Năm 2023, nhiều tín hiệu cho thấy giá thép sẽ phục hồi
Với sự phục hồi của giá sắt thép trên thế giới trong khoảng 1 tháng trở lại đây, giá thép xây dựng trong nước cũng đang ghi nhận những biến động đáng chú ý sau gần 2 tháng đi ngang. Theo đó, đến đầu tháng 12, các doanh nghiệp thép trong nước đã có động thái điều chỉnh giá bán với mặt hàng thép xây dựng, song các đợt tăng/giảm không đồng nhất.
Đáng chú ý, thương hiệu thép Hòa Phát đã tăng giá mạnh sản phẩm thép cuộn CB240 lên mức 14,74 triệu đồng/tấn và thép thanh vằn D10 CB300 lên mức 15,02 triệu đồng/tấn kể từ cuối tuần qua sau khi liên tục giữ giá. Tuy nhiên, một số thương hiệu khác như thép Việt Ý hay thép Pomina lại ghi nhận mức giá có sự điều chỉnh giảm nhẹ.
Với thép Việt Ý, mặt hàng thép CB240 và D10 CB300 lần lượt giảm 50.000 đồng/tấn và 50.000 đồng/tấn trong ngày 28/12, xuống còn 14,7 triệu đồng/tấn và 15 triệu đồng/tấn. Còn thép Pomina, hai loại thép trên cũng giảm 60.000 đồng/tấn và 260.000 đồng/tấn xuống cùng mức giá 16,06 triệu đồng/tấn.
Hiện giá thép xây dựng nội địa đang dao động trong khoảng 14,7-16 triệu đồng/tấn, tùy loại thép và thương hiệu.
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), thị trường thép trong nước đang chờ đợi những tín hiệu tích cực trong giai đoạn đầu năm 2023. Bởi theo thông lệ, đây sẽ là giai đoạn nhu cầu thép tăng lên khi các công trình xây dựng và hàng loạt các dự án gấp rút đẩy mạnh tiến độ.
Trong khi đó, Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) cho rằng, nhu cầu thép năm tới có thể tăng mạnh hay không vẫn còn phụ thuộc nhiều yếu tố, nhất là khi tồn kho thép của các doanh nghiệp trong nước vẫn còn cao.
Tuy nhiên, với hy vọng về việc Trung Quốc mở cửa trở lại, và sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong nước tiếp cận các thị trường mới trên thế giới, ngành thép sẽ có nhiều cơ hội phục hồi trong thời gian tưới.
Sang năm 2023, Chính phủ đẩy mạnh đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng theo mục tiêu đảm bảo tăng trưởng kinh tế có thể hỗ trợ nhu cầu thép trong nước đặc biệt là thép xây dựng./.