Nam Cường Gia Lai: Một năm vượt khó, tích cực tham gia công tác an sinh xã hội

Tích cực tham gia công tác an sinh xã hội

Ngày 20/12, tại Hội trường làng Ia Lang, phường Chi Lăng, TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai), Công ty TNHH MTV Nam Cường Gia Lai (gọi tắt Nam Cường Gia Lai) đã tiến hành trao tiền, hỗ trợ kinh phí xây nhà cho các hộ nghèo người dân tộc Jrai trên địa bàn phường.

3
Anh Lê Văn Thư (bên trái) – Giám đốc Công ty Nam Cường Gia Lai trao tiền hỗ trợ người nghèo xây nhà ở. Ảnh: Minh Vỹ.

Tại đây, trước sự chứng kiến của lãnh đạo UBND phường Chi Lăng, anh Lê Văn Thư – Giám đốc Công ty trao 60 triệu đồng, hỗ trợ giúp gia đình chị H’Dăng, H’Chup và anh Gơng xây nhà ở mới để chuẩn bị đón Tết Giáp Thìn 2024.

1
3 gia đình người dân tộc Jrai vừa được Công ty Nam Cường Gia Lai trao tiền hỗ trợ xây dựng nhà ở. Ảnh: Minh Vỹ.

Được biết, mỗi căn nhà sau khi hoàn thành xây dựng trị giá khoảng 70 triệu đến 100 triệu đồng, trong đó một phần là ngân sách Nhà nước hỗ trợ, phần còn lại vận động các cá nhân, tổ chức, mạnh thường quân đóng góp.

Phát biểu tại buổi lễ, chị Trần Thị Út – Phó Chủ tịch UBND phường Chi Lăng cho biết, đầu năm 2023, trên địa bàn phường có 15 hộ nghèo (trong đó làng Ia Lang có 08 hộ), đến cuối năm 2023 thoát 05 hộ. Đạt được chỉ tiêu này, bên cạnh sự quan tâm của Đảng, chính quyền địa phương còn có sự đồng hành giúp đỡ của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm đứng chân trên địa bàn phường.

4
Chị Trần Thị Út – Phó Chủ tịch UBND phường Chi Lăng. Ảnh: Minh Vỹ.

“Đặc biệt là Công ty Nam Cường Gia Lai, bên cạnh hỗ trợ kinh phí xây nhà cho người nghèo, nhiều năm liền anh Lê Văn Thư cùng Công ty trao quà Tết cho các hộ nghèo, khó khăn trong toàn phường. Đây là nghĩa cử cao đẹp của Công ty, món quà quý giá của phường chúng tôi, nguồn động viên, chia sẻ những khó khăn, vất vả, thiếu thốn của nhân dân trong phường. Qua đó kịp thời khích lệ chính quyền, nhân dân trong phường khắc phục khó khăn, vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, thoát nghèo bền vững”, Phó Chủ tịch UBND phường nói thêm.

Chị H’Tinh-Bí thư Chi bộ, thôn trưởng làng Ia Lang, phấn khởi tâm sự: “Thay mặt Chi bộ, chính quyền, 03 hộ và toàn thể nhân dân làng Ia Lang xin trân trọng cảm ơn ông Lê Văn Thư và toàn thể Công ty Nam Cường Gia Lai đã dành tình cảm tốt đẹp, hỗ trợ công dân trong làng. Với chúng tôi, món quà này không hề nhỏ đối với các hộ. Thời gian tới, kính mong anh Thư và một số nhà hảo khác tiếp tục hỗ trợ để xây dựng thêm một số căn nhà nữa che mưa, che nắng để bà con an cư lạc nghiệp”.

Theo người đứng đầu Công ty Nam Cường Gia Lai, sản xuất và kinh doanh luôn gắn liền với công tác an sinh xã hội, đó là trách nhiệm của doanh nhân và doanh nghiệp. Bên cạnh số tiền hỗ trợ kể trên, sau khi vào nhà mới, chúng tôi sẽ có thêm phần quà trao tặng thêm cho bà con. Nếu bà con khó khăn về việc làm, Công ty sẵn sàng nhận vào đào tạo nghề, làm việc lâu dài tại đây.

Nỗ lực vượt khó, ổn định việc làm cho công nhân

Công ty Nam Cường Gia Lai đứng chân tại tổ 6, phường Chi Lăng (TP. Pleiku), ngành nghề kinh doanh chính là bán buôn vật liệu, thiết bị lắp đặt khác trong xây dựng, khai thác gỗ hợp pháp, sản xuất các sản phẩm từ gỗ, bán buôn nông, lâm sản…

7
Một trong những sản phẩm gỗ của Công ty Nam Cường Gia Lai. Ảnh: Minh Vỹ.

Sản phẩm tiêu biểu, phổ biến của Nam Cường Gia Lai là chế biến gỗ theo yêu cầu, gỗ cao su sấy, tẩm sấy, phôi gỗ, ván ghép, ván MDF… Hiện nay toàn Công ty, số lượng công nhân ổn định khoảng 180 người, từ công nhân khai thác gỗ ngoài lô cao su cho đến nhà máy chế biến.

5
Gỗ cao su vừa vận chuyển về nhà máy. Ảnh: Minh Vỹ.

Trong năm 2023, do dư âm của thời kỳ hậu Covid-19, xung đột Nga-Ukraine kéo dài, tình hình kinh tế trong nước và thế giới nhiều biến động, mới đây nổ ra xung đột giữa Israel và Phong trào kháng chiến Hồi giáo Hamas của người Palestine… Điều này khiến nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và chế biến gỗ gặp khó khăn do thiếu đơn hàng, buộc phải cắt giảm lao động, tạm ngừng việc. Tuy nhiên, với Nam Cường Gia Lai điều đó không xảy ra, số ngày công của người lao động vẫn đảm bảo, các chế độ phúc lợi xã hội được duy trì.

8
Ván ghép, một trong những sản phẩm của Công ty Nam Cường Gia Lai. Ảnh: Minh Vỹ.

“Cái khó ló cái khôn”, anh Lê Văn Thư cho biết: “Khi mà thị trường xuất khẩu đình trệ, hiện nay sản phẩm của Công ty tập trung tiêu thụ nội địa, thị trường chủ yếu ở Bình Dương, Đồng Nai. Trước đây, khách hàng mua sỉ là chính, bây giờ kinh tế khó khăn, sỉ hay lẻ chúng tôi đều bán. Bởi vậy, Công ty thành lập thêm kho chứa hàng tại Bình Dương, xe chở hàng từ Gia Lai xuống đây tập kết, khách hàng muốn mua từ vài khối cho đến hàng trăm khối đều bán. Năng nhặt chặt bị, vì vậy mà các mặt hàng của Nam Cường Gia Lai làm ra đến đâu, cơ bản được tiêu thụ đến đó”.

2
Anh Lê Văn Thư phát biểu lúc trao quà hỗ trợ người dân. Ảnh: Minh Vỹ.

Tận mắt chứng kiến đoàn xe tấp nập ra vào nhà máy nhập hàng và “ăn hàng” trong những ngày cuối năm 2023, một công nhân của Công ty Nam Cường Gia Lai có thâm niên làm việc tại đây trên 10 năm chia sẻ, với khối lượng gỗ cao su hiện có, rất có thể chúng tôi sẽ làm việc đến sát Tết Giáp Thìn 2024 mới nghỉ. Điều đó càng vui, vì có thêm tiền lương để mua sắm, trang trải cho một cái Tết đủ đầy, đầm ấm cho gia đình an vui.

6
Gỗ cao su vừa cưa xẻ. Ảnh: Minh Vỹ.

Được biết, cùng với việc đảm bảo ngày công cho người lao động quanh năm, Nam Cường Gia Lai còn áp dụng nhiều chế độ đãi ngộ để “giữ chân” công nhân. Chẳng hạn, bao cấp tiền ăn trưa cho công nhân tại nhà máy; người lao động bị đau ốm không thể làm việc sẽ được Công ty trả tiền viện phí, hỗ trợ thêm 130 ngàn đến 150 ngàn đồng/ngày tiền an dưỡng cho đến khi đi làm lại; tạo điều kiện cho công nhân ứng tiền trước để làm nhà hay chi tiêu vào những việc chính đáng khác…

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích