Năm 2023, thị trường bất động sản sẽ tiếp tục khan hiếm nguồn cung ở nhiều phân khúc

(TN&MT) – Năm 2022, thị trường bất động sản (BĐS) nhà ở tại TP.HCM và vùng phụ cận ghi nhận nhiều biến động về nguồn cung lẫn lượng tiêu thụ ở hầu hết các phân khúc. Bước sang năm 2023, dự báo thị trường sẽ có những hồi phục nhất định kể từ quý 3, tuy nhiên nguồn cung vẫn tiếp tục khan hiếm ở nhiều phân khúc.

nguon-cung.jpg
Nguồn cung mới nhiều phân khúc BĐS tiếp tục khan hiếm trong năm 2023

Theo Báo cáo thị trường BĐS Nhà ở TP.HCM và vùng phụ cận năm 2022 của DKRA Group, phân khúc đất nền trong năm 2022 đón nhận 45 dự án với nguồn cung khoảng 6.806 sản phẩm, tăng 9% so với năm 2021. Thị trường đất nền vùng phụ cận tiếp tục giữ vị thế chủ lực, tập trung chủ yếu ở Long An và Bình Dương khi chiếm 74,5% nguồn cung toàn thị trường. Mặt bằng giá sơ cấp không có nhiều biến động và duy trì xu hướng đi ngang trong năm. Tuy nhiên, thị trường thứ cấp ghi nhận thanh khoản giảm mạnh vào nửa cuối năm 2022, mặt bằng giá bán giảm trung bình 12% – 20% so với năm 2021.

Cũng theo DKRA Group, ở phân khúc căn hộ, ghi nhận 72 dự án mở bán (khoảng 26.681 căn) trong năm qua, tăng 22% so với năm 2021. Nguồn cung mở bán phân bổ chủ yếu tại TP.HCM (tập trung tại khu Đông) và tỉnh Bình Dương (dọc theo trục đường Quốc lộ 13 của TP. Thuận An và TP. Dĩ An). Phân khúc hạng A và hạng B là hai phân khúc chủ đạo dẫn dắt thị trường, lần lượt chiếm 48.4% và 29.8% nguồn cung mới. Giá bán sơ cấp ghi nhận tăng nhẹ 2% – 4% so với cuối năm 2021 trước áp lực chi phí đầu vào. Trong khi đó, giá bán thứ cấp giảm từ 3% – 8% với thanh khoản giảm mạnh từ đầu quý 3/2022.

Đối với nguồn cung mới nhà phố, biệt thự tại khu vực TP.HCM và vùng phụ cận, năm 2022 ghi nhận sụt giảm mạnh so với năm 2021. Trong năm 2022, thị trường đón nhận 7.017 căn nhà phố, biệt thự đến từ 55 dự án, giảm 29% so với năm trước. Nguồn cung mới tập trung chủ yếu tại tỉnh Đồng Nai và TP.HCM. Sức cầu thị trường sụt giảm, tỷ lệ tiêu thụ chỉ đạt 59% tương đương 4.147 căn, giảm 42% so với năm 2021. Mặt bằng giá bán sơ cấp có nhiều biến động trong năm, giá bán đảo chiều giảm ở nửa cuối năm 2022. Ở thị trường thứ cấp, mức giá giảm phổ biến từ 10% – 18% so với cùng kỳ năm 2021.

Riêng loại hình BĐS nghỉ dưỡng ghi nhận nguồn cung trong năm 2022 có sự hồi phục so với cùng kỳ năm 2021. Sức cầu thị trường ở mức cao, tuy nhiên chỉ tập trung cục bộ tại một số dự án trong 2 quý đầu năm 2022 và có dấu hiệu sụt giảm trong giai đoạn cuối năm. Đối với phân khúc nhà phố, biệt thự, nguồn cung mới và sức cầu trong năm 2023 tiếp tục giảm so với năm 2022, dự kiến khoảng 5.500 căn. Đồng Nai tiếp tục dẫn đầu nguồn cung với khoảng 1.700 căn, theo sau là Long An khoảng 1.400 căn, Bình Dương khoảng 1.200 căn và TP.HCM dao động khoảng 700 căn, chủ yếu tập trung ở khu Đông.

Theo dự báo của DKRA Group, nguồn cung mới và sức cầu của phân khúc đất nền trong năm 2023 sẽ giảm nhẹ so với năm 2022 do các địa phương mạnh tay trong việc siết chặt quản lý phân lô bán nền trái phép. Nguồn cung mới dao động khoảng 6.200 nền, tập trung chủ yếu tại Long An và Bình Dương. Mặt bằng giá đất nền duy trì mức ổn định, khó tăng giá đột biến trong 2023.

Ở phân khúc căn hộ, nguồn cung mới dự báo giảm mạnh, bằng khoảng 75% so với năm 2022 (20.000 căn), tập trung chủ yếu tại TP.HCM khoảng 12.000 căn và Bình Dương khoảng 7.000 căn. Sức cầu chung tiếp tục duy trì đà giảm từ giữa năm 2022 và dự báo sẽ có những khởi sắc nhất định vào cuối quý 4/2023 khi những vướng mắc về pháp lý, tín dụng vào BĐS được tháo gỡ. Phân khúc căn hộ hạng A duy trì vị thế chủ đạo, căn hộ hạng C và nhà ở xã hội sẽ gia tăng đáng kể trong năm 2023. Mặt bằng giá bán sơ cấp khó có sự tăng giá đột biến trong năm 2023, trong khi giá bán thứ cấp tiếp tục đà giảm.

Bạn cũng có thể thích