Nan giải tình trạng quảng cáo, vẽ bậy ở các đô thị

Nan giải tình trạng quảng cáo, vẽ bậy ở các đô thị

Từ lâu, các loại quảng cáo, viết, vẽ bậy… được nhiều người vô tình hay cố ý để lại trên các cột, tủ điện, hàng cây… khá phổ biến ở đô thị.

Nhìn rộng ra, việc vẽ, viết bậy lên các nơi công cộng, điểm đến hoặc các di tích, danh thắng cần được xử lý nghiêm, lên án mạnh mẽ… để từng bước thay đổi ý thức của người dân, du khách.

Quảng cáo “bao vây” nhà dân, làm xấu diện mạo đô thị

Thời gian qua, các loại tờ quảng cáo dán, viết, vẽ diễn ra khắp nơi trên các bờ tường, cửa nhà, cột điện, đèn đường, bốt điện… Có thể thấy, nội dung quảng cáo “thượng vàng hạ cám” từ chăm sóc thẩm mỹ, khoan cắt bê tông, bán nhà, diệt mối, thông tắc bể phốt…

Ở các đô thị lớn như TP Hạ Long, việc bắt gặp những quảng cáo như: Cho thuê nhà, vay vốn, thông hút bể phốt, khoan cắt bê tông… với các hình thức, phun sơn đủ màu, kích cỡ đã trở thành chuyện thường ngày. Có thể thấy những lời rao không phát ra tiếng này đã ăn sâu vào tiềm thức, tra tấn mắt của người dân ở đô thị.

faf
Quảng cáo đủ loại bao vây cửa sau Bảo hiểm Bảo Minh (đường Trần Hưng Đạo, TP Hạ Long).

Chị Nguyễn Thanh Hoa, chủ cửa hàng Cherry, trên đường 25/4, phường Hòn Gai chia sẻ: Trước cửa nhà tôi, mới đây, hàng loạt các loại quảng cáo dán, viết, vẽ bậy khắp nơi vừa được bóc, tẩy sạch…Thế nhưng, khi không để ý thì một thời gian sau hoặc chỉ sau 1 đêm, đã bị che kín bởi những tờ quảng cáo dán nham nhở, vết vẽ viết mới tinh.

Chị Nguyễn Thu Thảo, Phó Bí thư Thành Đoàn Hạ Long, cho biết: Các loại rác tường, quảng cáo, viết, vẽ bậy thường xử lý rất mất thời gian. Bóc ra, quét vôi ve hoặc sơn thì một thời gian sau đã thấy có giấy quảng cáo dán đè vào, vẽ bậy vào. Đa phần các quảng cáo, vẽ bậy sau thường chắc, dán bằng nhiều keo, sơn dày hơn…nên khó bóc, phải dùng dụng cụ cạo. Nhiều chỗ bóc không hết, thậm chí lưu vết trên tường theo thời gian sẽ đen đi, gây mất mỹ quan đô thị…Các bạn Đoàn viên cũng phải tốn công vẽ, sơn phủ màu đậm, dày hơn.

faf
Các bờ tường che tạm cũng dày đặc quảng cáo vẽ bậy. Ảnh chụp trên đường 25/4, phường Hòn Gai, TP Hạ Long.

Không chỉ vây nhà dân, làm xấu diện mạo đô thị, nhiều khi các khu vực cơ quan, đơn vị, hay các điểm di tích cũng không tránh khỏi bị vẽ bậy, quảng cáo xâm lấn. Dạo qua các tuyến phố chính ở TP Hạ Long như: Trần Quốc Nghiễn, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Văn Cừ… thấy nhan nhản các loại quảng cáo, viết vẽ bậy. Nhiều trạm xe bus, cơ quan công sở cứ có không gian bờ tường sát đường trống, sạch đẹp ngay lập tức cũng sẽ trở thành nạn nhân của rác tường, quảng cáo.

Làm sao hạn chế rác quảng cáo, viết vẽ bậy?

Theo thống kê sơ bộ, trên địa bàn TP Hạ Long có khoảng 2.301 bốt điện bị dán quảng cáo, tờ rơi. Đó là chưa kể, hàng loạt quảng cáo, rao vặt trên các bờ tường, cột điện, gốc cây, tủ điện gây mất mỹ quan, trật tự an toàn giao thông. Đặc biệt tại khu vực các tuyến đường trung tâm, nhiều nơi dày đặc các sản phẩm quảng cáo không đúng quy định.

Trước thực trạng này, thời gian qua, lực lượng thanh niên và các đơn vị phối hợp ra quân dọn “rác tường”, bóc gỡ, xóa những quảng cáo xấu, bẩn, gây mất mỹ quan đô thị. Đặc biệt gần đây, lực lượng thanh niên TP Hạ Long đã ra quân thực hiện việc bóc dỡ 100% quảng cáo, rao vặt, sơn sửa tại các bờ tường, cột điện, gốc cây, tủ điện sai quy định gây mất mỹ quan, trật tự an toàn giao thông…

f
Đoàn viên thanh niên TP Hạ Long “thay áo mới” cho các tủ điện vốn bị phủ đầy quảng cáo.

Trả lại diện mạo các điểm bị quảng cáo, viết, vẽ bậy xâm lấn, lực lượng thanh niên đã triển khai vẽ tranh trên tổng 1.350 bốt điện. Đồng thời, thiết lập các tổ tự quản, giám sát tại chỗ về vệ sinh môi trường, tuyên truyền cho các tầng lớp nhân dân quy định về trật tự, vệ sinh môi trường đô thị… Có thể nói, đây là những nỗ lực đáng khen của lực lượng thanh niên.

Tuy nhiên, đáng tiếc là sau những chiến dịch rầm rộ thì tình trạng viết vẽ, dán quảng cáo sau một thời gian lại tái diễn, cần những cách quản lý, xử lý mạnh tay, triệt để hơn. Được biết, Nghị định 38/2021/NĐ-CP đã quy định xử phạt đối với các hành vi treo, đặt, dán các loại quảng cáo trên cây xanh, bờ tường, cột đèn đô thị. Mức phạt từ 1-2 triệu đồng, thế nhưng tình trạng vi phạm vẫn tái diễn, có thể do chế tài chưa mạnh, số tiền xử lý chưa lớn nên nạn quảng cáo vẫn bủa vây.

Một khó khăn khác là quy trình, cách thức xử lý áp dụng theo Nghị định này chưa thực sự rõ ràng, khiến lực lượng chức năng, chính quyền địa phương gặp nhiều khó khăn trong xử lý. Ông Phạm Văn Thứ, Phó Chủ tịch UBND phường Cao Xanh, chia sẻ: “Nghị định đã có, tuy nhiên lý do khiến tình trạng này chưa triệt để là do những người vi phạm làm chớp nhoáng, hoặc tranh thủ đêm tối, thời gian vắng người để thực hiện hành vi vi phạm nên rất khó bắt giữ, xử lý”.

faf
Hầu hết các quảng cáo đều được dán trộm vào thời điểm vắng người khiến việc xử lý khó khăn.

Có thể nói, đây là khó khăn chung của nhiều nơi trong xử lý vi phạm này. Trong khi đó, việc trang bị camera, hay bố trí lực lượng túc trực, xử lý lại thiếu và chưa khả thi.

Câu chuyện ý thức người dân, du khách

“Rác” quảng cáo, nói rộng hơn là việc viết vẽ bậy ở không gian đô thị, các điểm công cộng, các điểm tham quan, danh thắng từ lâu đã trở thành một vấn nạn, bị cộng đồng lên tiếng chỉ trích.

Chắc hẳn nhiều người còn nhớ câu chuyện vẽ bậy của một đoàn khách khi ghé thăm núi đá Chồng (xã Bằng Cả, TP Hạ Long) vào cuối tháng 7/2022. Theo đó, đoàn khách đã trèo lên “mỏm đá sống ảo” này để chụp ảnh, hơn thế còn vẽ bậy lên tảng đá, khiến dư luận phẫn nộ.

Đây là khu vực cách xa UBND xã, mất khoảng 10km đường rừng để tới đây, thế nên nhiều người cho rằng cũng dễ hiểu với chính quyền xã không thể tuyên truyền, ngăn chặn hay xử lý kịp thời. Tuy nhiên cũng có những ý kiến cho rằng, dù danh thắng này có gần hơn nữa so với trụ sở UBND xã thì việc giữ gìn, tránh những “tác động vật lý” như trên cũng không hề đơn giản. Việc giữ gìn danh thắng, cảnh đẹp hay di tích này phụ thuộc rất lớn vào ý thức giữ gìn cảnh quan, di tích nơi công cộng của du khách. Đây cũng là thực trạng nan giải đã từng diễn ra ở nhiều điểm công cộng, di tích, danh thắng khác. Ở TP Hạ Long đã xảy ra câu chuyện tương tự khi bia trên đỉnh núi Bài Thơ bị vẽ, viết bậy bằng nhiều loại bút.

Nhìn rộng ra, trước đó, tháng 3/2019, cộng đồng mạng từng dậy sóng về câu chuyện cột cờ đỉnh núi Fanxiphang bất ngờ bị phá hoại bằng một dòng chữ: T yêu N… Nhiều facebooker đã để lại bình luận bức xúc: Chẳng biết về sau còn yêu nhau nữa không nhưng di tích thì mãi vẫn còn mang vết thương, vết khắc khó mà xóa hết. Đây là sự phá hoại. Hoặc câu chuyện cùng thời điểm này từng khiến nhiều người xem ngán ngẩm khi cộng đồng mạng xem một clip thanh niên tự mình viết một dòng chữ lên cầu vàng ở Đà Nẵng.

Sau khi có ý kiến của cộng đồng mạng, những người vi phạm này đã có biện pháp khắc phục, xóa những dòng chữ đã vẽ. Dù vậy có thể thấy, thực tế vẫn còn không ít những hành động bột phát gây hậu quả xấu với di tích, danh thắng hoặc các địa điểm nơi công cộng, cần thẳng thắn phê phán và có giải pháp xử lý mạnh tay hơn.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích