Mỹ: Bão nhiệt đới Debby đổ bộ lần thứ hai vào đất liền, gây thảm họa mưa lũ

Mỹ: Bão nhiệt đới Debby đổ bộ lần thứ hai vào đất liền, gây thảm họa mưa lũ

Dự báo mới nhất cho thấy cơn bão nhiệt đới Debby sẽ để lại những hậu quả nặng nề tại khu vực Nam Carolina, Mỹ trước khi suy yếu.

Ngày 8/8, Trung tâm Bão Quốc gia Mỹ (NHC) cho biết cơn bão nhiệt đới Debby đã lần thứ hai đổ bộ vào đất liền nước này, chỉ vài ngày sau khi tấn công các bang Đông Nam và khiến ít nhất 6 người thiệt mạng.

Theo NHC, bão Debby đổ bộ gần Vịnh Bulls, bang South Carolina, cách thành phố Charleston khoảng 20 dặm (35 km) về phía Đông Bắc, với sức gió mạnh nhất liên tục là 50 dặm/giờ (85 km/giờ). Cơ quan này cũng đã đưa ra cảnh báo về lũ lụt lớn ở một số vùng của bang North Carolina, South Carolina và Western Virginia.

NHC cũng dự báo vào chiều tối 8/8 (giờ địa phương), bão Debby có khả năng trở thành áp thấp nhiệt đới và tiếp tục trở thành áp thấp ngoại nhiệt đới ngày 9/8.

tm-img-alt
Bão nhiệt đới Debby đổ bộ đất liền. Ảnh: NHC/NOAA

Trước đó, bão Debby đổ bộ lần đầu tiên vào Bờ biển Vịnh Florida hôm 5/8, với sức gió mạnh lên đến 80 dặm/giờ (128 km/h), sau đó dần suy yếu thành một cơn bão nhiệt đới. Theo dự báo, các khu vực bị ngập lụt sẽ tiếp tục ghi nhận lượng mưa lớn tới 230mm, dẫn đến tổng lượng mưa lên tới 635mm từ khi cơn bão đổ bộ.

Ngày 7/8, thông báo của Thống đốc bang North Carolina Roy Cooper cho biết cơn bão này được dự báo sẽ tiếp tục tiến triển với nhiều ngày mưa lớn cùng khả năng xảy ra lũ quét nghiêm trọng và trên diện rộng.

Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ đã ban hành nhiều cảnh báo lốc xoáy khi dự báo rằng lượng mưa lớn cũng sẽ gây ra lũ lụt “đáng kể” trên khắp các bang thuộc khu vực Trung Đại Tây Dương và Đông Bắc cho đến sáng 10/8.

Hồi tháng 7, siêu bão Beryl quét qua vùng Caribe trước khi tấn công các bang Texas và Louisiana ở phía Nam nước Mỹ cũng đã khiến ít nhất 18 người thiệt mạng.

Các nhà khoa học cho biết biến đổi khí hậu có thể đóng vai trò trong việc tăng cường nhanh chóng của các cơn bão, do các cơn bão này có thể hấp thụ nhiều năng lượng hơn trong môi trường đại dương ấm hơn.

Hải Đăng (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích