Nam Định: Người dân khốn khổ vì ô nhiễm môi trường từ bãi rác xã Hải Trung
Nam Định: Người dân khốn khổ vì ô nhiễm môi trường từ bãi rác xã Hải Trung
Thời gian qua, hàng trăm hộ dân các xã Hải Trung, Hải Bắc (huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) luôn phải sống chung với mùi hôi thối nồng nặc, khói bụi gây ô nhiễm nghiêm trọng được phát tán từ một bãi rác trên địa bàn
Được biết, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định đã được công nhận huyện đạt nông thôn mới từ năm 2015. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn huyện này vẫn tồn tại những bãi xử lý rác thải gây ô nhiễm môi trường, nguy cơ phát tán dịch bệnh, gây ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân địa phương.
Ông Lại Văn Phán (65 tuổi, trú xóm 16, xã Hải Trung, huyện Hải Hậu) cho biết, mặc dù là huyện nông thôn mới nhưng trên địa bàn huyện Hải Hậu còn nhiều xã chưa có nước sạch, vẫn phải dùng nước giếng khoan. Xã Hải Trung không ngoại lệ. Việc những bãi xử lý rác thải nằm sát khu dân cư gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước, tiềm ẩn nhiều mầm bệnh nguy hiểm xuất hiện khiến người dân lo sợ.
Theo ông Lê Văn Nhạ (70 tuổi, trú xóm 16, xã Hải Trung), không chỉ riêng nhà ông mà hàng trăm hộ dân của xóm 16 xã Hải Trung, xóm 10 thôn Tây Cường, xã Hải Bắc luôn phải chịu đựng mùi hôi thối nồng nặc phát tán từ bãi rác xã Hải Trung. Gia đình chúng tôi chỉ nằm cách bãi rác xã Hải Trung khoảng 50m nên ngày đêm chúng tôi phải chịu đựng mùi hôi thối nồng nặc từ hoạt động xử lý rác thải tại bãi rác. Lo ngại nhất là vào mùa mưa thì nước từ bãi rác tràn xuống ruộng lúa ngay bên cạnh, xuống sông dẫn nước gây ô nhiễm nguồn nước trong khu vực. Mùa nắng thì bốc mùi ngột ngạt, ruồi, muỗi từ bãi rác bay ra đậu khắp nơi.
Cũng theo ông Nhạ, các hộ dân nơi đây chủ yếu dùng nước giếng khoan, nên rất có thể nước ứ đọng từ bãi rác ngấm vào mạch nước ngầm gây ô nhiễm đến nguồn nước sinh hoạt. Thời gian qua đã có nhiều người già và trẻ em tại các hộ trong khu vực này bị mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp khiến chúng tôi rất lo sợ cho sức khỏe của gia đình.
Để tìm hiểu thông tin, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam đã có mặt tại khu vực bãi rác xã Hải Trung để ghi nhận thực tế, và có thể thấy nội dung phản ánh của người dân địa phương về bãi rác gây ô nhiễm môi trường là hoàn toàn có cơ sở.
Theo quan sát, bãi rác này được xây dựng tại xóm 16, xã Hải Trung, tiếp giáp khu vực xóm 10, thôn Tây Cường của xã Hải Bắc (huyện Hải Hậu). Đáng chú ý bãi rác này được quy hoạch và xây dựng ngay sát khu dân cư sinh sống, khi khoảng cách từ bãi rác đến điểm gần khu dân cư xóm 10 xã Hải Bắc chỉ khoảng 50m. Điểm xa khu dân cư xóm 16, xã Hải Trung cũng chỉ trên dưới 100m.
Bãi rác được lắp đặt hệ thống lò đốt, có hố để lấp rác thải vô cơ và than tro của rác hữu cơ, có nhà bảo vệ, điều hành, cổng ra vào được lắp camera an ninh, xây tường bao, trồng cây xanh xung quanh.
Tại thời điểm PV ghi nhận, một xe chở rác được chất đầy các bì xác rắn, bao ni lon đựng đầy rác và khi vào đến bãi, rác không được phân loại mà được đổ tràn lan trong khu vực, có dấu hiệu tập kết rác thải không đúng quy định. Đứng tại dãy nhà dân khu xóm 10 thôn Tây Cường, mùi sú uế và ruồi nhặng từ bãi rác bay lan vào hôi thối, khó chịu.
Ông Nguyễn Huy Hoàng (42 tuổi, trú xóm 10, xã Hải Bắc, huyện Hải Hậu) cho hay, trước đây, rác được đổ tràn lan trong bãi, không được phân loại, đổ trực tiếp xuống bãi. Những gia đình sống gần khu vực này ban ngày cũng như ban đêm, lúc nào cũng phải đóng kín cửa để bớt mùi hôi thối cũng như ruồi muỗi, côn trùng bụi tro từ bãi rác bay vào nhà. Dân họ đi qua đây cứ phải bịt mũi, nếu hít vào là hoa mắt, chóng mặt nhưng đành chịu chứ biết làm sao, chuyển nhà đi đâu được. Chúng tôi đã nhiều lần có ý kiến lên xã nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết, từ năm 2018 đến nay thôn Tây Cường đã có 8 người chết vì bệnh ung thư.
Ngay sau ghi nhận thực tế, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam đã có cuộc làm việc với một lãnh đạo UBND xã Hải Trung và được vị này cho biết: Bãi rác của xã được quy hoạch, đầu tư xây dựng từ năm 2014 cơ bản khang trang, hiện đại cùng thời điểm xã đạt chuẩn nông thôn mới. Xã cũng thành lập 7 tổ thu gom, phân loại rác vô cơ, hữu cơ tại đầu nguồn. Rác vô cơ sẽ được xử lý theo phương pháp tự phân hủy, rác hữu cơ sẽ xử lý qua lò đốt. Rác hữu cơ chỉ được đốt thời điểm ban ngày trong lò đốt rác, khói được thu qua ống khói cao, có giàn phun nước, nguồn tro rác sau khi đốt sẽ được dọn san lấp xuống hồ chứa của bãi theo quy trình.
Vị này cũng cho hay, UBND xã cũng thường xuyên kiểm tra việc xử lý rác thải tại bãi rác, kiểm điểm, nhắc nhở bộ phận công nhân trong khâu xử lý rác tại bãi và lò đốt rác. Do đó không có hiện tượng bốc mùi hôi thối, ô nhiễm nguồn nước như người dân phản ánh, khi nào bố trí thời gian tôi dẫn các anh ra bãi xem, đứng cả buổi chả ngửi thấy mùi hôi?!
Tuy nhiên, khi PV đưa ra hình ảnh, clip thể hiện việc bãi rác xã Hải Trung rất bề bộn, bôc mùi hôi thối, màu nước trên dòng kênh đen ngòm bị ô nhiễm nặng nề. Trong khuôn viên bãi, rác được đốt không đúng thời gian quy định, trong đêm cột lửa, khói đen bốc cao, mùi hôi thối bốc lên rất khó chịu. Đặc biệt, rác hữu cơ được nhân viên tại đây lấp luôn chứ không hề đốt theo quy định. Sau khi tận mắt chứng kiến hình ảnh này, vị lãnh đạo xã Hải Trung không khỏi ngỡ ngàng, đồng thời xin được tiếp nhận thông tin và hứa sẽ tập trung khắc phục những bất cập trong việc xử lý rác thải trên địa bàn trong thời gian sớm nhất, đảm bảo tránh ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.
Nằm trong huyện đạt chuẩn nông thôn mới, nhưng người dân luôn phải sống trong cảnh bất an, nơm nớp lo sợ bệnh tật bủa vây – hậu quả từ bãi rác hoạt động gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Thế nhưng lãnh đạo địa phương lại rất ‘mơ hồ’ trong việc kiểm tra, xử lý những bất cập đang tồn tại trong quá trình xử lý rác thải tại bãi rác trên. Thiết nghĩ, để đảm môi trường sống trong lành và an toàn sức khoẻ của người dân địa phương, UBND huyện Hải Hậu và chính quyền xã Hải Trung cần quan tâm chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường giám sát hoạt động xử lý rác thải, đồng thời xử lý nghiêm hành vi vi phạm gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường tại bãi rác này (nếu có).
Môi trường và Đô thị Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị