Nam Định triển khai việc nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hóa

Mới đây Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nam Định đã triển khai việc nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hóa và giải pháp thực hiện hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong đó nhiệm vụ quan trọng là thực thi trách nhiệm quản lý Nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hoá của các cấp, ngành và giải pháp thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa.

Phổ biến Thông tư 01/2024/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về công tác kiểm tra Nhà nước về chất lượng hàng hoá lưu thông trên thị trường. Cần có những giải pháp phối hợp trong hoạt động quản lý Nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hoá; đề xuất các giải pháp thực hiện các đề án, chương trình, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng.

Theo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nam Định, việc chú trọng thắt chặt quản lý chất lượng sẽ là yêu cầu hàng đầu để các sản phẩm tiếp tục được hoàn thiện, có thể vươn tầm xa hơn nữa với mục tiêu tiến tới phục vụ xuất khẩu thời gian không xa. Siết chặt quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa không chỉ góp phần bảo vệ sản xuất và tiêu dùng trong nước mà còn mang ý nghĩa giữ gìn thương hiệu, uy tín quốc gia. 

 Nam Định không ngừng nâng cao quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa. Ảnh minh họa

Liên quan tới hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa trên địa bàn, Sở Công Thương tỉnh Nam Định cho biết, thời gian qua, hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa được các Sở, ngành chức năng tích cực triển khai, góp phần quan trọng ngăn chặn hàng hóa không đảm bảo chất lượng gây ảnh hưởng quyền lợi và uy tín của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, tạo môi trường cạnh tranh, kinh doanh lành mạnh, bình đẳng.

Các ngành chức năng chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra và hướng dẫn công bố tiêu chuẩn chất lượng áp dụng cho sản phẩm hàng hóa. Trong đó, đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành 28 văn bản quản lý về chất lượng sản phẩm hàng hóa thuộc các lĩnh vực được phân công, tập trung chủ yếu vào sản phẩm hàng hóa thiết yếu có ảnh hưởng đến sức khỏe, an toàn vệ sinh lao động. 

Nhiều phong trào, hoạt động nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa trong doanh nghiệp được phát động, tổ chức như: Xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, các công cụ quản lý nhằm cải tiến năng suất chất lượng; tham gia Giải thưởng Chất lượng Quốc gia; chứng nhận và công bố hợp chuẩn cho chất lượng sản phẩm hàng hóa, bảo hộ sở hữu trí tuệ, đổi mới thiết bị, công nghệ… góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ sở, doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa đảm bảo chất lượng.

Trong năm 2023, các sở quản lý chuyên ngành và UBND các huyện, thành phố tham mưu ban hành 39 văn bản cấp tỉnh; tổ chức, thực hiện 146 hội nghị, 77 phóng sự, 130 bản tin, 2 chuyên mục và hơn 91 nghìn tờ rơi, băng rôn tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện văn bản quy phạm pháp luật; thanh tra, kiểm tra 4.221 lượt cơ sở, phát hiện 407 cơ sở vi phạm, phạt tiền hơn 3,6 tỷ đồng; tiếp nhận công bố 125 sản phẩm hợp chuẩn, hợp quy…

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phối hợp kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa . Ảnh: báo Nam Định

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được thì tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn xuất hiện, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng và môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp. Năng lực các phòng thử nghiệm trên địa bàn chưa đáp ứng nhu cầu thử nghiệm chất lượng sản phẩm hàng hóa và thiếu các thiết bị kiểm tra nhanh phục vụ hoạt động thanh tra, kiểm tra.

Các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia chưa bao phủ hết đối với một số nhóm sản phẩm, hàng hoá nên khó khăn trong quá trình kiểm soát chất lượng hàng hoá lưu thông và xử lý vi phạm. Nhận thức của một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh về quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa, chứng nhận hợp chuẩn hợp quy còn thấp. Việc kiểm soát được chất lượng sản phẩm hàng hóa kinh doanh, phân phối qua kênh thương mại điện tử, mạng internet còn nhiều hạn chế.

Nguyên nhân của việc này được xác định do công tác quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa trên địa bàn còn nhiều khó khăn như: Chưa có hệ thống chỉ tiêu thống kê cụ thể để xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa dẫn đến việc chia sẻ thông tin từ các bộ tới địa phương cũng như giữa các cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương và UBND các huyện, thành phố với nhau chưa thống nhất. Hạn chế trong phối hợp kiểm tra, trao đổi thông tin, tổng hợp báo cáo và triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hoá… của các sở, ngành liên quan.

Do đó, để làm tốt hơn nữa công tác quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa, các cơ quan chức năng cần tăng cường đào tạo, tập huấn cho cán bộ chuyên ngành để phục vụ công tác kiểm tra, giám định chất lượng hàng hóa từ khâu sản xuất đến tiêu dùng. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phối hợp kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng giúp người tiêu dùng được biết và phòng ngừa.

An Dương (T/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích