Muốn sản xuất “lớn”, phải làm được cái “bé”

Những dòng xe (ô tô, xe máy) nối đuôi nhau kẹt cứng trên phố, nhìn thoáng qua cũng chỉ là các thương hiệu đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Mỹ, Anh, Ý…, dù giờ đã có thương hiệu xe của Việt Nam – Vinfast, dù định hình phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã có từ những năm 2000 của thế kỷ trước. Các sản phẩm điện tử, đa số đều gia công cho các đối tác nước ngoài. Tất nhiên, đây là những sản phẩm cơ khí và công nghệ cao phải mất cả thế kỷ mới có thế hình thành nên nền công nghiệp như vậy. Trong khi, nước ta vừa đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, thực hiện công cuộc đổi mới gần được 40 năm thì khó có thể so sánh với các nước phát triển.

Muốn sản xuất “lớn”, phải làm được cái “bé”
Con đường dẫn đến thịnh vượng ngoài khai thác nguồn tài nguyên cần phải đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất được những loại sản phẩm thị trường cần; đồng thời đi tắt, đón đầu nghiên cứu, sản xuất những sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao (Ảnh Cầu Nhật Tân về đêm-LĐ)

Tuy nhiên, có những thứ đơn giản hơn, đặt nền móng để thành nước công nghiệp không quá khó, thì chúng ta vẫn chưa làm được, hoặc không làm được. Vừa qua, có dịp đi chợ đêm Hà Nội (đoạn phố Đồng Xuân), nơi đây đa số bán hàng thủ công mỹ nghệ, hàng trang sức, quần áo phục vụ khách du lịch… “Nhìn trước, ngó sau” đa số có xuất xứ nước ngoài. Cái hay của những sản phẩm này là mẫu mã đẹp, giá lại rẻ. Dẫn con vào một quầy bán các sản phẩm hoa tai, 4 bộ giá chỉ 100 ngàn đồng. Hỏi chủ quán, thì được biết xuất xứ Trung Quốc. Các loại áo ấm mùa đông, khăn choàng cũng vậy, giá rẻ mẫu mã rất đẹp…

Nhìn những sản phẩm được bày bán vốn đơn giản như trên, tự hỏi, tại sao các doanh nghiệp Việt Nam không làm? Hay không làm được? Trong khi những sản phẩm phục vụ khách du lịch đơn giản như thế đa số hàng hóa có xuất xứ nước ngoài thì những sản phẩm cao cấp như ô tô, điện tử, công nghệ cao thành sân chơi riêng của các tập đoàn, thương hiệu nước ngoài là đương nhiên.

Vẫn biết, dù gì đi chăng nữa đất nước cũng chưa bao giờ có được như ngày hôm nay, cộng đồng doanh nghiệp cũng có bước tiến dài như thế. Song điểm lại, đa số vẫn là những doanh nghiệp thiên về khai thác giá trị gia tăng từ tài nguyên (bất động sản, khoáng sản), các doanh nghiệp liên quan đến dịch vụ tài chính, ngân hàng, công nghiệp cơ bản (giao thông, điện…), số doanh nghiệp chuyên về sản xuất hàng tiêu dùng có quy mô lớn như Vinamilk rất hiếm; số doanh nghiệp có hàm lượng công nghệ như Viettel, FPT không nhiều.

Muốn sản xuất “lớn”, phải làm được cái “bé”
Ở chợ đêm, rất nhiều mẫu trang sức có xuất xứ từ nước ngoài đẹp về kiểu dáng, rẻ về giá thành được khách hàng ưa chuộng, trong khi không thấy các sản phẩm sản xuất trong nước.

Trong khi đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa; các mô hình hợp tác xã cũng chỉ thiên về sản xuất, kinh doanh dịch vụ nhỏ lẻ. Để tạo ra những sản phẩm rẻ về giá thành, đẹp về mẫu mã phục vụ thiết thực cuộc sống, được người tiêu dùng ưa chuộng như nói ở trên rất hiếm.

Để đất nước trở nên hưng thịnh, đã đến lúc chúng ta không chỉ dựa vào khai thác tài nguyên và các nền công nghiệp cơ bản (nước nào cũng có), mà cần tiến lên làm chủ công nghệ cao và đẩy mạnh sản xuất hàng tiêu dùng. Nhìn những gì bày bán ở chợ đêm, cũng là cách chúng ta hoạch định lại chiến lược phát triển.

L.Hà

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích