Mỹ phát hiện loại vitamin quen thuộc với người Việt là ‘khắc tinh’ của tế bào ung thư
Medical Express đưa tin, Marcus Cooke – Giáo sư và Chủ nhiệm Khoa Khoa học Sinh học Phân tử tại Đại học Nam Florida, vừa nghiên cứu ra một phương pháp điều trị ung thư ác tính hiệu quả bằng cách sử dụng ascorbate (vitamin C) để tăng cường tổn thương DNA trong tế bào ung thư, từ đó tiêu diệt chúng. Những phát hiện này được công bố trên tạp chí Free Radical Biology and Medicine.
Theo đó, nhóm nghiên cứu đa ngành phát hiện ra rằng các tế bào ung thư ác tính dễ bị tổn thương và khả năng chống oxy hóa kém hơn so với các tế bào bình thường. Chính vì thế, khi điều trị bằng hydrogen peroxide và vitamin C, các tế bào ung thư ác tính bị tổn thương nghiêm trọng và tỷ lệ chết tế bào cao hơn. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu còn phát hiện vitamin C làm tăng hiệu quả của một loại thuốc điều trị u hắc tố hiện có tên là elesclomol.
Cooke – Người đứng đầu nhóm nghiên cứu về stress oxy hóa, cho biết trước đây đã có nhiều nghiên cứu về tác động của vitamin C lên DNA và tế bào da, điều này giúp định hướng cho nghiên cứu hiện tại của họ.
Nhiều loại vitamin rất tốt cho sức khỏe nhất là có thể hỗ trợ trong phòng chống ung thư. Ảnh minh họa
“Chúng tôi đã nghiên cứu tác dụng của chất chống oxy hóa từ cuối những năm 1990 và rất hứng thú với khả năng đặc biệt của vitamin C. Chúng hoạt động như một chất oxy hóa (gây tổn thương DNA) và chất chống oxy hóa (ngăn ngừa tổn thương DNA), đồng thời điều chỉnh quá trình sửa chữa DNA”, Giáo sư Cooke nói.
“Những phát hiện cho thấy các tế bào ung thư ác tính có mức độ tổn thương DNA cao hơn tế bào sừng – loại tế bào chính được tìm thấy trong lớp biểu bì. Tổn thương này tỷ lệ thuận với lượng melanin có trong tế bào hắc tố, tức là melanin càng nhiều thì tổn thương càng nhiều”, ông giải thích.
Cooke thừa nhận rằng các nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng bổ sung sẽ củng cố phát hiện này và hỗ trợ đưa ascorbate vào điều trị.
“Chúng tôi nghĩ rằng các bác sĩ lâm sàng có thể đưa ascorbate vào bổ sung cho phương pháp điều trị để tăng cường các phương pháp hiện có nếu chúng hoạt động bằng cách gây tổn thương DNA như elesclomol. Các dấu ấn sinh học của stress oxy hóa mà chúng tôi sử dụng trong phòng thí nghiệm Oxidative Stress Group đặc biệt phù hợp cho các nghiên cứu lâm sàng, và chúng tôi có thể hỗ trợ theo dõi sinh học in vivo (toàn bộ sinh vật sống) của bệnh nhân, nếu các nghiên cứu lâm sàng được tiến hành”, ông nói thêm.
Liên quan tới các loại vitamin giúp hỗ trợ phòng và chống ung thư, trước đó các nhà nghiên cứu từ Viện Francis Crick, Viện Ung thư Quốc gia (NCI) thuộc Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) và Đại học Aalborg (Đan Mạch) đã phát hiện ra rằng chế độ ăn giàu vitamin D có thể đem lại khả năng miễn dịch tốt hơn đối với một số bệnh ung thư. Phát hiện này đã được các tác giả chứng minh bằng một thử nghiệm trực tiếp trên chuột và một phân tích dựa trên dữ liệu của 1,5 triệu người dân Đan Mạch.
Trong thí nghiệm đầu tiên, khi phát hiện ra những con chuột có chế độ ăn giàu vitamin D dường như miễn dịch tốt hơn khi bị cấy ghép các khối u đường tiêu hóa vào cơ thể. Họ đã phân tích đường ruột các con chuột này và nhận thấy vitamin D đã tác động lên các tế bào biểu mô trong ruột, từ đó làm tăng số lượng vi khuẩn có tên Bacteroides fragilis. Loại vi khuẩn này giúp chuột có khả năng miễn dịch tốt hơn với bệnh ung thư, vì các khối u được cấy ghép không phát triển nhiều.
Để xác nhận lại điều này, các nhà nghiên cứu đã cho các con chuột ăn chế độ bình thường bổ sung trực tiếp Bacteroides fragilis. Chúng nhận được lợi ích miễn dịch ung thư tương tự. Bên cạnh đó, các tác giả đã tiến hành 2 phân tích trên dữ liệu của 1,5 triệu người Đan Mạch và nhận thấy 2 vấn đề.
Thứ nhất, lượng vitamin D nhận được hàng ngày thấp hơn và nguy cơ ung thư cao hơn. Thứ hai, xét riêng nhóm bệnh nhân ung thư thì những người có mức vitamin D cao hơn có nhiều khả năng đáp ứng tốt với các phương pháp điều trị ung thư dựa trên miễn dịch. Kết quả này trùng khớp với một số nghiên cứu trước đó, do các nhóm tác giả khác thực hiện.
Mặc dù Bacteroides fragilis cũng được tìm thấy trong hệ vi sinh vật ở người, nhưng các tác giả cho rằng vẫn cần nghiên cứu thêm để hiểu liệu vitamin D có giúp tăng cường miễn dịch ung thư ở người theo con đường này hay không, hay có một cơ chế nào khác góp phần.
Vân Thảo (T/h)