Mỹ phát triển các dung môi có khả năng loại bỏ hơn 98% hạt nhựa siêu nhỏ khỏi nước
Các nhà khoa học tại Đại học Missouri (Mỹ) đã tạo ra các dung môi chống thấm nước làm từ thành phần tự nhiên, có thể nổi như dầu trên mặt nước. Sau khi trộn dung môi với nước, chúng sẽ từ từ nổi lên lại trên mặt nước, mang theo các hạt nhựa siêu nhỏ (nhựa nano) trong cấu trúc phân tử của chúng.
Trong phòng thí nghiệm, nhóm chỉ sử dụng một lọ nhỏ dung môi để loại bỏ các hạt nhựa nano khỏi nước. Các nghiên cứu trong tương lai sẽ tập trung vào việc mở rộng toàn bộ quy trình lọc nhựa nano để có thể ứng dụng dung môi vào các vùng nước lớn hơn như ao hồ, hay thậm chí là đại dương.
Nhóm cho biết phương pháp mới này hiệu quả với cả nước mặn và nước ngọt. “Những dung môi này được làm từ các thành phần an toàn, không độc hại cùng khả năng chống thấm nước giúp ngăn ô nhiễm lan sang các nguồn nước khác”, bà Piyuni Ishtaweera, trưởng nhóm nghiên cứu tại Đại học Missouri, cho biết.
Những dung môi dùng để lọc nhựa ra khỏi nước được làm từ các thành phần an toàn, không độc hại. Ảnh: Tuổi Trẻ
“Chiến lược của chúng tôi là sử dụng một lượng nhỏ dung môi để hấp thu các phân tử nhựa có trong một lượng nước lớn”, ông Gary Baker, một tác giả của nghiên cứu và làm việc tại khoa hóa Đại học Missouri, nói.
Nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm dung môi với 5 kích cỡ khác nhau của hạt nhựa nano có gốc polystyrene – một loại nhựa phổ biến trong ly nhựa. Kết quả cho thấy dung môi của nhóm có hiệu quả vượt trội hơn so với các nghiên cứu trước đây, vốn tập trung vào một cỡ hạt nhựa nano.
Hiện tại nhóm nghiên cứu vẫn chưa hiểu hết khả năng của dung môi, do đó họ cần nghiên cứu thêm về điều này cũng như khám phá các phương pháp để tái sử dụng dung môi nhiều lần.
Phương pháp cải tiến này không chỉ mang lại giải pháp thiết thực cho vấn đề ô nhiễm các hạt nhựa nano, mà còn mở đường cho những nghiên cứu và phát triển sâu hơn về công nghệ lọc nước tiên tiến.
Nhựa nano có thể phá vỡ hệ sinh thái dưới nước và xâm nhập chuỗi thức ăn, gây rủi ro sức khỏe như bệnh tim mạch hay hô hấp cho con người và động vật. Do đó việc loại bỏ nhựa nano để giúp nước sạch hơn luôn là một thách thức cấp thiết của giới khoa học. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí ACS Applied Engineering Materials.
Liên quan tới rác thải nhựa, theo thống kê từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường, trong đó 0,28- 0,73 triệu tấn bị thải ra biển nhưng chỉ 27% trong số này được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp. Điều đáng nói, việc xử lý và tái chế rác thải nhựa còn nhiều hạn chế khi có đến 90% rác thải nhựa được xử lý theo cách chôn, lấp, đốt và chỉ có 10% còn lại là được tái chế.
Theo đại diện Đoàn Thanh niên Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Việt Nam đang đối mặt với nhiều nguy cơ từ rác thải nhựa, bình quân mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1 kg túi nilon/tháng, riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn rác thải nhựa và túi nilon. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường nước, đất và không khí.
Do đó, Việt Nam cần xây dựng chính sách phát triển thị trường sản phẩm tái chế, dán nhãn xanh cho các sản phẩm, quy định tỷ lệ tái chế trong mỗi sản phẩm nhựa…Đặc biệt muốn chống rác thải nhựa, điều quan trọng đầu tiên phải kéo dài vòng đời sản phẩm nhựa, giảm thiểu thải bỏ ra môi trường. Muốn vậy phải có quy chuẩn cho các sản phẩm nhựa.
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 32:2018/BTNMT về môi trường đối với phế liệu nhựa nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất
Quy chuẩn này do Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định và được ban hành bởi Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về các loại phế liệu nhựa được phép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất; các loại phế liệu nhựa không được phép nhập khẩu; tạp chất không được lẫn trong phế liệu nhựa nhập khẩu; tạp chất không mong muốn được phép còn lẫn trong phế liệunhựa nhập khẩu; các yêu cầu kỹ thuật khác đối với phế liệu nhựa nhập khẩu từ nước ngoài. Quy chuẩn này không điều chỉnh đối với phế liệu nhựa nhập khẩu từ các doanh nghiệptrong khu phi thuế quan trên lãnh thổ Việt Nam.
Yêu cầu về phân loại, làm sạch phế liệu quy chuẩn quy định phế liệu nhựa nhập khẩu bao gồm một hoặc một số khối hàng phế liệu nhựa đã được phân loại riêng biệt theo từng mã HS thuộc Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Từng khối hàng phế liệu nhựa nhập khẩu phải được sắp xếp tách riêng trong lô hàng hoặc công ten nơ nhập khẩu để tạo điều kiện thuận lợi cho việc kiểm tra tại địa điểm đăng ký kiểm tra theo quy định của pháp luật. Trong mỗi khối hàng phế liệu nhựa nhập khẩu được phép lẫn lượng phế liệu nhựa có mã HS khác (thuộc Danh mục phế liệu nhựa được phép nhập khẩu) so với mã HS khai báo trong hồ sơ nhập khẩu. Tỷ lệ khối lượng phế liệu nhựa có mã HS khác không vượt quá 20% tổng khối lượng của khối hàng phế liệu nhựa nhập khẩu.
Phế liệu nhựa nhập khẩu phải được loại bỏ các chất, vật liệu, hàng hóa cấm nhập khẩu theo quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, bảo đảm đáp ứng các yêu cầu.
Vân Thảo (T/h)