Năm 2023, nhiều lĩnh vực công tác tư pháp đạt kết quả nổi bật

Một số lĩnh vực công tác đạt kết quả nổi bật

Cùng dự Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà; Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị; Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng; Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan; Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng; lãnh đạo Thành ủy, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh dự Hội nghị tại 63 điểm cầu.

Dự Hội nghị tại điểm cầu thành phố Hà Nội có Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn; Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Phạm Quí Tiên; lãnh đạo, công chức ngành Tư pháp.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã xem video clip báo cáo công tác năm 2023. Theo đó, tiếp nối những kết quả đạt được của những năm đầu nhiệm kỳ, kết quả công tác năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực của Bộ, ngành Tư pháp đều tăng so với năm 2022, trong đó một số lĩnh vực công tác đạt kết quả nổi bật.

Công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật luôn được Bộ, ngành Tư pháp coi trọng, xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, ưu tiên nguồn lực để tham mưu, thể chế hoá những quan điểm, đường lối của Đảng, góp phần khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp.

Công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) được thực hiện kịp thời với khối lượng công việc lớn, góp phần đảm bảo tính thống nhất, công khai, minh bạch, khả thi của hệ thống pháp luật; việc tham gia ý kiến pháp lý cùng với Chính phủ, chính quyền các cấp trong phát triển kinh tế – xã hội ngày càng được đánh giá cao; công tác truyền thông, phổ biến về chính sách, pháp luật, hòa giải ở cơ sở được tổ chức thực hiện hiệu quả.

Năm 2023, nhiều lĩnh vực công tác tư pháp đạt kết quả nổi bật
Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2024.

Năm 2023, Bộ Tư pháp, tổ chức pháp chế Bộ, ngành đã phối hợp tham mưu Chính phủ tiếp tục dành nhiều thời gian để thảo luận, bàn về công tác pháp luật tại các phiên họp Chính phủ thường kỳ và 10 Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật. Đặc biệt, đã tham mưu Chính phủ ban hành và tổ chức triển khai Nghị quyết số 126 về một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ.

Trong năm, Bộ Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành tham mưu Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua 16 dự án luật, 5 Nghị quyết; đã xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền hơn 500 văn bản quy phạm pháp luật…

Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử được xây dựng, vận hành hiệu quả, duy trì kết nối, chia sẻ thông suốt với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Công tác Thi hành án dân sự đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay. Thể chế trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp tiếp tục được hoàn thiện đáp ứng yêu cầu phòng chống tham nhũng, tiêu cực và quản lý nhà nước.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức chưa có tiền lệ tác động đến hầu hết các lĩnh vực, Bộ Tư pháp, tổ chức pháp chế và các cơ quan tư pháp đã xây dựng, ban hành nhiều Chương trình, Kế hoạch để cụ thể hóa các nhiệm vụ được giao, nhất là việc tham mưu Chính phủ trình cấp có thẩm quyền ban hành, hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản để thực hiện chiến lược phòng chống dịch Covid-19, các giải pháp để thích ứng an toàn, linh hoạt, vừa phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Kết quả công tác Thi hành án dân sự năm sau cao hơn năm trước. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã thi hành xong trên 211 nghìn tỷ đồng, trong đó gần 40.5 nghìn tỷ là kết quả thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế. Đặc biệt, năm 2023 đạt mức cao nhất từ trước đến nay, nhất là thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.

Quan hệ hợp tác pháp luật và tư pháp giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và các nước không ngừng được mở rộng và hợp tác đi vào chiều sâu. Bộ Tư pháp đã ký kết được hơn 60 thỏa thuận hợp tác với các cơ quan pháp luật và tư pháp của các quốc gia trên thế giới cũng như các tổ chức quốc tế đã phương toàn cầu và khu vực. Qua đó, nâng cao hình ảnh, vị thế của Bộ, ngành Tư pháp trên trường quốc tế, góp phần hiện thực hóa chủ trương đối ngoại của Đảng…

Những kết quả nêu trên tiếp tục đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội của đất nước và của từng địa phương.

Tập trung 9 nhiệm vụ trọng tâm

Để công tác tư pháp đạt hiệu quả cao, trong năm 2024, toàn ngành Tư pháp sẽ tập trung 9 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, kịp thời quán triệt, tham mưu thể chế hóa kịp thời, đầy đủ và triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến các lĩnh vực công tác của Bộ, ngành Tư pháp, nhất là tiếp tục tham mưu và tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 27-NQ/TW.

Thực hiện nghiêm Quy định số 132-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

Năm 2023, nhiều lĩnh vực công tác tư pháp đạt kết quả nổi bật
Các đại biểu dự hội nghị.

Tập trung thực hiện kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ của ngành Tư pháp theo Đề án số 06 của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch Chuyển đổi số ngành Tư pháp giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030; đầu tư xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu và phần mềm ứng dụng của ngành Tư pháp.

Tích cực, chủ động tham mưu cho Chính phủ trong giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế và thực hiện tốt công tác hợp tác quốc tế về xây dựng pháp luật; thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương, đa phương trong đó chú trọng hiệu quả hợp tác với các đối tác láng giềng, truyền thống và hữu nghị; thực hiện tốt quản lý nhà nước về hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp, nhất là các hoạt động hợp tác trong xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế…

Hoàn thiện thể chế để tạo động lực phát triển đất nước

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đánh giá năm 2023, trong nước và thế giới có nhiều khó khăn, biến động, tuy nhiên đất nước ta đã vượt qua các trở ngại, đạt được kết quả đáng khích lệ, trong đó có sự đóng góp đáng kể của ngành Tư pháp. Tuy các công việc của Bộ, ngành Tư pháp khó, nhiều động chạm, yêu cầu cao về tính tức thời, tuy nhiên Bộ, ngành Tư pháp đã cố gắng đạt được những kết quả tích cực.

Năm 2023, nhiều lĩnh vực công tác tư pháp đạt kết quả nổi bật
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu thành phố Hà Nội.

Nhận định năm 2024 có rất nhiều khó khăn, Phó Thủ tướng đề nghị ngành Tư pháp tiếp tục tập trung làm tốt công tác hoàn thiện thể chế bởi nếu làm tốt công tác này sẽ là động lực của sự phát triển, nếu làm không tốt thì sẽ tạo ra rào cản.

Trong điều kiện thời gian còn lại khá hạn hẹp, năm 2024 là năm gần kết thúc nhiệm kỳ, Phó Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại trong công tác của Bộ, ngành Tư pháp như: còn nợ nhiều văn bản quy định chi tiết, chế độ dành cho cán bộ làm công tác tư pháp, pháp luật còn hạn chế…

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Việt Nam là nước xuất khẩu lương thực có thứ hạng cao trên thế giới, vị thế của đất nước đang đi lên, do đó đòi hỏi thể chế cần tiếp tục hoàn thiện, điều này tạo áp lực cho ngành Tư pháp trong việc xây dựng khuôn khổ pháp luật phù hợp với pháp luật quốc tế.

Song, đây không chỉ là công việc của riêng Bộ Tư pháp mà còn là trách nhiệm chung của tất cả các bộ, ngành, cơ quan trong hệ thống chính trị nhưng vai trò của Bộ Tư pháp là lớn nhất, chịu trách nhiệm tổng hợp, rà soát văn bản chưa hoàn chỉnh”.

Phó Thủ tướng đề nghị ngành Tư pháp phải cố gắng hơn để tìm ra giải pháp tốt nhất thực hiện, tháo gỡ vướng mắc lớn nhất hiện nay là thể chế. Trong đó lưu ý xây dựng thể chế phải kịp thời, có chất lượng để hạn chế tình trạng sửa luật; nghiên cứu đề xuất sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Nghị định 34/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Nghị định 154/2020/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều Nghị định 34/2016/NĐ-CP; sửa đổi, tính toán lại Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và năm 2025.

“Là cơ quan thẩm định các dự thảo, dự án Luật trình Chính phủ, Bộ Tư pháp làm công việc này phải kịp thời, chính xác. Chưa bao giờ khái niệm đúng pháp luật được đặt lên thường xuyên, nghiêm khắc đến như vậy”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Cùng với đó, phải nâng cao chất lượng công tác thi hành pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống; tăng cường giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức, dễ nghe, dễ hiểu, dễ thấm; làm tốt công tác phối hợp với các Bộ, ngành, Ủy ban của Quốc hội, các địa phương. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số…

Phương Thảo

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích