Năm 2023, Philippines vẫn là thị trường lớn nhất của gạo Việt
3 thị trường mua gạo nhiều nhất của Việt Nam
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 12/2023 đạt 492.387 tấn gạo, thu về hơn 338 triệu USD, giảm 18% về lượng và giảm 15% về giá so với tháng 11.
Lũy kế cả năm 2023, xuất khẩu gạo thu về gần 4,68 tỷ USD với gần 8,13 triệu tấn, tăng 14,4% về lượng và tăng mạnh 35% về trị giá so với cả năm 2022. Đây là con số cao kỷ lục trong hơn 30 năm Việt Nam tham gia xuất khẩu gạo.
Giá xuất khẩu bình quân cả năm đạt 575 USD/tấn, tăng 18% so với năm 2022. Tháng 12 là tháng có giá xuất khẩu cao nhất từ trước đến nay, so với đầu năm 2023, giá xuất khẩu đã tăng đến 32%.
Về thị trường, Philippines vẫn là thị trường lớn nhất của gạo Việt với hơn 3,1 triệu tấn trong năm 2023, thu về hơn 1,7 tỷ USD, giảm 2,46% về lượng nhưng tăng 18% về trị giá so với năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân đạt 559 USD/tấn, giảm 2,5% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, Indonesia đã vượt Trung Quốc trở thành khách hàng lớn thứ 2 của gạo Việt. Trong năm 2023, xuất khẩu gạo sang thị trường này thu về hơn 640 triệu USD với hơn 1,17 triệu tấn, tăng mạnh 878% về lượng và tăng 992% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Đối với Trung Quốc, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này 917.255 tấn và thu về hơn 530 triệu USD, tăng 8% về lượng và tăng 23% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Năm 2022, Trung Quốc là khách hàng lớn thứ 2 của gạo Việt Nam với tỷ trọng 12% cả về lượng lẫn kim ngạch.
Giá gạo vẫn tiếp tục giữ ở mức cao trong năm 2024
Nhận định về tình hình giá gạo Việt Nam trong năm 2023, ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An khẳng định, giá gạo Việt Nam cao hơn Thái Lan không phải ăn may mà có sự đầu tư thật sự. Việt Nam có lợi thế hơn hẳn so với Thái Lan về bộ giống lúa ngắn ngày, chất lượng cao. Trên cơ sở đó, ông Bình cho rằng năm 2024 có thể sẽ tốt hơn năm 2023 nếu Việt Nam tận dụng được cơ hội thị trường, do nhu cầu tiêu thụ vẫn lớn.
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Vĩnh Trọng, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng cũng dự báo giá lúa gạo trong năm 2024 và trong tương lai vẫn giữ ở mức cao, Việt Nam nên tận dụng cơ hội sản xuất, xuất khẩu để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người nông dân. Bởi những năm trước giá gạo xuất khẩu luôn ở mức thấp, mức giá hiện tại mới phù hợp với công sức của nông dân.
“Các ban ngành, tổ chức, nông dân và doanh nghiệp có sự gắn kết hơn trong tương lai để giữ vững giá trị của hạt gạo Việt Nam góp phần phát triển đất nước” – ông Trọng bày tỏ.
Thông tin từ thị trường Philippines, ông Phùng Văn Thành, Tham tán thương mại Việt Nam tại Philippines cho biết, nhu cầu nhập khẩu gạo của Philippines lên tới 3,5- 4 triệu tấn/năm và Việt Nam là đối tác số 1 về gạo của nước này.
Ông Thành chỉ ra một số lợi thế của gạo Việt Nam tại thị trường Philippines như phẩm chất phù hợp người dân nước này, từ người nghèo đến người có thu nhập cao và giá cạnh tranh. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã có mối quan hệ lâu năm, tạo dựng được uy tín với đối tác nhập khẩu tại đây và còn gần về vị trí địa lý với Philippines.
Theo ông Thành, dư địa thị trường Philippines còn lớn để Việt Nam có thể khai thác tiếp. Do đó, bên cạnh việc mở rộng thị trường mới, các nhà xuất khẩu Việt Nam cần giữ thị trường Philippines.
Bên cạnh đó, cần quan tâm tới việc xây dựng thương hiệu. ông Thành bày tỏ sự trăn trở đối với việc mặc dù là nguồn cung gạo số 1 cho Philippines, nhưng rất nhiều người dân Philippines dù ăn gạo Việt Nam nhưng lại không hề biết.
GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp cho rằng, cần tổ chức lại chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo của Việt Nam để tham gia vào mục tiêu 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Các tỉnh có thể khuyến khích doanh nghiệp ký hợp đồng trước để triển khai sản xuất với nông dân. Việc sản xuất theo quy trình sẽ giúp hạ giá thành nhưng chất lượng cao. Khi đó, sản phẩm gạo sẽ có thương hiệu và có thể truy xuất nguồn gốc dễ dàng.
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng: “Khả năng với bối cảnh thế giới như bây giờ thì năm 2024 nhu cầu của thế giới còn gia tăng và dư địa để mình tiếp tục gia tăng xuất khẩu, dư địa để chúng ta gia tăng nguồn cung vẫn còn. Khả năng lúa gạo năm 2024 theo bức tranh đó”.
Bà Trần Thanh Bình, Trưởng phòng xuất nhập khẩu, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương phân tích, thị trường Ấn Độ lệnh cấm xuất khẩu dự báo vẫn còn, nếu sản lượng dồi dào thì nước này mới có thể dừng lệnh cấm. Trong khi đó, sản lượng gạo của Ấn Độ đang giảm so với 2022, chỉ đáp ứng nhu cầu nội địa. Theo đó, doanh nghiệp Việt cần nhận định các nguồn thông tin từ đối tác nhập khẩu để đưa ra “thời điểm vàng” ký hợp đồng.
“Bốn đối tác mà nhập khẩu truyền thống của Việt Nam cũng như của Thái Lan thì cũng đang có kế hoạch, nhu cầu để đáp ứng nguồn thiếu hụt ở trong nước, Indonesia thì vẫn tăng cường nhập khẩu gạo còn Philippines hiện nay đang xem xét để dỡ bỏ giá trần gạo nội địa. Như vậy thì chúng ta cũng thấy các đối tác nhập khẩu hiện nay vẫn còn nhu cầu nhập khẩu. Do vậy với vụ Đông Xuân năm 2024 sắp tới thì các doanh nghiệp cần chủ động, theo dõi sát kế hoạch, nhu cầu của các thị trường, đối tác nhập khẩu lớn”, bà Trần Thanh Bình nhận định.
Theo Thương Hiệu Và Sản Phẩm
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu