Nam Định: Quất Lâm sẽ được quy hoạch thành đô thị ven biển

Nam Định: Quất Lâm sẽ được quy hoạch thành đô thị ven biển

Vừa qua, UBND tỉnh Nam Định đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Quất Lâm đến năm 2030.

Theo quy hoạch, Đô thị Quất Lâm có vị trí cửa ngõ phía Tây Nam của huyện Giao Thủy, thuộc hành lang kinh tế Đông Nam tỉnh, gắn liền với các tuyến đường kết nối các huyện trong tỉnh và tuyến liên vùng, liên tỉnh như tuyến Quốc lộ 37B, ĐT.489B, đặc biệt là tuyến đường bộ ven biển, tuyến ĐT.484 (tuyến đường bộ mới Nam Định – Lạc Quần – Đường bộ ven biển).

Quy mô đất đai của Quất Lâm là 2.632 ha, gồm toàn bộ diện tích tự nhiên các xã Giao Phong, Giao Thịnh và thị trấn Quất Lâm. Định hướng phát triển của Quất Lâm sẽ là trung tâm kinh tế, văn hoá, xã hội của huyện Giao Thủy và trở thành đô thị nghỉ mát, du lịch – vùng phía đông Nam Định.

Đây sẽ là đô thị ven biển, phát triển bền vững theo hướng sinh thái – xanh – thông minh với cảnh quan hấp dẫn; phát triển đa ngành công nghiệp, dịch vụ, du lịch gắn với kinh tế biển, có hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện đại, hạ tầng xã hội đồng bộ…

tm-img-alt
Quy hoạch Quất Lâm thành đô thị nghỉ mát, du lịch vùng phía đông Nam Định.(Ảnh: Internet)

Đô thị Quất Lâm sẽ được chia làm 4 phân khu chức năng phát triển.

Khu đô thị trung tâm có diện tích 534,5 ha, là trung tâm hành chính chính trị và thương mại dịch vụ của đô thị Quất Lâm.

Khu đô thị hỗn hợp và dịch vụ du lịch rộng 613,6 ha, là khu vực ven biển phía Nam đô thị Quất Lâm bao gồm một phần diện tích khu vực ven biển của thị trấn Quất Lâm và xã Giao Phong.

Khu dân cư phía Đông Bắc rộng 700,4 ha là khu vực làng xóm hiện hữu phía Đông Bắc bao gồm một phần diện tích xã Giao Phong và xã Giao Thịnh, là khu vực cửa ngõ có các trục giao thông chính đi qua.

Khu công nghiệp, dịch vụ sẽ có quy mô hơn 783 ha, định hướng phát triển các khu, cụm công nghiệp và cảng neo đậu của đô thị Quất Lâm, bao gồm một phần diện tích của thị trấn Quất Lâm và xã Giao Thịnh.

Trong tương lai, Đô thị Quất Lâm có 5 trục không gian chính. Trong đó trục đối ngoại gồm tuyến Quốc lộ 37B, tuyến Tô Phúc Thiện kéo dài là trục không gian cửa ngõ, đối ngoại đi huyện Hải Hậu và thị trấn Ngô Đồng, giao cắt với các trục tuyến ĐT.489B, đường bộ ven biển và ĐT.484;

Trục trung tâm hành chính chính trị, thương mại dịch vụ, công trình công cộng gồm tuyến giao thông Nguyễn Ý – Thiện Lâm và tuyến đường đê Đặng Đức Dịch kéo dài;

Trục không gian ven biển gồm tuyến đường Trường Sa ven biển đi huyện Hải Hậu kết nối với Vườn quốc gia Xuân Thuỷ; Trục công nghiệp dịch vụ sông Sò gồm tuyến đường tỉnh 489B và trục chính đô thị – đường sông Sò theo hướng Bắc – Nam và Trục không gian phía Bắc gắn với tuyến đường tỉnh 484 và đường bộ ven biển.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích