Nam Định: Ưu tiên an toàn tính mạng, tài sản cho người dân trong ứng phó với bão số 3
Nam Định: Ưu tiên an toàn tính mạng, tài sản cho người dân trong ứng phó với bão số 3
Sáng 7/9, UBND tỉnh Nam Định ban hành Công văn số 869/UBND-VP3 chỉ đạo tập trung ứng phó bão số 3 (bão YAGI) và mưa lũ sau bão theo tinh thần Công điện số 88/CĐ-TTg ngày 6/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ.
Công văn nêu rõ: Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, từ ngày 7/9, bão số 3 (tên quốc tế là YAGI) sẽ ảnh hưởng đến tỉnh ta gây gió mạnh, mưa lớn, lượng mưa phổ biến 100-350mm, cục bộ có nơi trên 500mm, nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các đô thị, vùng thấp trũng.
Để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, ông Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định yêu cầu các địa phương, các sở, ngành, các Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm.
Căn cứ diễn biến tình hình bão, mưa lớn thực tế tại địa phương, tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt, nghiêm túc, có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Công điện: số 86/CĐ-TTg ngày 3/9/2024, số 87/CĐ-TTg ngày 5/9/2024, số 88/CĐ-TTg ngày 6/9/2024; Chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại các Công điện: số 23/CĐ-UBND ngày 3/9/2024, số 24/CĐUBND ngày 5/9/2024, số 25/CĐ-UBND ngày 6/9/2024 và văn bản số 862/UBND-VP3 ngày 5/9/2024; tập trung ưu tiên bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân và Nhà nước.
Tập trung, chủ động tổ chức rà soát, khoanh vùng cụ thể diện tích sản xuất nông nghiệp có nguy cơ bị ngập lụt, úng để có phương án tiêu úng phù hợp với đặc điểm địa hình, tình hình mưa và năng lực công trình; nhanh chóng tu sửa, khắc phục những thiệt hại, ảnh hưởng do bão gây ra; thu dọn, vệ sinh môi trường, đảm bảo các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.
Khẩn trương kiểm tra, rà soát, tổng hợp báo cáo tình hình thiệt hại về công trình, tài sản, vật chất, sản xuất… theo Thông tư Liên tịch số 43/2015/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT ngày 23/11/2015 của Bộ NN và PTNT và Bộ Kế hoạch và Đầu tư (gửi qua Sở NN và PTNT nông thôn trước ngày 9/9/2024) để tổng hợp báo cáo cấp thẩm quyền theo quy định.
* Sáng 7/9, bà Hà Lan Anh, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định đã đi kiểm tra, chỉ đạo công tác chống bão số 3 (bão YAGI) tại huyện Hải Hậu.
Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, hôm nay huyện đã cho học sinh nghỉ học. Thường trực Huyện ủy, UBND huyện đã phân công các vị Thường vụ Huyện ủy, lãnh đạo UBND huyện trực tiếp xuống địa bàn trọng điểm để lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai, đôn đốc, kiểm tra công tác ứng phó bão số 3, quyết tâm bảo đảm an toàn tuyệt đối về người, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Chỉ đạo Đài Phát thanh huyện thường xuyên cập nhật, phát các bản tin, thông báo tình hình diễn biến bão số 3 để người dân chủ động phòng, chống và ứng phó hiệu quả. Vận động các cơ quan, đơn vị, người dân dừng tất cả các hội nghị chưa cấp bách, các sự kiện, sự việc đông người để ứng phó với bão.
Theo cập nhật của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện Hải Hậu, từ sáng sớm ngày 7/9, trên địa bàn huyện đã có gió cấp 5, cấp 6, vùng ven biển gió cấp 7, cấp 8 kết hợp mưa vừa đến mưa to. Đến 7 giờ 30 phút, toàn bộ 615 tàu cá và phương tiện khai thác thủy sản của huyện đã vào nơi tránh trú an toàn. 100% lao động ngoài đê, tại các chòi, lều canh coi ao, đầm, bãi nuôi thủy sản đã di chuyển vào phía trong đê. 198 hộ dân gần đê gồm 42 hộ xã Hải Xuân, 57 hộ xã Hải Hòa và 90 hộ ở thị trấn Thịnh Long đã được chính quyền các địa phương bố trí di chuyển vào nơi tránh trú an toàn. Tiếp tục tổ chức rút nước sâu trên toàn bộ hệ thống kênh mương nội đồng; các ao, đầm…
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Lan Anh đề nghị huyện Hải Hậu cần tổ chức tốt lực lượng ứng trực, kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, báo cáo các cơ quan chức năng kịp thời chỉ đạo, huy động lực lượng, phương tiện xử lý các tình huống có thể xảy ra ngay từ giờ đầu. Lực lượng tiền phương ứng trực tại các trọng điểm xung yếu, trên tuyến đê biển cần chú ý bảo đảm an toàn. Tổ chức vận hành các phương án phòng, chống thiên tai đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhất là phương án di dời dân nếu có yêu cầu. Kiên quyết không để người dân, nhất là ngư dân ra các bến bãi. Thường xuyên cập nhật thông tin tình hình bão, báo cáo Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh để chỉ đạo công tác ứng phó bão số 3 kịp thời.
Tại huyện Giao Thủy, vào lúc 15h50, huyện Giao Thuỷ có mưa gió rất to. Mọi công tác phòng, chống bão số 3 từ huyện đến các xã, thị trấn huyện Giao Thuỷ đã được triển khai quyết liệt, đồng bộ, kịp thời, phù hợp với diễn biến thực tế và tập trung có trọng tâm, trọng điểm.
Theo đó, các địa phương và lực lượng chức năng của huyện đã thực hiện sơ tán, di dân đối với các vùng xung yếu, nơi nguy hiểm trước khi bão đổ bộ vào. Toàn bộ diện tích lúa, hoa màu, nuôi thuỷ sản đã được tiêu rút nước đệm giảm thiểu nguy cơ ngập úng.
UBND huyện đã thành lập đoàn công tác đi kiểm tra hiện trạng công trình đê điều, thuỷ lợi và các khu neo đậu tàu thuyền trên địa bàn huyện. Qua kiểm tra, đến thời này, trên địa bàn huyện chưa có thiệt hại về người và tài sản; toàn bộ các tuyến đê biển, đê sông được đảm bảo an toàn; các phương tiện tàu thuyền neo đậu ở nơi an toàn.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị