Mỹ và Trung Quốc tái khởi động đàm phán về khí hậu
Mỹ và Trung Quốc tái khởi động đàm phán về khí hậu
Đặc phái viên Tổng thống Mỹ về vấn đề biến đổi khí hậu John Kerry đã đến Trung Quốc để xem xét khôi phục các nỗ lực hợp tác giữa hai nước trong chống lại tình trạng nóng lên toàn cầu.
Ngày 16/7, Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu John Kerry đã đến Trung Quốc để tái khởi động các cuộc đàm phán bị đình trệ giữa hai nước có lượng phát thải khí nhà kính lớn nhất trên thế giới.
Dự kiến, từ ngày 17-19/7, ông Kerry và người đồng cấp Trung Quốc Giải Chấn Hoa sẽ tiến hành các cuộc đàm phán sâu rộng về vấn đề khí hậu.
Các cuộc đàm phán sẽ tập trung vào những nội dung như giảm phát thải khí methane, giảm sử dụng than đá, giảm thiểu tình trạng phá rừng và hỗ trợ các nước nghèo đối phó với những thách thức do tình trạng biến đổi khí hậu gây ra.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết đặc phái viên về khí hậu Kerry sẽ tích cực phối hợp với các quan chức Trung Quốc để thúc đẩy thành công của Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) diễn ra tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) vào tháng 11 tới.
Trong chuyến đi, ông Kerry cũng dự kiến công bố đóng góp tài chính cho nỗ lực quốc tế chống biến đổi khí hậu.
Đây là chuyến đi thứ ba của ông Kerry đến Trung Quốc với vai trò là đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu. Chuyến đi diễn ra trong bối cảnh nắng nóng gay gắt khiến nhiều nơi trên thế giới liên tục lập kỷ lục về nhiệt độ trong những tuần vừa qua.
Phát biểu trước chuyến đi, ông Kerry cho biết sẽ trao đổi thẳng thắn với giới chức nước chủ nhà, đồng thời bày tỏ hy vọng hai bên đạt tiến triển về vấn đề giảm khí thải methane, đẩy nhanh chuyển hướng khỏi than đá và sử dụng năng lượng tái tạo.
Theo các cơ quan của Mỹ và và châu Âu, tháng 6 vừa qua đã trở thành tháng 6 nóng nhất từng được ghi nhận. Các nhà khoa học cho rằng nắng nóng đã trở nên khắc nghiệt hơn do tác động của tình trạng biến đổi khí hậu.
Ngày 8/7 vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết Mỹ và Trung Quốc cần duy trì hợp tác trong việc tài trợ chống biến đổi khí hậu nhằm giải quyết “mối đe dọa hiện hữu” của tình trạng nóng lên trên toàn cầu.
Trong khuôn khổ chuyến công du kéo dài bốn ngày tới Trung Quốc đầu tháng này, bà cho rằng với tư cách là hai nước phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất thế giới và là các nhà đầu tư lớn nhất về năng lượng tái tạo, Mỹ và Trung Quốc đều có trách nhiệm chung và có khả năng đi đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, nhấn mạnh rằng đây là một lĩnh vực then chốt của hợp tác.
Ngoài ra, chuyến thăm được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy các mục tiêu tham vọng hơn trước khi các hội nghị khí hậu được Liên Hiệp Quốc bảo trợ diễn ra vào cuối năm nay. Trước đó, các cuộc đàm phán Mỹ – Trung Quốc đã góp phần đặt nền móng cho Hiệp định Paris, theo đó đặt ra mục tiêu giữ cho nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng không quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Mỹ và Trung Quốc hiện có một số điểm chung liên quan đến vấn đề khí hậu. Hai nước đang đầu tư mạnh vào năng lượng sạch và cam kết cộng tác về lĩnh vực này trong tuyên bố chung đưa ra năm 2021.
Cả hai nước hiện cũng đối mặt tác động của thời tiết cực đoan. Chẳng hạn, thủ đô Bắc Kinh vừa trải qua ngày nóng nhất trong tháng 6 từng được ghi nhận với nhiệt độ lên đến 41,1 độ C. Trong khi đó, theo đài CNN, một đợt nắng nóng đang hoành hành ở Mỹ, với nhiệt độ ở miền Tây Nam có lúc tăng lên đến 49 độ C.
Theo một số nhà phân tích, nhiều kỷ lục nhiệt độ cao đã liên tục bị phá thời gian qua. Điều đó càng đòi hỏi Mỹ và Trung Quốc nhanh chóng nối lại hợp tác trong vấn đề khí hậu bởi cuộc khủng hoảng này sẽ không đợi cho đến khi hai nước cải thiện được quan hệ.
Hải Đăng (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị