Mỹ ngừng sử dụng thuốc diệt cỏ DCPA do gây rủi ro sức khỏe cho thai nhi

Mỹ ngừng sử dụng thuốc diệt cỏ DCPA do gây rủi ro sức khỏe cho thai nhi

Theo EPA, việc tiếp xúc với DCPA trong thời gian mang thai có thể dẫn đến những thay đổi nồng độ hormone tuyến giáp của thai nhi, có nguy cơ dẫn đến trẻ sơ sinh nhẹ cân, giảm sự phát triển của não bộ.

Ảnh minh họa. (Nguồn: agribusinessglobal.com)
Ảnh minh họa. (Nguồn: agribusinessglobal.com)

Ngày 6/8, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) thông báo đã thực hiện hành động khẩn cấp để đình chỉ tất cả việc đăng ký thuốc diệt cỏ dimethyl tetrachloroterephthalate (DCPA), còn được gọi là Dacthal.

Đây là lần đầu tiên trong gần 40 năm, EPA áp dụng biện pháp khẩn cấp như vậy.

Quyết định có hiệu lực ngay lập tức. EPA công bố thông tin trên với lý do DCPA gây rủi ro sức khỏe cho thai nhi.

Theo EPA, việc tiếp xúc với DCPA trong thời gian mang thai có thể dẫn đến những thay đổi nồng độ hormone tuyến giáp của thai nhi, có nguy cơ dẫn đến trẻ sơ sinh nhẹ cân, giảm sự phát triển của não bộ, giảm chỉ số IQ và giảm các kỹ năng vận động sau này.

Trong đó, một số trường hợp không thể khắc phục được. Giới chức EPA nhấn mạnh DCPA rất nguy hại và cần phải được loại bỏ khỏi thị trường ngay lập tức.

Thuốc DCPA chủ yếu được dùng để trừ cỏ cho một số loại cây trồng như hành, bắp cải, bông cải xanh.

Theo bản đánh giá rủi ro của EPA công bố vào tháng 5/2023, một số phụ nữ mang thai xử lý các sản phẩm DCPA có thể tiếp xúc với lượng chất cao gấp 4-20 lần so với ngưỡng EPA ước tính là an toàn cho thai nhi.

Lệnh khẩn cấp cũng được đưa ra sau nhiều năm phân tích và thu thập dữ liệu. Từ năm 2013, Tập đoàn hóa chất AMVAC, nhà sản xuất duy nhất của DCPA, được yêu cầu trình kết quả nhiều cuộc nghiên cứu từ năm 2013, nhưng chưa cung cấp kịp thời toàn bộ dữ liệu cần thiết.

Mặc dù AMVAC gần đây đã nỗ lực giải quyết những mối lo ngại về DCPA, EPA xác định các rủi ro liên quan đến việc sử dụng loại thuốc bảo vệ thực vật này vẫn không thể chấp nhận được.

EPA dự kiến ban hành thông báo ý định hủy các sản phẩm DCPA trong 90 ngày tới, theo đó khả năng dẫn đến lệnh cấm vĩnh viễn loại thuốc diệt cỏ nói trên./.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích