Năm học mới tạm dừng đến trường, không dừng việc học
Chủ động xây dựng kịch bản ngày khai giảng
Theo khung kế hoạch thời gian năm học 2021-2022 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn thành phố Hà Nội đã được Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố ban hành, ngày tựu trường sớm nhất đối với tất cả các cấp học, ngành học từ ngày 1/9. Ngày khai giảng được tổ chức thống nhất trên toàn Thành phố vào ngày 5/9.
Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Thành phố vẫn đang trong thời gian giãn cách xã hội theo nguyên tắc của Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày khai giảng sẽ được tổ chức theo hình thức trực tuyến và truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên, song vẫn tạo không khí vui tươi, phấn khởi.
Trường Tiểu học Phan Chu Trinh (quận Ba Đình) tổ chức họp phụ huynh và tổng kết năm học 2020-2021 trực tuyến. |
Trong Thông tư số 09/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên có quy định rõ, người đứng đầu cơ sở giáo dục được quyền quyết định hình thức tổ chức dạy học trực tuyến hỗ trợ dạy học trực tiếp; tổ chức dạy học trực tuyến thay thế dạy học trực tiếp tại cơ sở giáo dục trong thời gian học sinh không đến trường để học tập vì lý do bất khả kháng. Do đó, để chủ động trong tình hình mới, nhiều trường học trên địa bàn Thành phố đã xây dựng kịch bản, phương án triển khai dạy và học. Trong đó, sẵn sàng cho cả phương án khai giảng trực tuyến cũng như dạy và học trực tuyến.
Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nguyễn Công Trứ (quận Ba Đình) Nguyễn Quốc Dương cho biết, công tác chuẩn bị cho năm học mới đang được nhà trường triển khai đến toàn bộ cán bộ, giáo viên, nhân viên. Cùng đó, nhà trường đã có kế hoạch để chủ động tổ chức khai giảng trực tuyến với phương án kịch bản phần lễ ngắn gọn nhưng bảo đảm trang trọng, nhất là nghi lễ chào cờ.
Tại Trường Trung học cơ sở Nam Từ Liêm (quận Nam Từ Liêm), theo Hiệu trưởng Hoàng Thị Yến, khai giảng trực tiếp tiến hành như thế nào thì khai giảng trực tuyến cũng thực hiện tương tự như vậy với đầy đủ nghi thức. Học sinh sẽ mặc đồng phục, giữ đúng tác phong, trật tự ngồi trước màn hình; nghiêm trang chào cờ theo nghi thức Đội. Để buổi khai giảng sinh động và nhiều màu sắc, qua các ứng dụng công nghệ thông tin, nhà trường sẽ lồng ghép nhạc hiệu cùng những tiết mục văn nghệ đã được thầy cô và học sinh thực hiện trước đó.
Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Dương Xá (huyện Gia Lâm) Lê Thị Hồng Thu chia sẻ, nhà trường đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện dạy học trực tuyến như bồi dưỡng giáo viên, nâng cao năng lực xây dựng bài giảng trực tuyến; đồng thời hỗ trợ học sinh về thiết bị, phương pháp học trực tuyến; xây dựng nội quy lớp học trực tuyến, đảm bảo kỷ cương nề nếp giờ học, quản lý sĩ số học sinh…
Là huyện xa trung tâm và còn nhiều khó khăn nhưng ngành GD&ĐT huyện Ba Vì đã chủ động tổ chức nhiều lớp tập huấn về nâng cao công nghệ thông tin trong dạy và học, kiểm tra trực tuyến cho tất cả các cán bộ quản lý, giáo viên các cấp như: Tập huấn về phần mềm ứng dụng Zoom Meeting cơ bản và nâng cao, ứng dụng Google Meet, Office 365; đào tạo trực tuyến về kỹ thuật thiết kế bài giảng, định dạng video, chèn, ghi âm, ghi hình; thiết lập Fanpage học từ xa; nghiên cứu giải quyết vấn đề về tổ chức kiểm tra trên môi trường trực tuyến…
Theo Trưởng phòng Phòng GD&ĐT huyện Ba Vì Phùng Ngọc Oanh, trước thực trạng vẫn còn nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn do thiếu trang thiết bị phục vụ học trực tuyến, ngay từ đầu năm học vừa qua, Phòng GD&ĐT huyện đã chỉ đạo các trường tổ chức phát động phong trào ủng hộ trong phụ huynh học sinh, nhân dân. Kết quả đã quyên góp được 168 điện thoại thông minh, 47 máy tính, 3 Ipad, 15 ti vi; phối hợp với Phòng GD&ĐT quận Ba Đình phát động quyên góp được 10 bộ máy tính, 15 máy chiếu để giúp các thầy, cô cùng các em học sinh dạy và học trực tuyến.
Tại quận Ba Đình, dù đã có kinh nghiệm từ những năm học trước nhưng Phòng GD&ĐT quận vẫn tổ chức các buổi tập huấn tăng cường kỹ năng quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến năm học 2021-2022 cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên hỗ trợ trực tiếp công tác chuyên môn các trường Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở trên địa bàn.
Giải pháp bền vững, lâu dài
Từ khi dịch Covid-19 xuất hiện vào đầu năm 2020, đến nay, ngành GD&ĐT Thủ đô đã chủ động với nhiều giải pháp linh hoạt, chuyển trạng thái dạy học kịp thời từ trực tiếp sang trực tuyến; qua đó vừa bảo đảm an toàn cho học sinh, vừa đảm bảo chất lượng và hoàn thành chương trình học theo đúng tiến độ. Điển hình như cuối năm học 2020-2021 vừa qua, do dịch Covid-19 bùng phát trở lại, học sinh các cấp học Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông và Giáo dục thường xuyên trên địa bàn Thành phố đã tạm dừng đến trường từ ngày 4/5 để chuyển sang hình thức học trực tuyến.
Ảnh minh họa |
Do tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, UBND Thành phố đã đồng ý với đề xuất của Sở GD&ĐT Hà Nội điều chỉnh khung thời gian năm học 2020-2021. Học sinh được nghỉ hè sớm, bắt đầu từ ngày 15/5. Tại thời điểm đó, phần lớn các trường chưa hoàn thành việc kiểm tra đánh giá định kỳ các môn học cuối học kỳ 2. Để hoàn thành nhiệm vụ năm học, ngành GD&ĐT Hà Nội đưa ra phương án tổ chức cho học sinh của Thành phố kiểm tra học kỳ II và tổng kết năm học 2020-2021 theo hình thức trực tuyến. Mặc dù là năm đầu tiên thực hiện thi và tổng kết trực tuyến, song các trường trên địa bàn đều xây dựng kế hoạch một cách nghiêm túc và không để xảy ra sai sót nào.
Theo Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quang Lãng (huyện Phú Xuyên) Trần Thị Thu Thủy, để đảm bảo việc kiểm tra cuối năm học diễn ra nghiêm túc, minh bạch và tránh gian lận, nhà trường đã tổ chức tập huấn kỹ càng đến từng giáo viên. Theo đó, học sinh buộc phải bật webcam (hình ảnh), micro (âm thanh) trong suốt quá trình làm bài. Ngoài một giáo viên coi thi/lớp, Ban Giám hiệu làm nhiệm vụ giám sát và tiến hành ghi âm tại từng phòng cho đến khi học sinh kết thúc môn kiểm tra.
Trải qua kỳ kiểm tra chưa từng có tiền lệ, cô giáo Trần Thị Thanh Hương (Trường Tiểu học Bà Triệu, quận Hai Bà Trưng) cho biết, trước khó khăn chung do dịch bệnh, nhà trường, giáo viên chủ nhiệm luôn nhận được sự phối hợp của phụ huynh. Đặc biệt ở kỳ kiểm tra cuối năm học, phụ huynh đã đồng hành, hỗ trợ về mặt kỹ thuật để các con ôn tập và hoàn thành các bài kiểm tra trực tuyến. Tuy còn bỡ ngỡ với hình thức này, nhưng các con đã đều cố gắng hết sức và đạt kết quả tốt…
Tại hội nghị trực tuyến Tổng kết năm học 2020-2021, triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 ngành GD&ĐT Hà Nội vừa diễn ra, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh, trước tình hình mới, ngành GD&ĐT phải xác định việc dạy học trực tuyến là giải pháp lâu dài, đòi hỏi các nhà trường cần tiếp tục chủ động, linh hoạt, tích cực triển khai nhiệm vụ. Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, Bộ GD&ĐT đang chuẩn bị xây dựng tài liệu chuyên đề riêng bồi dưỡng cho giáo viên để tăng cường kỹ năng, giúp giáo viên đáp ứng lâu dài với việc dạy học trực tuyến.
Nhận định dịch Covid-19 còn những diễn biến khó lường, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng cũng yêu cầu các trường học cần chủ động xây dựng phương án, kịch bản cụ thể để tổ chức dạy học phù hợp trong năm học 2021-2022. Ngoài ra, Thành phố đã giao Sở GD&ĐT Hà Nội tăng cường tập huấn cho đội ngũ giáo viên để triển khai dạy học trực tuyến hiệu quả với quan điểm coi đây là giải pháp bền vững, đặc biệt là tập huấn về kỹ năng thích ứng của giáo viên, học sinh trong việc dạy và học trực tuyến.
Triển khai học trực tuyến để không gián đoạn học tập đã không còn là việc mới mẻ với các trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội trong gần 2 năm qua. Trên tinh thần “tạm dừng đến trường, không dừng việc học”, Hà Nội quyết tâm hoàn thành “nhiệm vụ kép” vừa đảm bảo an toàn, vừa đảm bảo chất lượng dạy và học trong năm học 2021-2022. /.
Nguồn: Báo lao động thủ đô