Nam Giang (Quảng Nam): Khai thác hiệu quả tài nguyên đất, thoát nghèo bền vững
Cải tạo đất đồi đa dạng sinh kế
Huyện miền núi Nam Giang đang triển khai nhiều mô hình kinh tế, tập trung khai thác tiềm năng đất đai, lao động sẵn có và chuyển dịch cây trồng, vật nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao. Nhiều hộ đồng bào mạnh dạn vay vốn đầu tư trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, đồng thời liên kết với doanh nghiệp ứng dụng kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm với giá cả hợp lý. Qua vài năm triển khai, nhiều hộ nghèo được cải thiện đời sống, có thu nhập ổn định, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.
Người dân huyện miền núi Nam Giang mạnh dạn cải tạo đất đai, phát triển mô hình cây ăn quả. |
Tiêu biểu như hộ chị A Lăng Thị Dy, ở thôn Pà Ong, xã Cà Dy huyện miền núi Nam Giang, tỉnh Quảng Nam từ mô hình chăn nuôi kết hợp trồng cây ăn quả lâu năm, trở thành điển hình trong công tác giảm nghèo ở địa phương. Chị Dy chia sẻ, trước đây chị chỉ biết dựa vào làm nương rẫy lúc nào cũng túng thiếu. Cuối năm 2010, chị Dy đã mạnh dạn vay vốn, mở rộng trang trại phát triển trồng keo, mít thái và mua hàng chục con heo rừng về chăn nuôi.
Đến nay, chị Dy tiếp tục mua thêm đàn bò, gà và mở rộng chăn nuôi heo rừng lai kết hợp trồng cây ăn quả, phát triển vườn keo, nuôi ao thả cá… Chị Dy nhẩm tính, mỗi năm, sau khi trừ chi phí, chị thu lãi hơn 200 triệu đồng từ các mô hình. Chị Dy cho biết: Nương rẫy bây giờ không còn là nguồn sống chủ yếu của người dân miền núi. Muốn thoát nghèo, bà con phải trồng cây ăn quả lâu năm và chăn nuôi gia súc, gia cầm.
“Tôi vay tiền mua bò và trồng mít thái, cải tạo đất mở rộng vườn nhà, trang trại, không còn lên rừng, phụ thuộc vào rừng nữa. Cuộc sống nhờ vậy đã khấm khá hơn. Sắp tới, tôi dự định sẽ trồng thêm các loại cây ăn quả như bưởi, chuối tiêu” – chị Dy cho hay.
Nhiều hộ đồng bào trước đây sản xuất manh mún, chủ yếu “tự cung tự cấp”, nay đã tích tụ ruộng đất, đầu tư sản xuất theo hướng hàng hóa. |
Chị Tơ Đên Chương, xã Chà Vàl, huyện Nam Giang cho biết, gia đình chị hiện có hơn 600 gốc chuối tiêu bản địa, hàng tháng bán ra 2 đợt, mỗi đợt thu được 1 đến 1,5 triệu đồng. Chị Chương cho biết, chuối tiêu bản địa là cây dễ sinh trưởng, chịu đựng thời tiết khắc nghiệt, rất phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương. “Mình có đất, mình chịu khó cải tạo, áp dụng khoa học kỹ thuật do hội nông dân hướng dẫn nên cây chuối phát triển tốt. Nhờ cây chuối nên gia đình có nguồn thu nhập ổn định, có điều kiện lo cho các con ăn học và mua sắm dụng cụ sinh hoạt trong gia đình”- chị Chương chia sẻ.
Thoát nghèo bền vững
Nhiều năm nay, hàng trăm hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện miền núi Nam Giang đã thoát nghèo bền vững nhờ chính sách tận dụng lợi thế sẵn có của địa phương là nguồn lực đất đai. Bà con được huyện ưu tiên bố trí nguồn vốn, bảo đảm “dồn điền, đổi thửa”, cải tạo đất và chuyển dịch cây trồng, vật nuôi sao cho hiệu quả. Từ chủ trương hợp lòng dân, nhiều xã trên địa bàn huyện Nam Giang đã thực hiện quy hoạch lại đất đai, bố trí vùng sản xuất. Nhiều hộ đồng bào trước đây sản xuất manh mún, chủ yếu “tự cung tự cấp”, nay đã tích tụ ruộng đất, đầu tư sản xuất theo hướng hàng hóa với những cánh đồng mẫu lớn và trang trại có hiệu quả.
Tại huyện Nam Giang đã có 130 mô hình phát triển kinh tế và đã mang lại nguồn thu đáng kể. |
Hiện nay, tại huyện Nam Giang đã có 130 mô hình phát triển kinh tế và đã mang lại nguồn thu đáng kể. Có nhiều hộ thu lãi từ 100 đến 250 triệu đồng/ năm. Trong đó kể đến những mô hình đang mang lại nguồn thu nhập đáng kể như mô hình cây ăn quả tại 2 xã La Dêê và Tà Bhing với bưởi da xanh và bơ; hàng ngàn hecta cao su đại điền trồng tại một số xã được chăm sóc và khai thác hiệu quả, tạo việc làm bền vững cho lao động địa phương.
Ông Tơ Ngôl Với, Phó Chủ tịch huyện miền núi Nam Giang, tỉnh Quảng Nam chia sẻ, nhằm giúp đỡ người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cấp uỷ, chính quyền huyện miền núi Nam Giang đã tuyên truyền, vận động người dân mạnh dạn chuyển đổi đất canh tác kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị cao hơn. Huyện cũng đã kiểm kê, rà soát, đo đạc diện tích đất chưa sử dụng để đẩy mạnh chủ trương phát triển trồng cây cao su đại điền, tiểu điền.
Bên cạnh đó, với việc đẩy mạnh công tác giao đất, giao rừng cho hộ quản lý, bảo vệ, chăm sóc, phát triển của chính quyền Nam Giang đã góp phần bảo vệ rừng của địa phương. Hiện nay, huyện đã hình thành rõ nét vùng rừng phòng hộ, rừng sản xuất, thuận lợi cho việc lãnh đạo, chỉ đạo về công tác quản lý, bảo vệ và khai thác lợi ích kinh tế rừng.
“Huyện uỷ, Hội đồng UBND huyện Nam Giang cũng đã tập trung chỉ đạo quyết liệt giải pháp về phát triển nông nghiệp bền vững. Huyện đã ban hành nghị quyết về đề án phát triển cây con vật nuôi để hỗ trợ nhân dân phát triển sản xuất, chăn nuôi để người dân vươn lên thoát nghèo trên chính đất đai của mình. Kết quả giảm nghèo giai đoạn từ 2006 đến 2020 rõ rệt, bình quân giảm hàng năm từ 5 đến 7%. Thời gian tới, huyện tiếp tục phát triển một số loài cây trồng và dược liệu quý có giá trị kinh tế cao như lòn bon, sâm bảy lá, tam thất, lan kim tuyến… giúp người dân thoát nghè.” – ông Tơ Ngôl Với nói.