố. Tổ Tư vấn tham gia giải quyết các vụ việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em ở cấp huyện và cơ sở được thành lập từ năm 2018.
Bà Công Thị Tuyết Lan chia sẻ về mô hình Tổ tư vấn tham gia giải quyết vụ việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trẻ em phường Phú Thượng. |
Đến nay đã có 98 Tổ ở 18 quận huyện, 80 xã, phường, thị trấn. Một số Tổ tham gia phối hợp tổ chức rất tốt các hoạt động tuyên truyền pháp luật; phát huy được vai trò của các thành viên tham gia giải quyết các vụ việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng của phụ nữ, trẻ em.
Báo cáo kết quả hoạt động mô hình Tư vấn tham gia giải quyết các vụ việc, các vấn đề xã hội liên quan nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em bà Dương Thị Lý Anh – Trưởng ban Chính sách – Luật pháp Hội LHPN Hà Nội cho biết, từ năm 2018 đến nay đã tiếp nhận 504 đơn, trong đó, tư vấn trực tiếp 73 đơn thư, vụ việc, hướng dẫn Hội phụ nữ quận, huyện, cơ sở xác minh, phối hợp với chính quyền địa phương giải quyết hơn 400 đơn thư, vụ việc; trực tiếp hoặc hướng dẫn Hội LHPN các cấp lên tiếng 21 vụ việc hỗ trợ phụ nữ, trẻ em bị xâm hại.
Tính đến tháng 7/2024, đã thành lập được 98 Tổ tư vấn tham gia giải quyết vụ việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trẻ em với 885 thành viên tại 18 quận, huyện và 80 xã, phường, thị trấn. Hội LHPN các cấp hằng năm chủ động nắm bắt thông tin phản ánh các vụ việc tại cơ sở, tiếp nhận đơn thư gửi đến Hội trung bình 65 vụ việc/năm; cán bộ Hội và thành viên tổ Tư vấn tham gia hòa giải các vụ việc tại cơ sở 1912/1989 vụ việc.
Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội Lê Kim Anh thẳng thắn nhận định, bên cạnh kết quả đạt được, công tác nắm bắt, phát hiện các vụ việc xâm hại, bạo hành phụ nữ, trẻ em của tổ chức Hội có lúc vẫn chưa kịp thời. Có vụ việc, cơ sở chỉ biết sau khi cơ quan báo chí đã lên tiếng. Bên cạnh đó, việc theo dõi kết quả giải quyết các vụ việc đôi lúc chưa thực sự sát sao. Công tác phối hợp liên ngành trong giải quyết các vấn đề, các vụ việc liên quan đến phụ nữ, trẻ em đôi khi chưa chặt chẽ.
Đánh giá nhiều vụ việc xâm phạm quyền, lợi ích của phụ nữ trẻ em xuất phát từ nguyên nhân thiếu hiểu biết hoặc coi thường pháp luật, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội đề nghị trong thời gian tới, sẽ yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức hơn nữa tới cán bộ, hội viên, người dân về pháp luật và các vấn đề liên quan đến bình đẳng giới, phòng ngừa ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; đồng thời cũng cần nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Hội, thành viên các mô hình… để qua đó thực hiện tốt hơn nữa công tác nắm bắt và phối hợp giải quyết vụ việc liên quan đến phụ nữ, trẻ em.
Bảo Thoa
Nguồn: Báo lao động thủ đô