Mỹ: Giải pháp mới đối phó với tình trạng khô hạn tại Los Angeles

Mỹ: Giải pháp mới đối phó với tình trạng khô hạn tại Los Angeles

MTĐT –  Thứ tư, 01/03/2023 14:51 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trọng tâm là các dự án đem lại nhiều lợi ích, không chỉ giữ lại nước mà còn phủ xanh các cộng đồng địa phương, giảm nguy cơ lũ, thúc đẩy thu giữ carbon, giảm hiệu ứng đảo nhiệt đô thị và cải thiện khả năng tiếp cận sông, hồ và suối.

Thay vì để lượng lớn nước mưa lớn trôi ra biển, người dân Los Angeles (bang California, Mỹ) đang khởi động loạt dự án nhằm tận dụng nguồn nước quý báu này.

Đầu năm nay, khu vực Los Angeles trải qua trận mưa kỷ lục, gây ra lũ lụt ở nhiều khu vực. Tuy vậy, dù lượng mưa trong ba tuần ở một số nơi cao bằng mức trung bình hàng năm, điều này không giúp trận “siêu hạn hán” kéo dài nhiều năm qua kết thúc.

Trong hàng thập kỷ qua, người California đã xây dựng hàng loạt con kè bê tông để chống lũ lụt. Trớ trêu thay, giờ đây họ không thể lưu trữ lượng nước quý báu này và để phần lớn lượng nước trôi ra biển. Chỉ một số rất ít được hấp thụ lại vào đất.

Ông Bruce Reznik, Giám đốc LA Waterkeeper – tổ chức phi lợi nhuận vận động quản lý nguồn nước bền vững chia sẻ với Guardian rằng: “Các thành phố của chúng tôi được thiết kế để loại bỏ nguồn tài nguyên quý giá nhất mà chúng ta có một cách nhanh nhất có thể. Chúng tôi chi hàng tỷ USD để xây các con kênh bê tông nhằm ngăn nước. Sau đó, chúng tôi nhận ra mình có vấn đề về cung cấp nước nên lại chi hàng tỷ USD khác để bơm nước từ nơi khác đến – đó cũng là hoạt động tiêu thụ điện nhất trong bang. Đây là điều điên rồ và thiếu bền vững”.

Thử nghiệm mới

tm-img-alt
Nước mưa là nguồn tài nguyên quý báu giữa lúc Los Angeles chìm trong khô hạn. Ảnh: Los Angeles Times.

Los Angeles và vùng phụ cận lấy 60% lượng nước tiêu thụ từ những nơi xa xôi hàng nghìn cây số. Hậu quả là nhiều con sông và hồ nước nằm cách xa về phía bắc đang dần cạn nước, gây ra mối đe dọa đến hệ sinh thái địa phương.

Ở chiều ngược lại, trung bình mỗi ngày, Los Angeles bơm gần hai triệu mét khối nước thải đã qua xử lý ra Thái Bình Dương. Lượng nước khác bằng 1/5 con số đó cũng chảy đi từ đường phố. Thực tế này buộc người Los Angeles suy nghĩ tới phương án sử dụng nước bền vững hơn. Tại một khu vực ở phía đông Los Angeles, thử nghiệm đã diễn ra. Một khu vườn có khả năng hấp thụ nước đã được xây dựng

Dự án có giá trị 37 triệu USD này là một trong những dự án đầu tiên hoàn thành nhờ nguồn quỹ của chương trình “Nước sạch và an toàn”, vốn lấy một phần ngân sách từ nguồn thu từ thuế chống lũ của địa phương.

Theo kết quả bỏ phiếu năm 2018, những người sở hữu bất động sản tư nhân phải đóng 2,5 cent mỗi ft2 (tương đương gần 0,1 m2) diện tích bề mặt không thấm nước. Sau vài năm, chính quyền địa phương đã thu được một tỷ USD từ nguồn thuế này và tài trợ hơn 100 dự án.

Trọng tâm là các dự án đem lại nhiều lợi ích, không chỉ giữ lại nước mà còn phủ xanh các cộng đồng địa phương, giảm nguy cơ lũ, thúc đẩy thu giữ carbon, giảm hiệu ứng đảo nhiệt đô thị và cải thiện khả năng tiếp cận sông, hồ và suối.

Thách thức mới được đặt ra

Ông Reznik đề cập đến một dự án vườn cây ăn quả giữa đô thị ở thành phố South Gate – vốn nằm giữa một đại lộ và sông Los Angeles. Tại đây, gần 3 ha đất bỏ hoang ô nhiễm đã được cải tạo thành một “ốc đảo” với cây cối và cả nơi nuôi một loài cá hiếm.

Tại khu vực Sun Valley, Los Angeles, một khu đất hoang khác đang được cải tạo thành một “công viên đầm lầy”. Nước mưa được thu vào một hồ nước, sau đó được sử dụng để bơm đầy một khu vực đầm lầy rộng khoảng 4 ha. Từ đầm này, nước sẽ tiếp tục ngấm xuống để bổ sung cho nước ngầm.

tm-img-alt
Một dự án thu giữ, hấp thụ nước mưa tại Đông Los Angeles. Ảnh: Ủy ban Giám sát hạt Los Angeles/Guardian.

Một số dự án khác tìm cách thay thế đường bê tông thành các bề mặt thấm nước khác hay xây dựng các sân trường “xanh”.Tuy vậy, một số chuyên gia đã bày tỏ quan ngại về cách thức tiến hành các dự án.

Giáo sư Stephanie Pincetl tại Đại học California, Los Angeles (UCLA) nói “Một vấn đề là không có kế hoạch tổng thể. Không có đánh giá về địa điểm nước có thể thấm xuống nước ngầm tốt nhất”.

Tình trạng này khiến cho khả năng thành công của chương trình phụ thuộc nhiều vào các tổ chức phi chính phủ và cơ quan liên quan. Bên cạnh đó, cũng có tình trạng các cơ quan chức năng hành động mâu thuẫn.

Quan điểm của người dân cũng cần được tính đến, vì các dự án đôi khi có tính thẩm mỹ không quá cao. Ví dụ, các đầm lầy giữ nước có thể chịu cảnh khô hạn hầu hết thời gian trong năm và có thể bị coi là “cái gai” trong mắt thẩm mỹ của người dân.

Bà Hadley Arnold, nhà sáng lập một viện nghiên cứu về đất khô hạn, nói: “Một số ý kiến chỉ ra vấn đề này cần được tích hợp vào các khóa đào tạo cho những nhà quy hoạch đô thị. Nước hoàn toàn không xuất hiện trong khóa học kiến trúc. Sẽ ra sao nếu các tòa nhà, các khu phố được thiết kế để giữ lại, làm sạch và lưu trữ nước, thay vì để chúng trôi đi?. Chúng ta cần nghĩ lại về cách thành phố được xây dựng – mọi bề mặt là cơ hội để nước thấm xuống đất”.

Thiên Bảo (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích