Nâng cao chất lượng cán bộ

Nâng cao chất lượng cán bộ
Ảnh minh họa.

Bất kỳ quốc gia nào, từ cổ đến kim, từ quá khứ đến hiện tại đều đặc biệt chú trọng đến công tác kén chọn, tuyển chọn hiền tài để giúp dân, giúp nước. Trong “Chiếu Cầu hiền”, Vua Lê Thái Tổ đã viết: “Người tài ở đời cố nhiên là không ít, nên đường lối tìm người cũng không phải có một phương”.

Tiếp nối truyền thống của tiên tổ, của các bậc tiền nhân, Bác Hồ kính yêu cũng đặc biệt quan tâm đến công tác cán bộ, tuyển chọn người hiền tài. Chính vì thế, sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, ngày 20/11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra văn bản Tìm người tài đức đăng trên báo Cứu quốc số 411. Văn bản nêu rõ “Nhà nước cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài, có đức.

E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó, tôi xin thừa nhận”. Hồ Chủ tịch cũng đề xuất sửa đổi khuyết điểm bằng cách chiêu mộ người tài: “Nay muốn sửa đổi điều đó và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết. Báo cáo phải nói rõ tên tuổi, nghề nghiệp, tài năng, nguyện vọng và chỗ ở của người đó”.

Từ lời kêu gọi của Người, nhiều người tài đức, các nhân sĩ, trí thức ở trong nước và ngoài nước, chúng ta thường gọi là “giới tinh hoa” đã theo Đảng, theo Bác Hồ, đóng góp trí tuệ và tài sản cá nhân cho hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống sự can thiệp của đế quốc Mỹ, cũng như cho công cuộc xây dựng hòa bình và phát triển đất nước.

Là Thủ đô, không chỉ là trung tâm chính trị, hành chính, văn hóa, giáo dục mà còn là trung tâm kinh tế lớn của đất nước, Đảng bộ, chính quyền thành phố Hà Nội càng đặc biệt chú trọng đến công tác cán bộ để làm động lực đưa Thành phố phát triển xứng đáng với vị thế Thủ đô của đất nước, góp phần vào mục tiêu đưa đất nước phát triển thịnh cường như Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra.

Tại Hội thảo khoa học cấp thành phố về công tác đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ sau đào tạo, bồi dưỡng ở thành phố Hà Nội giai đoạn hiện nay được tổ chức mới đây, TS Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, cho biết: “Tính đến tháng 10/2021, Đảng bộ thành phố Hà Nội có 50 Đảng bộ cấp trên cơ sở, hơn 2.300 tổ chức cơ sở Đảng, hơn 46 vạn đảng viên, chiếm gần 10% đảng viên cả nước; 131.565 cán bộ, công chức, viên chức toàn thành phố.

Những năm qua, Thành ủy Hà Nội đã gương mẫu, tiên phong thực hiện nghiêm túc, sáng tạo các chỉ thị, nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; đặc biệt quan tâm công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và xác định đó là khâu quan trọng, mang tính quyết định đến việc nâng cao chất lượng công tác cán bộ của Thành phố”.

Để làm tốt công tác cán bộ, Thành ủy đã ban hành Đề án số 04-ĐA/TU ngày 20/9/2017 về “Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý”, đặc biệt, vừa qua đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và các năm tiếp theo và Quy định về trách nhiệm và mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và đối tượng khác của Thành phố…

Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là nhiệm vụ quan trọng, sử dụng cán bộ là cả một “nghệ thuật” quản lý. Tin tưởng rằng, với vị thế Thủ đô đất nước, để cụ thể hóa nội hàm “Hà Nội là Thủ đô nên phải đi trước, về trước trong các phong trào”, đặc biệt tới đây sẽ tiến hành sửa đổi Luật Thủ đô, Đảng bộ, chính quyền Thành phố sẽ tiếp tục có những bước đột phá trong công tác cán bộ để tạo động lực xây dựng Thủ đô phát triển.

L.Hà

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích