Nam Định: Tiêu hủy nửa tấn thực phẩm tươi sống không rõ nguồn gốc

Theo tin từ Cục QLTT tỉnh Nam Định, thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Đội QLTT số 1 đối với chủ cửa hàng kinh doanh thực phẩm tươi sống Thái Ly, địa chỉ: số 5A khu 4 đường Phan Bội Châu, Phường Trần Đăng Ninh, Thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định, tại nhà máy xử lý rác thải tỉnh Nam Định, dưới sự chứng kiến của các bên liên quan, chủ cửa hàng đã cùng Đội Quản lý thị trường số 1 tổ chức tiêu hủy gần nửa tấn thực phẩm tươi sống không rõ nguồn gốc bằng biện pháp xé bao bì, rắc vôi bột và cho xe ủi cán, lấp hố chôn.

 Nửa tấn thực phẩm tươi sống không rõ nguồn gốc bị tiêu hủy. Ảnh: Cục QLTT Nam Định

Việc xử lý tiêu huỷ thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm điều kiện lưu thông trên thị trường của lực lượng Quản lý Thị trường góp phần đảm bảo sức khỏe và quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

Trước đó, qua phản ánh và công tác nắm địa bàn, thu thập thông tin một cửa hàng đang nhập thực phẩm tươi sống có dấu hiệu ôi thiu, mất vệ sinh, lãnh đạo Cục QLTT tỉnh đã chỉ đạo Phòng Nghiệp vụ – Tổng hợp và Đội Quản lý thị trường số 1 tiến hành kiểm tra, xử lý.

Để ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm, Đội đã phối hợp với lực lượng Công an, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản tỉnh Nam Định tiến hành kiểm tra ngay cửa hàng kinh doanh thực phẩm tươi sống tại địa chỉ Số 5A khu 4 tầng đường Phan Bội Châu. P. Trần Đăng Ninh, TP. Nam Định. Tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện gần nửa tấn thực phẩm tươi sống như: hải sản tươi sống, nội tạng gia cầm, nguyên liệu chế biến… không rõ nguồn gốc xuất xứ, không qua kiểm dịch đang để trên hè phố và trong kho của cửa hàng.

Điều đáng nói, số hàng hóa trên được đóng trong các túi nilon, đóng trong thùng xốp hoặc tủ đông lạnh có chèn giấy báo chữ nước ngoài, không có nhãn mác. Khi mở ra có loại thực phẩm, hàng hóa không có mùi đặc trưng của thực phẩm nguyên bản, thậm chí có mùi ôi thiu.

Theo thông tin của người trực tiếp bán hàng, số hàng này được chủ cửa hàng nhập của cơ sở kinh doanh tại các tỉnh thông qua mua hàng trực tuyến, qua mạng, qua điện thoại để thỏa thuận phương thức nhận hàng và thanh toán. Chủ cửa hàng chỉ là người tiếp nối quá trình kinh doanh, không có sự kiểm nghiệm, đánh giá chất lượng để nhập hàng do đó có thể có hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu (biển hiện các thùng xốp đóng hàng có chèn giấy báo chữ Trung Quốc). Sau đó, cửa hàng tiêu thụ tại chỗ hoặc bán qua mạng đến tay người tiêu dùng. Ngay sau đó lực lượng QLTT đã niêm phong, tạm giữ toàn bộ hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ để điều tra, xử lý. 

An Dương 

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích