Năm 2024, giá cà phê nhân của Việt Nam có thể đạt mức cao nhất thế giới
Theo dữ liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê trong nửa đầu tháng 12/2023 tiếp tục tăng mạnh, đạt 95.482 tấn, tăng 158,3% so với cùng kỳ.
Con số này cũng tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Nửa đầu tháng 12, kim ngạch xuất khẩu cà phê đạt 270,58 triệu USD, tăng 132,5% so với nửa đầu tháng 11/2023 và tăng 44,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Lũy kế 11,5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cà phê đạt hơn 1,51 triệu tấn, giảm 9,4% so với cùng kỳ năm 2022. Kim ngạch đạt hơn 3,91 tỷ USD, tăng 2,5%.
Giá cà phê xuất khẩu bình quân trong nửa đầu tháng 12/2023 đạt 2.834 USD/tấn, giảm 5,2% so với mức bình quân cả tháng 11/2023. Lũy kế 11,5 tháng năm 2023, đạt 2.590 USD/tấn, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Trên thị trường hàng hoá phái sinh, giá xuất khẩu cà phê tiếp tục neo ở mức cao. Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), khép lại phiên giao dịch 21/12, giá cà phê hồi lại với mức tăng lần lượt 1,57% với Arabica và 3,28% với Robusta. Lo ngại thiếu hụt nguồn cung trong bối cảnh tồn kho ở mức thấp và nông dân Brazil có xu hướng hạn chế bán cà phê đã hỗ trợ giá tăng trở lại.
Trong báo cáo về thị trường cà phê toàn cầu niên vụ 2023/24 mới nhất, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ước tính tồn kho cà phê thế giới niên vụ hiện tại chỉ ở mức 26,5 triệu bao loại 60kg, giảm về mức thấp nhất trong 12 năm. Đồng thời, tồn kho Robusta trên Sở ICE-EU kết phiên 20/12 chỉ còn 33.910 tấn, giảm dần về mức thấp lịch sử 33.660 tấn vào cuối tháng 8.
Hơn nữa, chỉ số Dollar Index giảm 0,55% trong phiên hôm qua đã kéo theo tỷ giá USD/BRL mất đi 0,65%. Chênh lệch tỷ giá đi xuống làm hạn chế nhu cầu bán cà phê của nông dân Brazil.
Ở thị trường Việt Nam, các địa phương đang thu mua cà phê với giá khoảng 68.900-69.800 đồng/kg. Trong đó, tỉnh Lâm Đồng có mức giá thấp nhất 68.900 đồng/kg, kế đó là tỉnh Gia Lai giá 69.600 đồng/kg, cùng tăng 1.600 đồng/kg. Đáng nói, Việt Nam hiện là nguồn cung cà phê Robusta duy nhất trên thế giới nên các nhà thu mua quốc tế đang đổ dồn về Việt Nam để thu mua.
Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – ca cao Việt Nam (Vicofa) cho biết, chưa bao giờ trong lịch sử xuất khẩu hơn 30 năm qua của Việt Nam và trong chính vụ thu hoạch, giá cà phê lại cao đến như vậy. Theo ông Hải, giá cà phê tăng cao xuất phát từ việc xuất khẩu cà phê nhân toàn cầu sụt giảm. Nguyên nhân do kinh tế toàn cầu gặp khó ảnh hưởng đến chi tiêu của người tiêu dùng. Xuất khẩu cà phê Việt Nam trong năm 2023 cũng giảm khá nhiều về lượng, với mức giảm dự kiến cả năm là 15%. Đặc biệt, do ảnh hưởng về hạn hán, sản lượng cũng giảm so với mọi năm, đẩy giá cà phê nhân tăng cao, lên tới 70.000 đồng/kg.
“Nếu năm 2023, đến tháng 6, gần như không còn cà phê trong dân để các doanh nghiệp có thể thu mua, sang năm 2024, chỉ đến tháng 5, thậm chí tháng 4 là đã có thể hết hàng. Từ nay đến tháng 4/2024, châu Âu gần như chỉ có thể trông vào Việt Nam để mua cà phê Rubusta. Nhiều khả năng giá cà phê ở Việt Nam sẽ tiếp tục tăng và có thể sẽ ở mức cao nhất thế giới trong năm 2024”, ông Hải dự báo.
Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Intimex, cho biết trước vụ thu hoạch 2023-2024, nhiều DN cho rằng giá cà phê sẽ xuống nhưng đến thời điểm hiện tại có thể nhận định cà phê Robusta khó xuống dưới 60.000 đồng/kg. Lý do là châu Âu, thị trường nhập khẩu cà phê số 1 thế giới rất cần cà phê Việt Nam.
“Từ nay đến ít nhất tháng 4-2024, họ chỉ còn trông đợi vào cà phê Việt Nam trong khi các nguồn cung khác không đáng kể. Năm 2024, cà phê nhân Robusta của Việt Nam có thể đạt mức cao nhất trên thế giới” – ông Nam dự báo.
Cũng theo ông Nam, trước đây, cà phê Việt Nam có thể được trữ để bán quanh năm nhưng vụ vừa qua chỉ đến tháng 6 đã hết hàng, trừ hàng tồn kho nhưng năm 2024 có thể việc hết hàng sẽ đến từ tháng 4. Do đó, các DN hiện nay rất hạn chế ký các hợp đồng giao hàng xa vì lo ngại rủi ro thị trường lên giá, không thể mua hàng để giao.
Ông Thái Như Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Cacao Việt Nam (Vicofa), dự báo xuất khẩu cà phê niên vụ 2023-2024 có thể đạt 4,5-5 tỉ USD, vượt kỷ lục 4 tỉ USD vừa lập ở niên vụ trước nhờ giá xuất khẩu tăng. Dự báo niên vụ này, giá cà phê xuất khẩu bình quân ở mức 2.500 USD/tấn, tăng 200 USD/tấn so với niên vụ trước nên dù sản lượng sụt giảm khoảng 20%, giá trị xuất khẩu vẫn tăng.
“Sau thời gian diện tích cà phê bị chuyển đổi sang các loại cây ăn trái, hiện nay diện tích đã bắt đầu ổn định khi nông dân nhận thấy sự bền vững của loại cây này. Nhất là khi ngành nông nghiệp có văn bản khuyến cáo về việc chỉ có sầu riêng trồng thuần mới được cấp mã số vùng trồng để xuất sang Trung Quốc, nếu trồng xen canh sẽ không được cấp mã số nên hạn chế được tình trạng xen canh sầu riêng với cà phê” – ông Hiệp dẫn chứng.
Theo Thương Hiệu Và Sản Phẩm
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu