Mỳ Chũ Bắc Giang được chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu ở nước ngoài

Từ nhiều năm nay, đặc sản Mỳ Chũ luôn là niềm tự hào của mỗi người dân vùng Lục Ngạn, Bắc Giang. Món ăn làm từ gạo bình dị và dân dã này cũng ngày càng phổ biến trong bếp ăn gia đình người Việt. Không chỉ người tiêu dùng các tỉnh thành trong nước ưa chuộng, Mỳ Chũ còn chinh phục cả những thị trường nước ngoài như Trung Quốc hay các nước Tây Âu.

Thực tế, Mỳ Chũ là sản phẩm của làng nghề Thủ Dương, xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn – nơi có trên 300 hộ sản xuất mỳ gạo, chiếm tới 85% số hộ. Trong đó, hơn 100 hộ tham gia Hội Sản xuất và Tiêu thụ mỳ Chũ Lục Ngạn. Bình quân mỗi ngày, làng nghề sản xuất gần 30 tấn mỳ gạo, thu gần 8 tỷ đồng mỗi năm.

Mỳ Chũ được sản xuất 100% từ loại gạo nổi tiếng thơm dẻo – gạo bao thai hồng. Để có sợi mỳ dai, ngon, trắng, dẻo, người sản xuất phải tuân thủ nguyên tắc bất di bất dịch từ khâu chọn, vo, ngâm gạo đến xay bột, phơi và chần bánh. Theo những người dân trong làng, để có được sợi mỳ ngon phải chọn những hạt gạo trắng trong, căng mẩy, nhặt sạch, vo kỹ rồi ngâm nước trong khoảng 8 giờ, sau đó xay nhuyễn, lọc nhiều lần và ủ qua một đêm. Sáng hôm sau, những người thợ đem bột đã ủ ra tráng bánh, đóng vào khuôn, phơi và cắt thành sợi.

Mỳ chũ Bắc Giang được bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu nhờ đó nhiều quốc gia biết tới. Ảnh: Hoàng Giang 

Nhờ đó, ngay từ năm 2009, Sở KH&CN Bắc Giang đã triển khai dự án “Xây dựng và đề xuất hệ thống quản lý nhãn hiệu tập thể mỳ Chũ”. Năm 2010, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa tập thể cho Hội Sản xuất và Tiêu thụ mỳ Chũ quản lý. Năm 2014, Sở KH&CN Bắc Giang tiến hành đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể “mỳ Chũ” tại Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc, Lào, Campuchia.

Theo lãnh đạo địa phương, Mỳ Chũ là sản phẩm tiêu biểu cấp quốc gia nhiều năm liền và đang được thị trường trong nước và nước ngoài biết đến. Cũng chính nhờ nghề sản xuất mỳ chũ đã giúp cho hàng nghìn lao động có công việc ổn định tại địa phương, góp phần xoá đói, giảm nghèo. 

Một thực tế cho thấy, trước khi được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ thì sản phẩm Mỳ Chũ của Bắc Giang không thể kinh doanh tốt được như hiện nay, vì lúc đó sản phẩm Mỳ Chũ chưa được công nhận, chưa được bảo hộ, chỉ là các hộ sản xuất kinh doanh thủ công, nhỏ lẻ.

Sau khi được bảo hộ, thương hiệu Mỳ Chũ của Bắc Giang được quảng bá rộng rãi hơn, được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến. Kết hợp cùng bí quyết gia truyền của các thợ giỏi, nghệ nhân của làng nghề, sản phẩm Mỳ Chũ ngày càng ngon và khác biệt hẳn so với các làng nghề khác. 

Từ kết quả đạt được càng cho thấy việc đăng ký quyền sở hữu trí tuệ là rất quan trọng không chỉ đối với Mỳ Chũ Bắc Giang mà còn góp phần xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp có vai trò quan trọng đối với cả khách hàng và nhà sản xuất, đặc biệt đối với thị trường nước ngoài. Việc đăng ký bảo hộ không chỉ giúp phát triển sản phẩm đó mà còn góp phần xây dựng thương hiệu của vùng có nông sản. Đây cũng là cách bảo vệ nhãn hiệu đặc sản nổi tiếng của tỉnh.

An Dương 

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích