Năm 2022 Kinh tế – xã hội toả sáng

(Xây dựng) – Sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, xã hội “chuyển sang trạng thái bình thường mới” nhưng vẫn có khó khăn, thách thức, song tình hình kinh tế – xã hội phục hồi tích cực và đạt kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Thành tựu nổi bật là đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu kinh tế – xã hội theo Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, tạo động lực, tạo đà cho những năm sau phát triển theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, thậm chí có sự ảm đạm, suy giảm về kinh tế…

Năm 2022 Kinh tế - xã hội toả sáng

Từ một nước có nền kinh tế lạc hậu, chủ yếu dựa vào nông nghiệp, đến nay, nước ta có nền kinh tế đa dạng, tỷ trọng công nghiệp, thương mại, dịch vụ ngày càng gia tăng, cân đối trong tổng thể kinh tế quốc dân. Đất nước trong hệ sinh thái khởi nghiệp, không ngừng đổi mới sáng tạo với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0), đang nỗ lực đi theo xu hướng chuyển đổi số, xã hội số, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh… bước đầu khởi sắc. Năm 2022, cả nước vừa tập trung phòng, chống dịch bệnh vừa thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội, giành được kết quả khá toàn diện ở tất cả các mục tiêu. Vì vậy, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát chặt chẽ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) không tăng đột biến, mặc dù giá xăng dầu biến động bất thường.

Những dấu mốc quan trọng là nhiều chỉ tiêu đạt và vượt: GDP 8,02% (chỉ tiêu 6 – 6,5%); GDP bình quân đầu người đạt 4.075 USD (chỉ tiêu 3.900 USD); tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội chiếm 27,1% (chỉ tiêu 27,5%); số bác sĩ trên 100 nghìn dân là 10 (chỉ tiêu 9,4 bác sĩ); số giường bệnh trên 100 nghìn dân là 30,5 (chỉ tiêu 29,5 giường); tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy định 94,7% (chỉ tiêu 89%), tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP 25,7% (chỉ tiêu 25,5 – 25,8%); tốc độ chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 4% (chỉ tiêu dưới 4%); tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; mức giảm tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) 1 điểm % (chỉ tiêu 1 – 1,5 điểm %), tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường 91% (chỉ tiêu 91%), tỷ lệ che phủ rừng (42%). Còn tốc độ tăng năng suất lao động xã hội chỉ đạt khoảng 4% (chỉ tiêu là 5,5%).

Năm 2022, mặc dù phải giảm thu 235 nghìn tỷ đồng thuế xăng dầu, thuế bảo vệ môi trường nhưng thu ngân sách vẫn đạt 1,7 triệu nghìn tỷ đồng, vượt 19,8% kế hoạch. Ngành Tài chính có nhiều giải pháp khống chế bội chi ngân sách (4%), nợ công ở mức 41%, nợ nước ngoài dưới 40%, nguồn đầu tư phát triển tăng rõ rệt.

Thực hiện đường lối “đối ngoại cây tre” về hội nhập quốc tế, Việt Nam có quan hệ kinh tế, thương mại với 220/234 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đó là kết quả của đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác, đa dạng hoá, đa phương hoá, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả, là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Đã có hơn 70 nước công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Nước ta tham gia 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA) trong đó có FTA thế hệ mới với tiêu chuẩn rất cao như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp địnhThương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). Nhờ hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng nên kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 732 tỷ USD (xuất khẩu tăng 16%, nhập khẩu tăng 12,2%, xuất siêu 10,6 tỷ USD), trong đó 32 mặt hàng có giá trị xuất khẩu 1 tỷ USD trở lên, 6 mặt hàng có kim ngạch trên 10 tỷ USD: Gạo 5% tấm 7,3 triệu tấn (hơn 3,5 tỷ USD), cà phê (3,8 tỷ USD), gỗ khoảng 15 tỷ USD, thuỷ sản (11,2 tỷ USD), giày dép, túi xách (27 tỷ USD)… là một dấu mốc mới trong hoạt động thương mại quốc tế của Việt Nam.

Một số ngành kinh tế cũng tăng trưởng khá như chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 9,6% so với năm 2021, trong đó ngành may nội địa hoá cao nhất (đạt gần mục tiêu 60%). Dịch vụ thị trường phát triển mạnh mẽ (gần 11%) cao nhất từ năm 2011, cao hơn cả năm 2016. Du lịch nội địa sầm uất trở lại, khách quốc tế tăng gần gấp 7 lần so với năm 2021. Mỗi tháng bình quân có 13 nghìn DN thành lập mới với số vốn, số lao động đăng ký đều cao hơn, hàng nghìn DN tạm ngừng sản xuất trở lại hoạt động. Ngành nông nghiệp có tốc độ tăng trưởng 3% so với 2021, xuất khẩu hơn 50 tỷ USD. Riêng lĩnh vực đầu tư nước ngoài (FDI) có mức tăng trưởng ngoạn mục: Thu hút gần 25 tỷ USD, xuất nhập khẩu gần 500 tỷ USD, trong đó nhập khẩu chiếm gần 70% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước, chủ lực là các ngành hàng điện thoại, máy tính, linh kiện, máy móc thiết bị, dệt may, da giày… FDI đóng góp vào GDP khoảng 20% và điều quan trọng là dòng vốn đầu tư nước ngoài kéo theo sự nhập cuộc tích cực của các thành phần kinh tế như thu hút nguồn nhân lực, tăng hàm lượng công nghệ cao, nguồn hàng hoá phong phú, đóng góp đáng kể vào kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, bảo đảm môi trường…

Năm 2022, Nhà nước tập trung mạnh mẽ vào 3 đột phá chiến lược, tiếp tục hoàn thiện thể chế, sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách cho phù hợp với yêu cầu nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện đại và hội nhập quốc tế. Coi trọng gắn kết kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo đảm công bằng và tiến bộ xã hội. Trong quá trình phát triển không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để đánh đổi tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Nước ta đã đạt mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, đang tích cực triển khai thực hiện bền vững đến năm 2030.

Về phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, cũng là một năm khá quyết liệt. Giai đoạn 2021 – 2026 phấn đấu để có 2.500 km đường cao tốc. Năm 2022 đã hoàn thành 4 tuyến đường bộ cao tốc với tổng chiều dài 654 km đưa vào khai thác; khởi công xây dựng 12 dự án thành phần tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam; đẩy mạnh tiến độ xây dựng nhà ga T3 Cảng Hàng không Tân Sơn Nhất và Cảng Hàng không quốc tế Long Thành…

Rõ ràng, năm 2022 trong khi kinh tế nhiều nước trên thế giới ảm đạm, suy giảm thì kinh tế nước ta bất chấp những thách thức bên ngoài để có mức tăng trưởng hàng đầu trên thế giới (8%), là nền kinh tế đứng thứ 4 trong ASEAN, là một quốc gia trong Top 20 về kinh tế thương mại toàn cầu. Báo chí thế giới nhận xét “Việt Nam nổi lên như một điểm sáng kinh tế hiếm hoi với tốc độ tăng trưởng GDP ổn định” (Bangkok Post), “Nhận dòng vốn FDI đứng thứ 2 ASEAN để trở thành trung tâm thương mại và sản xuất quốc tế, Việt Nam đóng vai trò là “bệ phóng” cho châu Á” (Asian Investor), “Việt Nam sẽ là con hổ mới của châu Á” (La Repubblica – Ytaly), “Kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh hơn dự kiến” (ADB)…

Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta có nhiều tiềm năng, lợi thế so với nhiều nước trong khu vực nhưng chưa khai thác, tận dụng và phát huy hết khả năng, chưa tạo ra được nhiều giá trị và thương hiệu lớn để có thể cất cánh vượt trội và bền vững hơn nữa. Nhiều lĩnh vực còn thua kém, tụt hậu xa so với các nước phát triển: Năng suất lao động, nguồn lực lao động chất lượng cao; công nghiệp chế biến, chế tạo và nội địa hoá, tỷ lệ công nghệ tiên tiến, hiện đại còn thấp; phát triển nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, chưa bền vững, nhất là kinh tế biển; chưa có nhiều Tập đoàn kinh tế mạnh và còn rất ít những thương hiệu quốc tế, đầu tư công ở các địa phương còn dàn trải, giải ngân chậm…Về xã hội, nạn tham nhũng còn nghiêm trọng, tình trạng lãng phí còn lớn; sự bất thường là 85 nghìn người lao động rút BHXH một lần, 40 nghìn công chức, viên chức thôi việc, bỏ việc; tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, làm hàng giả, thuốc giả, cờ bạc gia tăng, cháy nổ và phá rừng còn nhiều… là lực cản tiến trình phát triển đất nước, cần nỗ lực, quyết tâm khắc phục vươn lên.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích