Mỹ Đức (Hà Nội): Gói thầu chưa “ngã ngũ”, một nhà thầu đã bị cấm thầu 4 năm
(Xây dựng) – Gói thầu số 02 tại huyện Mỹ Đức (Hà Nội), mở đóng thầu từ 20/7 đến nay, nhưng chưa công bố đơn vị trúng thầu. Bất ngờ hơn, đầu tháng 10 vừa qua, UBND huyện Mỹ Đức đã ra quyết định cấm thầu 4 năm đối với Công ty Cổ phần Tấn Phát – một trong hai nhà thầu tham gia.
Công ty Cổ phần Tấn Phát bị UBND huyện Mỹ Đức cấm thầu 4 năm liên quan tới gói thầu dự án đường giao thông trên địa bàn. |
Chưa có kết quả trúng thầu, đã xử lý nhà thầu vi phạm
Gói thầu số 02: Tư vấn khảo sát, lập hồ sơ thiết kế BVTC và dự toán thuộc Dự án: Tuyến đường tránh TL419 đi đền Trình và xây dựng cảnh quan, tuyến phố đi bộ tại bến Yến khu du lịch chùa Hương, huyện Mỹ Đức. Dự án có tổng mức đầu tư 220 tỷ đồng.
Ngày 27/6, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Mỹ Đức tiến hành thông báo mời thầu. Gói thầu có giá hơn 3,3 tỷ đồng, lấy từ nguồn vốn ngân sách thành phố. Đến ngày 20/7, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Mỹ Đức đã tiến hành mở, đóng thầu. Trong quá trình mời thầu, có 2 nhà thầu tham gia là Công ty Cổ phần Tấn Phát và Liên danh Sao Khuê – JSC.
Tuy nhiên, sau gần 3 tháng đóng thầu, đến nay Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Mỹ Đức vẫn chưa công bố kết quả lựa chọn nhà thầu của gói thầu này. Như vậy, gói thầu số 02 đã và đang không đáp ứng các quy định tại Điều 12, Luật Đấu thầu 2013.
Cụ thể, tại điểm g, h của khoản 1, Điều 12. Thời gian trong quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư quy định như sau:
g) Thời gian đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển tối đa là 20 ngày, hồ sơ đề xuất tối đa là 30 ngày, hồ sơ dự thầu tối đa là 45 ngày đối với đấu thầu trong nước, kể từ ngày có thời điểm đóng thầu đến ngày bên mời thầu trình chủ đầu tư phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu. Thời gian đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển tối đa là 30 ngày, hồ sơ đề xuất tối đa là 40 ngày, hồ sơ dự thầu tối đa là 60 ngày đối với đấu thầu quốc tế, kể từ ngày có thời điểm đóng thầu đến ngày bên mời thầu trình chủ đầu tư phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu. Trường hợp cần thiết, có thể kéo dài thời gian đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất nhung không quá 20 ngày và phải bảo đảm tiến độ thực hiện dự án;
h) Thời gian thẩm định tối đa là 20 ngày cho từng nội dung thẩm định: Kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, kết quả lựa chọn nhà thầu kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ trình;
Điều bất ngờ hơn, ngày 3/10 vừa qua, UBND huyện Mỹ Đức đã ra Quyết định số 5530, cấm Công ty Cổ phần Tấn Phát tham gia hoạt động đấu thầu trên địa bàn trong thời gian 4 năm. Quyết định do ông Đặng Văn Triều, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức ký duyệt.
Theo quyết định, Công ty Cổ phần Tấn Phát bị cấm thầu là do nhà thầu này thực hiện hành vi cố ý cung cấp thông tin, tài liệu không trung thực, không khách quan trong hồ sơ dự thầu, nhằm làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu.
UBND huyện Mỹ Đức cho rằng, Công ty Cổ phần Tấn Phát đã vi phạm điểm b, khoản 4, Điều 16 của Luật Đấu thầu 2023; mục 4, chương I của E-HSMT và đã vi phạm các hành vi bị cấm trong đấu thầu quy định tại khoản 4, Điều 125, Nghị định 24/2024/NĐ-CP của Chính phủ.
Để tìm hiểu sâu hơn những thông tin liên quan gói thầu, ngày 9/10, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã liên hệ, đặt lịch làm việc với UBND huyện Mỹ Đức. Tuy nhiên, đến nay chưa nhận được thông tin phản hồi của huyện này. Về phía Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Mỹ Đức, phóng viên nhiều lần liên hệ qua điện thoại với bà Nguyễn Thị Thanh Hường, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Mỹ Đức, nhưng cũng không có hồi âm.
Công ty Cổ phần Tấn Phát là ai?
Theo dữ liệu đấu thầu, Công ty Cổ phần Tấn Phát có trụ sở tại Nhà A3, tổ 84, Hoàng Cầu, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội. Doanh nghiệp này thành lập ngày 12/08/2004, do ông Trần Phương Đông làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc.
Công ty Cổ phần Tấn Phát có 20 năm hình thành, phát triển (ảnh chụp màn hình). |
Trên website chính thức (https://tanphatjsc.com/), Công ty Cổ phần Tấn Phát cho biết, từng tham gia hàng loạt các công trình, dự án trọng điểm của Bộ Giao Thông Vận tải và các địa phương, như: Cao tốc Chí Thạnh – Vân Phong, Quy Nhơn – Chí Thạnh, Cần Thơ – Cà Mau, Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Diễn Châu – Bãi Vọt, Phan Thiết – Dầu Giây…Các tuyến Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh đoạn từ cầu Thủ Biên – sông Sài Gòn, tuyến Hoàng Sa – Dốc Sỏi.
Công ty Cổ phần Tấn Phát tập trung vào các lĩnh vực chính như khảo sát thiết kế, tư vấn giám sát, kiểm định, quy hoạch, công nghệ thông tin.
Sau khi được duyệt tham gia hệ thống đấu thầu quốc gia (2020), Công ty Cổ phần Tấn Phát Đã tham gia 34 gói thầu, trong đó trúng 21 gói, trượt 11 gói, 2 chưa có kết quả. Tổng giá trị trúng thầu là hơn 570 tỷ đồng, trong đó chỉ có 3,6 tỷ đồng trúng thầu trong vai trò độc lập, hơn 566 tỷ đồng là liên danh cùng các nhà thầu khác.
Theo dữ liệu đấu thầu, Công ty Cổ phần Tấn Phát từng tham gia và trúng 3/3 gói thầu do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Thành phố Hà Nội làm BMT. Tổng giá trị 3 gói thầu là hơn 273 tỷ đồng, với tỷ lệ giá trúng thầu với giá dự toán trung bình là 77,45%. Trong đó, với vai trò liên danh phụ, trong tháng 2/2024, Công ty Cổ phần Tấn Phát đã trúng 2 gói thầu số 04 và 05 tư vấn, khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật – dự toán xây dựng…tổng giá trị hơn 193 tỷ đồng.
Gói thầu Công ty Cổ phần Tấn Phát được công bố trúng gần đây nhất là Gói thầu số 02: Tư vấn khảo sát, lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, thuộc dự án. Gói thầu do Ban Quản lý dự án đầu tư công trình giao thông Thanh Hóa làm BMT, trị giá trên 9 tỷ đồng. Sau khi mở thầu, có 2 nhà thầu tham gia là Liên danh BRITEC-TECCO-TTCC và Liên danh Tấn Phát – Tedis. Kết quả cuối cùng, Liên danh Tấn Phát – Tedis được công bố trúng thầu với giá 6,5 tỷ đồng.
Nguồn: Báo xây dựng