Năm 2024 lĩnh vực hạ tầng giao thông lấy đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ là động lực
(Xây dựng) – Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Bộ Giao thông Vận tải, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, năm 2023 là năm thời cơ thuận lợi đan xen khó khăn thách thức. Trong đó khó khăn thách thức nhiều hơn, nhiều diễn biến phức tạp của tình hình thế giới vượt khỏi tầm kiểm soát và không thể dự báo trước. Điều này đã tác động lớn đến tình hình trong nước, trong đó có ngành Giao thông Vận tải.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo. |
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo của Nhà nước, Bộ Giao thông Vận tải đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần cùng với cả nước ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, thúc đẩy được tăng trưởng, phát triển hạ tầng, góp phần xoá đói giảm nghèo vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Thủ tướng nói và nhắc lại sự kiện đầu năm 2023, lần đầu tiên, Bộ Giao thông Vận tải triển khai khởi công trực tuyến 12 dự án cao tốc từ Bắc đến Nam, đến cuối năm tiếp tục khánh thành 4 dự án ngành Giao thông Vận tải từ sân bay, cầu, đường cao tốc ở hai đầu đất nước. Đường đi đến đâu mở ra không gian phát triển mới đến đó, đường đi đến đâu, người dân thuận lợi đến đó, đường đi đến đâu khu công nghiệp, nông thôn phát triển theo. Từ đó, thủ tướng khẳng định trong thành tích chung của đất nước, có sự đóng góp lớn của ngành Giao thông Vận tải, cũng như các địa phương trong năm 2023.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng đánh giá cao, hoan nghênh, biểu dương những thành tích đã đạt được của ngành Giao thông Vận tải và các địa phương. Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ được giao, năm 2023, Bộ Giao thông Vận tải được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, nặng nề. Nhờ tập thể đoàn kết, thống nhất với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, phân công các lãnh đạo Bộ, các cơ quan, đơn vị đi kiểm tra, giám sát, đôn đốc, vừa phát triển dự án mới vừa khắc phục khuyết điểm sai sót của những dự án cũ, vừa tháo gỡ các khó khăn, trong đó có vướng mắc trong giải phóng mặt bằng.
Lấy ví dụ từ việc tháo gỡ khó khăn trong GPMB khi thực hiện dự án cầu Mỹ Thuận 2 để cuối năm nay đưa vào khánh thành, khai thác, Thủ tướng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải cần bám sát chỉ đạo và tiếp tục phân công lãnh đạo Bộ thường xuyên kiểm tra các dự án để kịp thời nắm bắt khó khăn nhằm tháo gỡ kịp thời để đạt tiến độ, mục tiêu đề ra với tinh thần trách nhiệm cao nhất mà Đảng và Nhà nước giao.
Thủ tướng biểu dương Bộ Giao thông Vận tải Tải đã tích cực, chủ động rà soát, xây dựng hoàn thiện thể chế, trình Chính phủ 13/13 Nghị định đạt 100% kế hoạch theo chương trình công tác của Chính phủ. Quá trình tổ chức thực hiện tốt mới xây dựng được thể chế tốt, những vướng mắc trong thực tiễn cần phải tháo gỡ ngay. Đơn cử như vừa qua Chính phủ đã cùng Bộ Giao thông Vận tải, các cơ quan liên quan tháo gỡ khó khăn về nguồn nguyên vật liệu.
Thủ tướng cũng đánh giá tích cực việc xây dựng, hoàn thành 5 quy hoạch ngành của Bộ Giao thông Vận tải, thời gian tới, khi triển khai trong thực tiễn sẽ có điều chỉnh phù hợp. Khi xây dựng quy hoạch phải có tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội thuận lợi và lợi thế cạnh tranh của đất nước, hoá giải được những mâu thuẫn, tồn tại, thách thức mà ngành Giao thông Vận tải đang vướng.
Song song với đó, quy hoạch cũng cần phải có kết nối, sự bình đẳng giữa các địa phương, vùng miền; không chỉ kết nối vùng miền trong nước mà cần phải kết nối với quốc tế, nhất là các nước trong khu vực. Bộ Giao thông Vận tải đã làm tốt điều này, đồng thời cũng đánh giá thực tiễn, đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển hạ tầng giao thông như: Phân cấp cho địa phương xây dựng đường cao tốc, mở rộng vốn cho các dự án đầu tư PPP. Những đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải rất chủ động, được Chính phủ thông qua, Quốc hội đánh giá cao, đại biểu quốc hội chia sẻ.
Về triển khai chuẩn bị đầu tư các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải, Bộ Giao thông Vận tải đã hoàn thành khối lượng công việc rất lớn, tiến hành khởi công các tuyến đường vành đai Vùng Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các tuyến đường bộ cao tốc kết nối khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.
“Năm nay, Bộ Giao thông Vận tải đã khởi công 26 dự án, cuối năm kết thúc 4 dự án góp phần hoàn thành 20 dự án đưa vào khai thác, sử dụng. Trong quá trình làm đã giữ được tinh thần: Vướng mắc cấp nào, cấp đó phải tháo gỡ, Vướng mắc ở đâu, ở đó phải tháo gỡ, ngay và luôn”, Thủ tướng nói và lấy ví dụ, tháng 4/2023, khi đi kiểm tra cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ, lúc đầu kế hoạch chỉ có 2 làn, sau quyết tâm nâng lên 4 làn nhưng vẫn phải giữ đúng tiến độ.
Đánh giá cao tinh thần bám sát thực tiễn, xử lý ngay và luôn những vướng mắc, kịp thời đúng lúc đúng thời điểm của Bộ Giao thông Vận tải khi đã hoàn thành và đưa vào khánh thành tuyến cao tốc này vào cuối năm 2023.
Bộ Giao thông Vận tải cũng thực hiện tốt vai trò của cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông Vận tải, tích cực, kịp thời tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiều giải pháp chỉ đạo quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các địa phương. Cùng đó, tôn trọng khoa học, lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học để nghiên cứu, xem xét, thực hiện khi triển khai các dự án.
Với một tinh thần làm việc hăng say, xuyên lễ, xuyên Tết, vượt nắng thắng mưa, ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương, chỉ tiến không lùi, ba ca bốn kíp, không ngừng nghỉ ngày đêm sớm tối, xuyên Tết, xuyên ngày nghỉ của toàn ngành Giao thông Vận tải, chỉ trong nửa nhiệm kỳ đầu đã hoàn thành trên 730km đường cao tốc. Thủ tướng đề nghị tinh thần này cần phải chuyển tải đến các địa phương, các công nhân trên công trường.
Từ đó, đề nghị Bộ Giao thông Vận tải cần tăng cường phối hợp với Uỷ ban Quản lý vốn với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước và ACV, với tinh thần vượt nắng thắng mưa… cố gắng bù lại tiến độ cách đây 4 -5 năm chưa thực hiện được.
Thủ tướng cũng biểu dương ACV đã khắc phục nhanh những khó khăn ban đầu khi triển khai dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đến tháng 8/2023 đã chọn được nhà thầu. Cục Đường sắt trong năm 2023 có những khởi sắc khi vừa tổ chức lại hoạt động, thay đổi nhân sự vừa tăng cường ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số.
Bên cạnh những thành tựu vẫn còn những vấn đề hạn chế, cần giải quyết nhanh, đồng bộ, Thủ tướng nhấn mạnh không nên say sưa với thắng lợi, không lơ là chủ quan, luôn nỗ lực cố gắng hơn nữa để khắc phục những tồn tại.
Trong năm 2024, Thủ tướng cơ bản đồng tình với báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu một số vấn đề trọng tâm. Trong đó, lãnh đạo Chính phủ lưu ý cần lấy đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ là động lực, nguồn lực dẫn dắt trong xây dựng khảo sát thiết kế, giám sát, tổ chức thi công các công trình trọng điểm. Từ đó, góp phần đảm bảo tiến độ, chất lượng và chống tiêu cực tham nhũng để phát triển nhanh và bền vững các công trình, dự án giao thông.
Thủ tướng cũng yêu cầu nắm chắc tình hình, xử lý kịp thời các vấn đề vướng mắc. Vướng cấp nào, cấp đó phải tháo gỡ, khó khăn ở đâu ở đó phải giải quyết. Cùng đó là nhiệm vụ xây dựng cơ chế chính sách phù hợp, phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh của từng vùng miền, lĩnh vực. Đẩy mạnh xây dựng hoàn thiện thể chế nhất là những vướng mắc, bám sát với thực tiễn.
Giữ vững kỷ cương, phân cấp phân quyền, phân bổ nguồn lực, tăng cường giám sát thường xuyên, giảm tất cả thủ tục hành chính phiền hà, sách nhiễu gây tốn kém chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Phải hài hoà lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp Nhà nước và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người dân, doanh nghiệp. Sau khi di dời người dân để thực hiện các công trình, cần phải quan tâm đảm bảo quyền lợi việc làm, nơi ăn ở cho người dân để làm sao hài hoà nhất.
Ngoài ra, cần chú ý một số dự án như ưu tiên nguồn lực cho dự án trọng điểm Cảng hàng không quốc tế Long Thành, tập trung kiểm soát tiến độ, nâng cao chất lượng, chống tiêu cực lãng phí. Đánh giá việc triển khai các dự án PPP giao thông còn chưa được như kỳ vọng, Thủ tướng cho biết, nếu năm 2023, lần đầu tiên ngành Giao thông Vận tải khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần dự án cao tốc Bắc – Nam trực tuyến tại 12 điểm cầu thì ngay ngày đầu năm mới 2024 (ngày 1/1/2024), một dự án PPP mới là cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh triển khai theo hình thức PPP sẽ được khởi công, tiếp đó sẽ là các dự án cao tốc Gia nghĩa – Chơn Thành; dự án Ninh Bình – Thái Bình – Nam Định – Hải Phòng. Đây là ba dự án rất quan trọng, ba vùng kinh tế khác nhau trong đó có một vùng kinh tế khó khăn, hai vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng dông Hồng khu vực Hà Nội và Đông Nam Bộ nối với Tây Nguyên.
Thủ tướng đề nghị các đơn vị tư vấn nâng cao năng lực để trưởng thành hơn nữa. Các nhà thầu tôn trọng pháp luật, không lợi dụng trục lợi chính sách, chia nhỏ dự án, đặt lợi ích nhân dân, dân tộc lên trên hết, đảm bảo minh bạch, công khai.
Với khí thế mới và truyền thống hào hùng, Thủ tướng tin tưởng ngành Giao thông Vận tải nói chung và Bộ Giao thông Vận tải nói riêng, đã làm tốt rồi thì làm tốt hơn nữa, đã quyết tâm rồi quyết tâm cao hơn, nỗ lực rồi thì nỗ lực cao hơn, để đạt kết quả năm 2024 cao hơn năm 2023.
Nguồn: Báo xây dựng