Mỹ phát triển loại thuốc có thể chữa được bệnh tâm thần phân liệt

Tâm thần phân liệt là một rối loạn tâm thần khá phổ biến, ảnh hưởng đến khoảng 24 triệu người trên thế giới. Bệnh thường ở gặp nam giới từ 15 – 25 tuổi và 25 – 35 tuổi đối với phụ nữ. Ngoài ra, người tâm thần phân liệt có nguy cơ tử vong sớm, cao gấp 2 – 3 lần so với người bình thường. Bệnh tâm thần phân liệt cần điều trị suốt đời, ngay cả khi các triệu chứng đã thuyên giảm. Điều trị bằng thuốc và liệu pháp tâm lý có thể giúp kiểm soát tình trạng này tuy nhiên không thể chữa khỏi dứt điểm. 

Song một tin vui cho những bệnh nhân này đó là nếu được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) chấp thuận vào cuối tháng 9/2024 loại thuốc KarXT có thể trở thành phương pháp điều trị đột phá đầu tiên trong hơn 70 năm qua cho căn bệnh quái ác được mệnh danh là “ung thư của ngành tâm thần học”.

Nguyên nhân chính của bệnh tâm thần phân liệt được cho là do yếu tố di truyền kết hợp với các tác động môi trường như căng thẳng hoặc sử dụng ma túy. Bệnh nhân có thể gặp phải các triệu chứng đa dạng, từ rối loạn trí nhớ ngắn hạn, cô lập xã hội đến suy sụp tinh thần kéo dài nhiều tuần.

Mỹ nghiên cứu phát triển loại thuốc có thể chữa bệnh tâm thần phân liệt. Ảnh minh họa

Nhà khoa học thần kinh Steve Paul, người đã phát triển tiền thân của loại thuốc KarXT khi làm việc tại Eli Lilly, nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của căn bệnh: “Bệnh tâm thần phân liệt là ung thư của ngành tâm thần học. Nó có thể rút ngắn tuổi thọ của người bệnh tới 30 năm so với trung bình.”

Theo thống kê toàn cầu, khoảng 24 triệu người, tương đương 1/300 dân số thế giới, bị ảnh hưởng bởi căn bệnh này. Tại Mỹ, tỷ lệ mắc bệnh được ước tính cao hơn, dao động từ 0,25% đến 1,6% dân số, tương đương 3,8 triệu người trưởng thành.

Chính phủ Mỹ đã tuyên bố đất nước đang rơi vào cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần, với các vấn đề như lo âu, trầm cảm và tâm thần phân liệt ngày càng gia tăng. Riêng bệnh tâm thần phân liệt đã gây thiệt hại kinh tế lên tới 170 tỷ USD mỗi năm cho nước Mỹ. Một viên thuốc KarXT uống hai lần mỗi ngày, đang mang đến hy vọng mới. Khác với các loại thuốc hiện có chỉ có tác dụng an thần và gây nhiều tác dụng phụ, KarXT hứa hẹn mang lại hiệu quả điều trị vượt trội.

Tiến sĩ Mattingly, người đã giám sát hơn 400 thử nghiệm thuốc tâm thần, nhận định: “Hiện tại, cơ hội có được cuộc sống bình thường vẫn ngoài tầm với của hầu hết bệnh nhân. KarXT có thể thay đổi điều này.”

Người mắc bệnh tâm thần phân liệt thường bị gạt ra ngoài lề xã hội, chịu đựng ảo giác và ảo tưởng trong những đợt bùng phát tồi tệ nhất của bệnh. Tại Mỹ, họ chiếm tỷ lệ cao đáng báo động trong các nhóm dân số thất nghiệp, vô gia cư và tù nhân.

Trong một cuộc thử nghiệm lâm sàng trên loại thuốc này, nhà nghiên cứu Greg Mattingly ban đầu lo lắng khi thấy vết phát ban xuất hiện trên tay một bệnh nhân. Tuy nhiên, điều này lại trở thành dấu hiệu đáng mừng: bệnh nhân 50 tuổi đã có công việc đầu tiên sau hơn một thập kỷ, và tình trạng viêm da chỉ là tác dụng phụ của công việc rửa bát.

Đối với người mắc tâm thần phân liệt, việc có được công việc toàn thời gian là một bước tiến quan trọng. KarXT, loại thuốc đang được thử nghiệm, được kỳ vọng sẽ nhận được sự chấp thuận từ cơ quan quản lý Mỹ, mở đường cho việc triển khai trên thị trường toàn cầu. Điều này được minh chứng qua thương vụ Bristol Myers Squibb mua lại Karuna Therapeutics, công ty phát triển KarXT, với giá 14 tỷ USD vào cuối năm ngoái. Tuy nhiên, việc áp dụng các loại thuốc tiên tiến tại Mỹ đang gặp trở ngại do hệ thống chăm sóc sức khỏe không đủ khả năng cung cấp dịch vụ chăm sóc tâm thần toàn diện, đặc biệt đối với những bệnh nghiêm trọng như tâm thần phân liệt.

Số lượng dịch vụ chữa trị bệnh tâm thần suy giảm khiến nhiều bệnh nhân không được điều trị, đẩy gánh nặng lên các nhà tù và trại giam. Đồng thời, tình trạng thiếu bác sĩ tâm thần ngày càng trầm trọng. Chi phí cao cũng là một rào cản lớn. Viện Đánh giá Lâm sàng và Kinh tế khuyến nghị giá KarXT lên tới 20.000 USD một năm, có thể hạn chế khả năng tiếp cận của nhiều bệnh nhân.

Ken Duckworth, Giám đốc Y khoa của Liên minh Quốc gia về Bệnh tâm thần, nhận định: “Các liệu pháp mới chỉ là một phần của giải pháp. Chúng ta vẫn cần giải quyết vấn đề thiếu kinh phí, thiếu nhân lực và cải thiện hệ thống dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần.”

Dù còn nhiều thách thức, sự xuất hiện của thuốc KarXT và các loại thuốc mới khác đang mang lại hy vọng cho hàng triệu người mắc bệnh tâm thần phân liệt và gia đình họ trên toàn thế giới.

Nói tới bệnh tâm thần phân liệt, TS Cao Hưng Thái – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, Việt Nam đang phải đối mặt với mô hình bệnh tật kép, bệnh truyền nhiễm diễn biến phức tạp trong đó các bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, tiểu đường, COPD, bệnh tâm thần… có chiều hướng gia tăng. Việt Nam có khoảng 14 triệu người rối loạn tâm thần nhưng chỉ có 143 nhà tâm lý lâm sàng và tâm lý trị liệu. Tuy nhiên dịch vụ tâm lý lâm sàng chưa phải là dịch vụ chính thức được bảo hiểm y tế chi trả.

Để giảm thiểu tình trạng này, cần tăng cường lãnh đạo, điều hành, phối hợp liên ngành của các Bộ, ngành, chính quyền các cấp và huy động xã hội trong chăm sóc sức khỏe tâm thần. Nâng cao sức khỏe tâm thần và dự phòng các rối loạn tâm thần. Củng cố năng lực và tính hiệu quả của nguồn nhân lực sức khỏe tâm thần về dự phòng, giám sát, phát hiện, điều trị, quản lý, phục hồi chức năng và hỗ trợ xã hội đối với người có rối loạn tâm thần. Củng cố hệ thống chăm sóc sức khoẻ tâm thần để cung cấp dịch vụ y tế và xã hội toàn diện, lồng ghép, liên tục và dựa vào cộng đồng.

5 tiêu chuẩn quan trọng trong ngành dược

Ngành dược là một trong những lĩnh vực đặt ra rất nhiều quy tắc, tiêu chuẩn. Có thể kể đến ở đây là 5 tiêu chuẩn trong ngành dược phổ biến và đóng vai trò quan trọng nhất là: GMP, GLP, GSP, GPP và GDP. Các tiêu chuẩn này được đặt ra để bảo đảm chất lượng dược phẩm và sức khỏe người dùng.

Tiêu chuẩn trong ngành dược GMP là viết tắt của cụm từ tiếng Anh “Good Manufacturing Practice” – “Thực hành tốt sản xuất”. GMP là một trong những bộ tiêu chuẩn trong ngành dược, đặt ra những nguyên tắc về việc sản xuất thuốc và nguyên liệu làm thuốc. GMP là bảo chứng cho việc dược phẩm luôn được sản xuất, kiểm định tuân theo các tiêu chuẩn chất lượng.

Tiêu chuẩn trong ngành dược GLP- Good Laboratory Practice là tiêu chuẩn trong ngành dược tiếp theo mà những người hoạt động trong lĩnh vực y khoa cần phải biết. Vì đây là Thực hành tốt phòng thí nghiệm. Mà hầu như dược sĩ, y sĩ hay bác sĩ đều cũng sẽ từng trải qua một vài nghiên cứu từ cơ bản đến nâng cao ngay tại phòng thí nghiệm.

Tiêu chuẩn trong ngành dược GSP được đưa ra nhằm đảm bảo quá trình bảo quản thuốc, nguyên liệu làm thuốc được diễn ra tốt nhất. GSP đưa ra các quy định, những hướng dẫn cụ thể trong việc bảo quản dược phẩm bắt đầu tư khâu sản xuất cho tới khi vận chuyển tới tay người tiêu dùng. Tiêu chuẩn GSP bao gồm 7 điều và 115 yêu cầu để các doanh nghiệp có thể điều chỉnh cho phù hợp với thực trạng kinh doanh.

Tiêu chuẩn trong ngành dược GPP có nghĩa là Thực hành tốt quản lý nhà thuốc (Good Pharmacy Practices). Tiêu chuẩn này thường được áp dụng phổ biến hơn tại các cơ sở kinh doanh thuốc như nhà thuốc và quầy thuốc. Tiêu chuẩn GPP bao gồm các nguyên tắc về thiết kế (địa điểm, bố trí, bảng hiệu, màu sắc, vật liệu xây dựng,…), cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân sự, tác phong, chuyên môn, đạo đức và hồ sơ tài liệu,… Áp dụng GPP sẽ đảm bảo cho người tiêu dùng cuối cùng có thể mua được những sản phẩm an toàn, chính hãng, nhận được dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt nhất từ các nhân viên của nhà thuốc, quầy thuốc. Cũng từ đó, GPP còn gián tiếp giúp cơ sở bán lẻ thuốc nâng cao doanh số.

Tiêu chuẩn trong ngành dược GDP đưa ra những yêu cầu để chắc chắn rằng quá trình phân phối dược phẩm sẽ không xảy ra bất cứ sai sót nào ảnh hưởng tới số lượng hay chất lượng của sản phẩm. Quá trình kiểm kê, xuất hàng, di chuyển, bốc dỡ, lưu trữ, nhân sự, hồ sơ đều sẽ được quy định tại tiêu chuẩn GDP. Tuân theo GDP cũng tức là bạn đang giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp của mình, bởi vì quá trình vận chuyển, phân phối sản phẩm thường rất dễ xảy ra sai sót.

An Dương (T/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích