Năm 2022, Bất động sản công nghiệp được kỳ vọng sẽ “bứt tốc”
(TN&MT) – Cùng với việc mở cửa trở lại theo hướng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, thì những ưu đãi từ các hiệp định thương mại, nhu cầu đối với đất công nghiệp, kho xưởng xây sẵn… là những yếu tố trợ lực để loại hình bất động sản (BĐS) công nghiệp bứt tốc, tăng trưởng trong thời gian tới.
Ông Trần Khánh Quang – Tổng giám đốc Công ty BĐS Việt An Hòa cho rằng, năm 2021, BĐS công nghiệp Việt Nam còn vượt qua được những khó khăn thì không có lý do gì năm 2022 lại không hồi phục mạnh mẽ và tăng tốc hơn nữa. Kể cả trong bối cảnh dịch có diễn biến phức tạp thì với chính sách tiêm chủng vaccine Covid-19 toàn dân và tâm lý thích nghi ngày càng tốt với dịch, thị trường BĐS công nghiệp hứa hẹn sẽ có nhiều cơ hội để khởi động.
Theo ông Quang, lực đẩy tác động đến thị trường BĐS công nghiệp sẽ đến từ việc các đơn hàng xuất nhập khẩu đang còn tồn đọng chưa giải quyết được trong năm 2021 thì năm 2022 sẽ được tăng tốc trở lại. Đây chính là lý do khiến các doanh nghiệp phải nhanh chóng quay trở lại thị trường để trả đơn, trả nợ. Từ đó đẩy mạnh các hoạt động giao dịch trong lĩnh vực đất công nghiệp, xây dựng nhà xưởng…
Đặc biệt, nền kinh tế Việt Nam sẽ là một điểm đến rất tốt trong thời gian tới, bởi Việt Nam có rất nhiều dư địa để đón làn sóng FDI cho việc phát triển công nghiệp. Việt Nam sở hữu một trong những thị trường sản xuất và hậu cần mạnh nhất trên thế giới. Nhất là các hiệp định thương mại tự do có thể được xem là giải pháp lâu dài cho Việt Nam, hỗ trợ quá trình chuyển giao kiến thức và công nghệ, qua đó thúc đẩy sự chuyển đổi từ sản xuất các ngành công nghiệp giá trị thấp và mang tính địa phương sang các ngành có giá trị cao hơn.
Tương tự, các chuyên gia phân tích tại SSI Research cũng cho rằng, năm 2022, lĩnh vực BĐS công nghiệp tiếp tục có triển vọng khả quan với hàng loạt yếu tố đồng thuận tích cực. Đầu tiên là kỳ vọng hồi phục nhờ vào hộ chiếc vaccine. Cụ thể, nhu cầu thuê đất tại các khu công nghiệp (KCN) sẽ phục hồi trong 2022 khi các hợp đồng ghi nhớ đã ký trong 2021 sẽ được hoàn tất trong 2022.
Động lực thứ hai hứa hẹn tạo động lực cho tăng trưởng của BĐS công nghiệp là việc hệ thống cơ sở hạ tầng kết nối các KCN liên tục được cải thiện. Đơn cử, các dự án hạ tầng như: Dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, Dầu Giây – Phan Thiết, Cao tốc Bắc – Nam, Cảng Thị Vái – Cái Mép, Cảng Gemalink sẽ tạo giao thông thuận tiện kết nối các KCN.
Nhìn nhận về triển vọng thị trường BĐS công nghiệp 2022, ông John Campbell – Quản lý bộ phận BĐS công nghiệp Savills Việt Nam cho rằng, Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển theo chuỗi giá trị nhờ vào tốc độ tăng trưởng ổn định, môi trường kinh doanh, các hiệp định thương mại tự do FTA… Trong năm 2022 và những năm tiếp theo, một số xu hướng được kỳ vọng sẽ tiếp tục xuất hiện như: Ngành công nghiệp 4.0; các mô hình KCN mới và quy hoạch tổng thể hiện đại… Việc mở cửa những chuyến bay quốc tế cũng sẽ là một trong những yếu tố tiên quyết cho năm 2022 thành công.