Năm 2023, doanh nghiệp phát triển KCN có thể tăng lợi nhuận ròng 12%
Số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) vừa công bố cho thấy, các mặt hàng thép nguyên liệu đầu vào trong sản xuất thép như quặng sắt, than mỡ, thép phế và thép cuộn cán nóng HRC ghi nhận tăng mạnh trong thời gian gần đây.
Trước áp lực của nguyên vật liệu và chi phí bán hàng tăng cao, các thương hiệu thép xây dựng trong nước điều chỉnh giá bán. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng giá thép trong nước đang có độ trễ so với thị trường thế giới.
Cụ thể, giá quặng sắt loại 62%Fe dùng trong sản xuất thép đang giao dịch ở mức 117 – 118 USD/tấn tại thời điểm ngày 6/1, tăng 6,5 USD/tấn so với thời điểm đầu tháng 12.
Trên thực tế, giá quặng sắt nguyên liệu đã tăng liên tiếp trong 2 tháng qua, động lực tăng chủ yếu đến từ kỳ vọng vào thị trường bất động sản Trung Quốc sẽ hồi phục trở lại sau khi nước này mở cửa sau dịch COVID-19.
Tương tự, giá than mỡ luyện cốc tăng mạnh so với những tháng trước đó. Hiện giá than mỡ luyện cốc xuất khẩu tại cảng Úc ngày 6/1 đang giao dịch ở mức 282,5 USD/tấn, tăng 52,25 USD/tấn so với đầu tháng 12.
Với nguyên liệu điện cực than chì (GE), thị trường than điện cực graphite dự kiến sẽ ghi nhận các xu hướng tăng trưởng dao động trong dài hạn, trong khi các mối lo ngại về lạm phát và chuỗi cung ứng dự kiến sẽ tiếp tục vào năm 2023.
Cũng theo số liệu của VSA, các nguyên liệu sản xuất thép khác như thép phế liệu, thép cuộn cán nóng HRC cũng ghi nhận bật tăng trở lại trong khoảng 2 tháng trở lại đây.
Cụ thể, giá thép phế nội địa trong tháng 12 tăng từ 500.000 – 700.000 đồng/tấn, hiện đang ở mức 8,9 – 9,4 triệu đồng/tấn. Trong khi đó, giá phế nhập khẩu tăng 50 USD/tấn giữ mức 400 USD/tấn cuối tháng 12/2022. Sang năm 2023, giá thép phế tiếp tục có xu hướng điều chỉnh tăng, hiện đang ở mức khoảng 402 – 405 USD/tấn tại thời điểm ngày đầu tháng 1/2023.
Với mặt hàng thép cuộn cán nóng HRC – nguyên liệu chính trong sản xuất tôn mạ hiện đang giao dịch ở mức 596 USD/tấn trong ngày 6/1, tặng 25 USD/tấn so với mức giá giao dịch đầu tháng 12/2022 trước đó. VSA cho rằng, thị trường thép cán nóng HRC thế giới biến động khiến thị trường HRC trong nước gặp khó khăn do các doanh nghiệp sản xuất thép dẹt (CRC, tôn mạ, ống thép…) sử dụng thép HRC làm nguyên liệu sản xuất.
Với việc giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh đã khiến giá thép trong nước đồng loạt tăng trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Hiện mỗi tấn thép xây dựng đã vượt 15 triệu đồng, tăng 200.000 đồng so với lần điều chỉnh đầu tháng 1/2023.
VSA nhận định, nhu cầu sắt thép trong nước thời gian tới có thể sẽ tăng lên khi Chính phủ đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông trọng điểm, đây là yếu tố hỗ trợ đáng kể giá thép trong năm 2023./.