Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kế hoạch, quản lý tài sản công
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Trần Đức Thắng – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Tổng cục TCĐLCL cho biết, công tác kế hoạch tài chính là khâu rất quan trọng đối với các đơn vị trực thuộc Tổng cục. Chúng ta có hoàn thành nhiệm vụ hay không xuất phát điểm từ khâu kế hoạch, nó bao trùm tất cả hoạt động của đơn vị từ khi đưa ra định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ để thực hiện đến đề xuất các nhiệm vụ, đưa vào kế hoạch; xây dựng, phê duyệt và giao kế hoạch, triển khai và đánh giá kết quả của kế hoạch. Đây là khâu rất quan trọng và then chốt.
Cũng theo ông Thắng, liên quan đến quản lý tài sản công, thời gian gần đây, Chính phủ, Bộ Tài chính đã ban hành những văn bản rất mới liên quan đến định mức, tiêu chuẩn sử dụng xe ô tô cũng như việc quản lý sử dụng tài sản cho việc tính hao mòn khấu hao tài sản cố định.
“Hội thảo được tổ chức với mong muốn tìm ra phương án tối ưu nhất thực hiện công tác kế hoạch tài chính, kế toán, quản lý tài sản của các đơn vị trực thuộc Tổng cục”, ông Thắng nhấn mạnh.
Ông Trần Đức Thắng – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Tổng cục TCĐLCL phát biểu tại hội thảo.
Tham luận chuyên đề nâng cao chất lượng công tác lập kế hoạch tại các đơn vị trực thuộc Tổng cục, bà Nguyễn Thị Mỹ Linh – chuyên viên chính Vụ Kế hoạch tài chính cho biết, thực trạng hiện nay đã thực hiện, hoàn thành việc đề xuất nhiệm vụ, xây dựng kế hoạch và dự toán của đơn vị, cũng như việc thực hiện kế hoạch.
Tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như đề xuất còn dàn trải; Đơn vị đầu mối triển khai các Chương trình/Đề án/Kế hoạch chưa đề xuất đúng yêu cầu; Đề xuất không đúng loại hình (đề tài, đề án); Thiếu căn cứ (giao việc, chương trình phối hợp); Thực hiện không đúng biểu mẫu (cập nhật trên nền file cũ…); Bên cạnh đó, không thực hiện đầy đủ nội dung yêu cầu: Không có phần lời, chỉ có biểu mẫu, không có đánh giá nhiệm vụ chuyển tiếp, điền nhầm biểu mẫu, số liệu kê khai không đúng dự toán được giao; Thiếu tài liệu (báo giá, biên bản họp liên tịch…); Đề xuất nhiệm vụ; gửi bản kế hoạch và dự toán… còn chậm; Đề xuất điều chỉnh chỉ tiêu doanh thu quá sớm.
Trong khuôn khổ hội thảo, bà Linh cũng đưa ra một số đề xuất, kiến nghị như đọc kỹ hướng dẫn, yêu cầu trong văn bản hướng dẫn trước khi triển khai, rà soát lại yêu cầu trước khi gửi Tổng cục (phương hướng, mục tiêu các Chương trình/kế hoạch…; loại hình nhiệm vụ, căn cứ đề xuất; rà soát biểu mẫu năm trước; thành phần hồ sơ…);
Tăng cường sự phối hợp trong nội bộ của đơn vị trong công tác xây dựng kế hoạch: Giữa bộ phận kế hoạch và bộ phận kế toán (số liệu); Giữa bộ phận kế hoạch và chủ nhiệm các nhiệm vụ (xác định đúng biểu mẫu cần làm, điền thông tin chính xác…); Có sự đôn đốc thực hiện (đề xuất nhiệm vụ, kế hoạch) đảm bảo tiến độ; Các văn bản liên quan công tác kế hoạch/nhiệm vụ cần được triển khai đến các đầu mối liên quan (chủ nhiệm vụ nhiệm vụ…).
“Lập và thực hiện kế hoạch là một trong những công tác quan trọng của Tổng cục, ngày càng được cơ quan quản lý các cấp quan tâm, đồng thời là chỉ tiêu đánh giá đơn vị của Tổng cục. Chính vì vậy, đề nghị các đơn vị quan tâm, sát sao thực hiện để nâng cao chất lượng công tác này tại Tổng cục”, bà Linh nhấn mạnh.
TS. Đào Thị Bích Hạnh – Giảng viên Khoa Tài chính – Ngân hàng, Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Tham luận tại hội thảo, TS. Đào Thị Bích Hạnh – Giảng viên Khoa Tài chính – Ngân hàng, Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng có những chia sẻ về nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản công tại các đơn vị trực thuộc Tổng cục.
Theo đó, về cơ sở pháp lý, quản lý sử dụng tài sản công được quy định theo Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 ngày 26/11/2013; Nghị định 63/2014/NĐ-CP, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đấu thầu về lựa chọn nhà thầu; Luật đấu thầu 22/2023/QH15, ngày 23/6/23 (hiệu lực 1/1/24); Thông tư 58/2016/TT-BTC, hướng dẫn mua sắm thường xuyên (sửa đổi TT 68/2022/TT-BTC); Thông tư 23/2023/TT-BTC, hướng dẫn chế độ quản lý, tính hao mòn, khấu hao tài sản cố định (thay thế TT45/2018/TT-BTC);
Về văn bản triển khai, tại Công văn số 2030/BTC-QLCS ngày 13/2/2018 về triển khai thi hành Luật Quản lý sử dụng tài sản công; Công văn số 2805/BTC-QLCS ngày 14/3/2018 hướng dẫn mua sắm tài sản công từ nguồn NSNN năm 2018; Công văn số 10534/BTC-QLCS V/v triển khai thực hiện Nghị định số 72/2023/NĐ-CP ngày 26/9/2023 của Chính phủ quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô.
Về quản lý quá trình sử dụng tài sản công: Thứ nhất, xây dựng quy chế quản lý sử dụng tài sản công; thứ hai, lập và quản lý hồ sơ tài sản công; Thứ ba, kế toán tài sản công, trích khấu hao, tính hao mòn; Thứ tư, sữa chữa, cải tạo, nâng cấp; Thứ năm, bảo trì, bảo dưỡng tài sản; Thứ sáu, kiểm kê tài sản. Về quản lý quá trình kết thúc bao gồm: điều chuyển, bán, thanh lý, thu hồi, tiêu huỷ.
Phần trao đổi, thảo luận tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giữa các đơn vị trong công tác kế hoạch, quản lý tài sản công.
Hà My