Năm 2024, phấn đấu số doanh nghiệp gia nhập thị trường tăng ít nhất 10%
Nội dung này được đề cập trong Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024.
Theo báo Đầu tư, Nghị quyết đặt mục tiêu tổng quát là cải thiện mạnh mẽ chất lượng môi trường kinh doanh để phù hợp với bối cảnh và xu thế phát triển, nhằm nâng cao vị thế của nước ta trên các bảng xếp hạng quốc tế. Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập; giảm tỉ lệ doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động; tăng số lượng doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số; giảm chi phí đầu vào và chi phí tuân thủ pháp luật trong hoạt động đầu tư, kinh doanh; giảm rủi ro chính sách; củng cố niềm tin, tạo điểm tựa phục hồi và nâng cao sức chống chịu của doanh nghiệp.
Đến năm 2025, phấn đấu thứ hạng năng lực cạnh tranh như sau:
a) Phát triển bền vững (của Liên hợp quốc – UN) thuộc Nhóm 50 nước đứng đầu.
b) Năng lực Đổi mới sáng tạo (của WIPO) tăng ít nhất 3 bậc.
c) Chính phủ điện tử (của UN) tăng ít nhất 5 bậc.
d) Quyền tài sản (IPRI) của Liên minh quyền tài sản tăng ít nhất 2 bậc.
đ) Hiệu quả logistics (LPI) của Ngân hàng thế giới (WB) tăng ít nhất 4 bậc.
e) Năng lực phát triển du lịch và lữ hành (TTDI) của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) tăng ít nhất 2 bậc.
g) An toàn an ninh mạng của ITU thuộc Nhóm 30 nước đứng đầu.
Mục tiêu cụ thể năm 2024, phấn đấu số doanh nghiệp gia nhập thị trường (thành lập mới và quay trở lại hoạt động) năm 2024 tăng ít nhất 10% so với năm 2023; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường năm 2024 tăng dưới 10% so với năm 2023.
Về Năng lực Đổi mới sáng tạo của WIPO: Nâng xếp hạng nhóm chỉ số Hạ tầng công nghệ thông tin lên ít nhất 3 bậc; nâng xếp hạng chỉ số Chất lượng môi trường lên ít nhất 10 bậc; nâng xếp hạng chỉ số Xuất khẩu dịch vụ ICT lên ít nhất 5 bậc.
Nâng xếp hạng chỉ số Đăng ký tài sản trong xếp hạng Quyền tài sản của Liên minh quyền tài sản lên ít nhất 2 bậc.
Tăng điểm chỉ số Thủ tục thông quan trong xếp hạng Hiệu quả logistics của Ngân hàng thế giới lên ít nhất 0,2 điểm.
Về Năng lực phát triển du lịch và lữ hành của Diễn đàn kinh tế thế giới: Nâng xếp hạng Nhóm chỉ số Mức độ ưu tiên cho du lịch và lữ hành lên ít nhất 5 bậc; nâng xếp hạng Nhóm chỉ số Hạ tầng dịch vụ du lịch lên ít nhất 3 bậc.
Theo Hà Nội mới, để nghị quyết quan trọng trên sớm đi vào cuộc sống, cần triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, khơi thông các điểm nghẽn thể chế cho doanh nghiệp. Trước hết, tập trung tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; ban hành các gói chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất…
Cùng với đó là chủ động tổ chức đối thoại, trao đổi với người dân và doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt các phản hồi chính sách và giải quyết các khó khăn, vướng mắc; bảo đảm kỷ luật, kỷ cương đối với cán bộ, công chức trong thực thi công vụ; xử lý nghiêm cán bộ nhũng nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp. Tổ chức công tác truyền thông về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh thuộc phạm vi trách nhiệm của mình.
Song song đó, thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ và kết quả thực hiện Chương trình, Kế hoạch thực hiện các Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đặc biệt là, công khai các kết quả kiểm tra, giám sát; phân công đơn vị làm đầu mối thực hiện tham mưu, hướng dẫn, kiểm tra, tổng hợp tình hình cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của các bộ, ngành và địa phương.
Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cũng như “thăng hạng” trên các bảng xếp hạng ngày càng khó khăn và đòi hỏi nỗ lực cao hơn của cả hệ thống chính trị. Mặt khác, có nhiều chỉ số phải nỗ lực liên tục trong một số năm mới có thể cải thiện được, nhất là các chỉ số liên quan tới hạ tầng, nhân lực và các yếu tố môi trường, xã hội.
Vì vậy, trong năm 2024 này và những năm tiếp theo, cần sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt và tăng tốc hơn nữa của các bộ, ngành, địa phương trong cải cách môi trường kinh doanh, cũng như sự chia sẻ và hợp tác từ phía cộng đồng doanh nghiệp, người dân.
Kinh tế & Đô thị dẫn số liệu từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ KH&ĐT), trong năm 2023, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong năm 2023 đạt 217.706 doanh nghiệp, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2022. Con số này gấp 1,3 lần mức bình quân doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường giai đoạn 2017-2022 (173.919 doanh nghiệp).
Đây cũng là năm thứ hai số doanh nghiệp thành lập gia nhập và tái gia nhập thị trường vượt qua mốc 200.000. Năm 2022, con số này là 208.368 doanh nghiệp.
Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, bức tranh về tình hình đăng ký doanh nghiệp trong năm 2023 tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh toàn cảnh của nền kinh tế Việt Nam năm 2023. Quý I/2023 tuy có sự sụt giảm về số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (33.905 doanh nghiệp, giảm 2% so với cùng kỳ năm 2022) nhưng vẫn gấp 1,02 lần so với mức bình quân theo quý giai đoạn 2017-2022 (33.191 doanh nghiệp).
Trong các quý tiếp theo, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới có đà phục hồi ấn tượng, luôn ở mức trên 40.000 doanh nghiệp, là mức cao nhất theo quý từ trước tới nay. Quý IV/2023 có 42.952 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2022, gấp 1,3 lần so với mức bình quân theo quý giai đoạn 2017-2022.
Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới năm 2023 (159.294 doanh nghiệp, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2022) lần đầu tiên chạm mức kỷ lục, gần 160.000 doanh nghiệp. Con số này thực sự ấn tượng khi gấp 1,2 lần mức bình quân giai đoạn 2017-2022 và tăng 4,6% so với ước thực hiện cả năm 2023. Bên cạnh đó, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm 2023 đạt 58.412 doanh nghiệp, qua đó, góp phần đưa số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường tiếp tục ở mốc trên 200.000 doanh nghiệp (217.706 doanh nghiệp), tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2022 và gấp 1,3 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong năm qua.
Tổng số vốn đăng ký mới của doanh nghiệp gia nhập thị trường có sự cải thiện qua các Quý của năm 2023: 310.331 tỷ đồng trong Quý I; 397.126 tỷ đồng trong Quý II; 379.319 tỷ đồng trong Quý III và Quý IV đã tăng lên mức 434.483 tỷ đồng.
Tuy vậy, năm 2023 tiếp tục ghi nhận số lượng lớn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Trong tháng 12/2023, cả nước có 14.355 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 26,1% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung cả năm, con số này là 172.500 doanh nghiệp, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là con số cao nhất kể từ năm 2017 tới nay.
Theo Người đưa tin
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu