Năm 2023 đột phá trong lĩnh vực hạ tầng giao thông
(Xây dựng) – Sáng 28/12, Bộ Giao thông Vận tải tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Đến dự và chỉ đạo hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đại diện các Ban, ngành của Quốc hội, Bộ chuyên ngành và các địa phương.
Đến dự và chỉ đạo hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đại diện các Ban, ngành của Quốc hội, Bộ chuyên ngành và các địa phương. |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, năm bản lề, đóng vai trò quan trọng đối với việc hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm giai đoạn 2021 – 2025, trong bối cảnh đất nước ta còn nhiều khó khăn, thách thức. Năm 2023, khối lượng công việc của Bộ Giao thông Vận tải được giao đặc biệt lớn với nhiều nhiệm vụ chính trị quan trọng, cấp bách, phức tạp. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự ủng hộ tháo gỡ của Quốc hội, sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đã từng bước vượt qua khó khăn, đề ra giải pháp đạt được nhiều kết quả ấn tượng.
Trong đó, lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng có 26 dự án được khởi công, 20 dự án được hoàn thành. 9 dự án thành phần đường bộ cao tốc đã được đưa vào khai thác với chiều dài 475km, nâng tổng số km đường bộ cao tốc đưa vào khai thác trên cả nước lên 1.892km.
Quyết liệt trong chỉ đạo với cách làm đổi mới, sáng tạo, năm qua, dù được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn đầu tư công giải ngân đến hơn 94.000 tỷ đồng, lớn nhất từ trước tới nay (gấp 1,7 lần năm 2022 và gấp 2,2 lần năm 2021). Song, tính đến hết tháng 12/2023, khối lượng giải ngân của Bộ đạt khoảng 90% kế hoạch. Dự kiến đến hết niên độ kế hoạch sẽ giải ngân đạt trên 95%.
Năm 2023, hoạt động vận tải tiếp tục ghi nhận sự tăng trường so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tính trong 11 tháng năm 2023, vận tải hàng hóa ước đạt hơn 2.000 triệu tấn, tăng gần 13%; Luân chuyển hàng hóa ước đạt 442 tỷ tấn, tăng hơn 10,5%. Vận chuyển hành khách ước đạt hơn 4.200 triệu lượt khách, tăng 11,5%. Luân chuyển hành khách 11 tháng ước đạt 222 tỷ HK tăng xấp xỉ 24% so với cùng kỳ năm 2022.
Công tác bảo đảm trật tự ATGT tiếp tục được triển khai quyết liệt, đồng bộ, kịp thời khắc phục, xử lý 34 điểm đen, 49 điểm tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Riêng lĩnh vực hàng không, Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam cung cấp các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay an toàn cho gần 753.000 lần chuyến bay, bằng gần 114% so với kế hoạch năm 2023 và bằng hơn 139% so với thực hiện năm 2022.
Đối với công tác xây dựng Chính phủ số, chuyển đổi số, năm 2023, Bộ Giao thông Vận tải đã hoàn thành 6/6 chỉ tiêu và 23 nhiệm vụ (đạt tỷ lệ 92%) Chính phủ giao; Hoàn thành 4/4 nhiệm vụ trọng tâm được giao tại Đề án 06, gồm: chia sẻ dữ liệu giấy phép lái xe, chia sẻ dữ liệu đăng kiểm phương tiện; Đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến đổi Giấy phép lái xe; Kết nối hệ thống giải quyết thủ tục hành chính Bộ Giao thông Vận tải với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; xây dựng kho số hoá kết quả thủ tục hành chính.
Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, Cổng dịch vụ công Bộ Giao thông Vận tải được xếp hạng A trong khối các Bộ, ngành. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, công tác phân cấp cũng được Bộ Giao thông Vận tải thực hiện triệt để trên tất cả các lĩnh vực.
Riêng với các dự án đường bộ cao tốc, tính đến nay, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, tham mưu Thủ tướng Chính phủ thực hiện phân cấp địa phương là cơ quan có thẩm quyền, cơ quan chủ quản thực hiện khoảng 25 dự án, gồm: 9 dự án đầu tư công và 16 dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Kết thúc năm 2023, với tinh thần không né tránh, không sợ trách nhiệm, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền nhiều giải pháp để giải quyết các bất cập tồn đọng từ các năm trước như: gỡ khó cho các dự án BOT, xử lý tồn tại của SBIC…
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh phát biểu tại hội nghị |
Thay mặt Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Bùi Hồng Minh cũng đã chúc mừng ngành Giao thông Vận tải, Bộ Giao thông Vận tải đã vượt qua khó khăn thách thức để hoàn thành các dự án giao thông đường bộ, nhiều công trình hiện đại, công nghệ cao, các công trình đường sắt được cải tạo, nâng cao chất lượng và trình độ quản lý, hệ thống các cụm cảng hàng không được nâng cấp, đường thủy, đường bộ đã kết nối để hình thành trung tâm logicstic.
Bộ Xây dựng luôn quan tâm hỗ trợ Bộ Giao thông Vận tải trong lĩnh vực chuyên ngành, Bộ đã nhiều lần làm việc cùng các lĩnh vực chuyên môn góp phần nâng cao chất lượng tiến độ các dự án Giao thông. Bộ Xây dựng mong muốn Bộ Giao thông Vận tải quan tâm hơn nữa đến khối lượng công tác quản lý dự án và chất lượng các dự án giao thông. Hiện nay, công việc phát sinh mới đối với cơ chế giao mỏ cho nhà thầu thi công… cần có cách tiếp cận làm rõ để đảm bảo nguyên tắc thị trường.
Hiện nay hệ thống quản lý đầu tư công PPP có hai phương pháp quản lý, Việt Nam có 2 phương pháp tương đồng với Nhật Bản và Trung quốc. Bộ Xây dựng nhận thấy hiện Bộ Giao thông Vận tải cũng có một số định mức dự toán mà ngành Giao thông Vận tải cần hoàn thành. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước, Bộ Xây dựng đã cung cấp công bố giá vật liệu tại các địa phương tuy nhiên do khối lượng lớn, ảnh hưởng yếu tố cung cầu cũng như giá thị trường thê giới. Việc xác định giá vật liệu xây dựng tại mỏ còn gặp nhiều khó khăn liên quan đến yếu tố đánh giá các chỉ số liên quan….
Bộ Xây dựng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục nghiên cứu áp dụng các công nghệ mới trong xây dựng các dự án, nghiên cứu để hoàn thiện đồng bộ các định mức áp dụng trong các dự án giao thông thông đường bộ. Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục đồng hành cùng Bộ Giao thông Vận tải để thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước trong lĩnh vực chuyên ngành, hoàn thành các nhiệm vụ do Chính phủ giao.
Nguồn: Báo xây dựng