MV “Mang tiền về cho mẹ”: Gửi thông điệp về lòng biết ơn cha mẹ tới thế hệ trẻ

MV “Mang tiền về cho mẹ” mở ra bằng cuộc đối thoại chẳng thể quen thuộc hơn giữa người mẹ và đứa con xa quê: “Không cần phải mua gì đâu, nhà đầy đủ hết rồi”. Để rồi ngay sau đó, giọng ca của Đen Vâu vang lên với chất giọng tự sự quen thuộc. Anh chàng Đen bỗng hóa thân thành nhiều vai trò khác nhau, nhưng tất cả đều có chung một lời hứa như một lời khẳng định chắc nịch của mọi đứa con rời quê nhà lập nghiệp: “Mang tiền về cho mẹ, đừng mang ưu phiền về cho mẹ”. Thế nhưng một số người đã lên tiếng cho rằng đây là một ca khúc sáo rỗng, thực dụng. Cụ thể, câu “Đem tiền về cho mẹ” khiến bản rap trở nên nặng nề và khiến nhiều người chạnh lòng vì làm ăn thất bát sau một năm đầy khó khăn vì dịch bệnh… Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng đây là bài hát tôn sùng vật chất một cách quá đáng.

MV “Mang tiền về cho mẹ”: Gửi thông điệp về lòng biết ơn cha mẹ tới thế hệ trẻ
Một cảnh trong MV “Mang tiền về cho mẹ”.

Bên cạnh số ít lời chê, hầu hết đa số cho rằng “Mang tiền về cho mẹ” là một bài hát đáng khen khi truyền cảm hứng sống đẹp, gửi thông điệp về lòng biết ơn cha mẹ tới thế hệ trẻ. Mang tiền về cho mẹ, liệu “tiền” ở đây có phải chỉ là “tiền” không? Xem MV ta thấy những thước phim về hình ảnh người con chăm chỉ lao động kiếm tiền đan xen với bố mẹ nơi quê nhà thân thương. “Tiền” ở đây có lẽ phần lớn mang ý nghĩa là sự trưởng thành của người con trong mắt cha mẹ. Khi con cái mang tiền về cho cha mẹ, tức là người con ấy đã đi làm, đã bắt đầu trưởng thành và tự nuôi được bản thân. Dấu mốc “mang tiền về cho mẹ” cũng là một dấu mốc trọng đại của một con người, trở thành một con người độc lập, lao động cống hiến cho gia đình và xã hội.

Lời hát cũng mở ra những tâm sự của người con, biết ơn những gì mẹ đã làm để con có được ngày hôm nay. Từ những bài học và hy sinh đầu đời ấy, người con đã dần kiếm được những đồng tiền đầu tiên, và sự thành công của con chính là được đánh đổi bằng những vất vả, tần tảo của mẹ: “Ôi những ngày xám ngoét, gió liêu xiêu dáng mẹ gầy so/Có khi mẹ ngất giữa đường vì cả ngày chẳng có gì no/ Mẹ không dám ăn, không dám mặc, không dám tiêu cũng chỉ vì lo cho con”. Lời bài hát mang nhiều ý nghĩa khi là lời khuyên cho những người trẻ, dù đã lớn khôn, làm nghề gì, ở nơi đâu, cũng nên nhớ về một thời được ba mẹ nuôi nấng, dạy dỗ, đùm bọc. Dù thành đạt ra sao, dù “Bước ra đời là ông này bà nọ, trở về nhà là một đứa con ngoan”. Khi con nổi tiếng và có chỗ đứng trong xã hội thì cũng không quên lời mẹ dạy, phải luôn là một công dân tốt và là người lương thiện. Con của ngày hôm nay chính là được xây dựng từ những yêu thương, quan tâm và những lời mẹ dạy.

Những câu từ giản dị nhưng khiến người nghe xúc động: “Tiếng nói đầu tiên là do ai dạy? Nét chữ đầu tiên là tay ai cầm/ Sai lầm đầu tiên là nhờ ai sửa/ Vấp ngã đầu đời là được ai nâng/ Chính là mẹ và luôn là mẹ”. Nghe bài hát mới của Đen Vâu, nhiều người giật mình nghĩ về mẹ, nhớ về những lời ru của mẹ, nhớ bếp củi mẹ nấu xoong gang, những lời hỏi han, chăm lo, quan tâm ân tình… “Mang tiền về cho mẹ” còn như là một lời nhắc nhẹ nhàng dành cho những đứa con xa quê là “sắp đến Tết rồi, về nhà đi thôi”. Một năm trôi qua với bao nhiêu phiền muộn, cảm xúc, giờ là lúc vứt bỏ hết mọi ưu phiền để trở về quây quần bên gia đình.

Khi cho ra đời MV này, Đen Vâu cũng thổ lộ: “Điều mong mỏi lớn nhất của đa số những người mẹ không phải con mình làm trời làm bể, mà là bước ra đời tự nuôi sống được bản thân mình. “Mang tiền về cho mẹ” như một lời nhắn nhủ tới gia đình hãy yên tâm về “những đứa trẻ đi xa nhà”, có việc làm, có đóng góp. Đọc bình luận, thấy nhiều bạn gửi lời chúc và cảm ơn đến cả ekip, mình cảm thấy rất vui vì khán giả biết rằng phía sau một tác phẩm là công sức của rất nhiều người”. Tâm sự về quá trình quay MV, Đen Vâu cho biết, làm phim là một nghề vất vả, không mềm mại mượt mà như những gì chúng ta thấy qua màn hình. Đằng sau đó là cả một ekip giống như một công trường với đầy đủ kỹ sư thợ thuyền và máy móc lỉnh kỉnh. “Muốn có bình minh đẹp thì phải chuẩn bị từ nửa đêm, muốn có hoàng hôn đẹp thì máy móc phải sẵn sàng khi còn nắng cháy… Và nó hao sức kinh khủng. “Mang tiền về cho mẹ” là công sức 4 ngày ròng rã của tập thể hơn 100 người lao động hăng say tích cực”, Đen Vâu chia sẻ.

Đen Vâu trở thành nghệ sĩ có nhiều MV đạt top trending nhất trên Youtube Việt Nam, với 12 ca khúc liên tiếp. Các bài khác đạt thành tích tương tự của Đen Vâu gồm: “Anh đếch cần gì nhiều ngoài em”, “Bài này chill phết”, “Hai triệu năm”, “Lối nhỏ”, “Một triệu like”, “Trời hôm nay nhiều mây cực”, “Đi về nhà”, “Trốn tìm”… Anh là số ít nghệ sĩ Việt có ngoại hình không bóng bẩy, không điển trai mà chinh phục người nghe bằng sản phẩm âm nhạc giản dị, gần gũi, dễ chiếm sự đồng cảm của khán giả trẻ. Trong một thế giới showbiz đầy thị phi và scandal, nơi mà các sản phẩm âm nhạc ra đời với phong cách giống nhau thì các bản hit của nghệ sĩ này nổi lên như một làm gió mới. Những bản hit có lời ca mộc mạc, tự nhiên là tiếng lòng, tâm tư của bao nhiêu người tha hương kiếm sống, của những người trưởng thành và sinh viên xa nhà. Đó là những điều bình dị nhưng rất đời thực. Nhiều người thích nhạc của Đen Vâu và cũng mến mộ chính bởi con người anh không dấu giếm quá khứ khó khăn, vất vả, luôn là chính mình giống lời bài hát anh sáng tác: “Tôi luôn tự hỏi rằng mình có gì đặc biệt/ Và nhận ra một điều được là chính mình thì thật tuyệt”. /.

Phương Bùi

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích