Muốn làm khu liên hợp gang thép 47.800 tỉ đồng, Vina Roma Quảng Trị của ai, mạnh cỡ nào?
Ngày 30/9/2022, CTCP Thép Vina Roma Quảng Trị (Vina Roma Quảng Trị) đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Trị về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Khu liên hợp gang thép Quảng Trị.
Theo đó, dự án có tổng mức đầu tư 47.817 tỉ đồng, với công suất 4,5 triệu tấn sản phẩm/năm, toạ lạc tại các xã Triệu Sơn, Triệu Lăng, trong Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị.
Dự án này dự kiến được đầu tư theo 3 giai đoạn, trong 5 năm, sử dụng dây chuyền công nghệ thuộc loại truyền thống, tự động hoá cao, chế biến sâu từ quặng sắt đến thép thành phẩm với chu trình kín.
Tại buổi làm việc, Ban cán sự UBND tỉnh Quảng Trị đã đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh uỷ thống nhất bổ sung dự án Khu Liên hợp gang thép Quảng Trị và Khu bến chuyên dùng Triệu Lăng vào chương trình chỉ đạo các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh; đồng thời, thống nhất chủ trương đầu tư dự án Khu Liên hợp gang thép Quảng Trị để làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.
Muốn làm khu liên hợp gang thép 47.800 tỉ đồng, song Vina Roma Quảng Trị vẫn là cái tên còn khá xa lạ với phần đông thị trường. Mặt khác, doanh nghiệp này còn khá non trẻ, mới được thành lập vào tháng 11/2021.
Ít ai biết, Vina Roma Quảng Trị có quy mô vốn điều lệ ban đầu lên tới 6.000 tỉ đồng, được sáng lập bởi 6 pháp nhân và 2 thể nhân.
Cụ thể, danh sách cổ đông sáng lập của Vina Roma Quảng Trị bao gồm: CTCP Đầu tư – Xây dựng hạ tầng và Khai thác mỏ Tân Việt Bắc (sở hữu 25% vốn điều lệ); CTCP We Construction (15% VĐL); CTCP Tân Phú Xuân (15% VĐL); CTCP Cơ khí và lắp máy Việt Nam (10% VĐL); CTCP Tập đoàn Công Hà (5% VĐL); CTCP Đông Hải 27-7 (5% VĐL); ông Nguyễn Văn Bắc (15% VĐL) và ông Bùi Đức Thuận (10% VĐL).
Sinh năm 1970, ông Nguyễn Văn Bắc là người đại diện theo pháp luật của CTCP Đầu tư – Xây dựng hạ tầng và Khai thác mỏ Tân Việt Bắc (Tân Việt Bắc; viết tắt: Taviba).
Trong khi đó, ông Bùi Đức Thuận – sinh năm 1957, đồng hương Hải Dương với ông Bắc – là người đại diện theo pháp luật của CTCP Tân Phú Xuân (cổ đông sáng lập của Vina Roma Quảng Trị).
Sơ phác Taviba, Công Hà Group
Theo giới thiệu trên trang chủ, Taviba tiền thân là Công ty TNHH Xây dựng Tân Việt Bắc, ban đầu hoạt động trong lĩnh vực xây dựng các công trình giao thông, thuỷ lợi.
Sau khi chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần (năm 2005), Taviba bén duyên với ngành công thương, cụ thể là lĩnh vực khai thác mỏ.
Sau nhiều năm hoạt động, Taviba còn mở rộng kinh doanh sang các lĩnh vực khác, kể như: đầu tư hạ tầng đô thị – bất động sản, đầu tư hạ tầng giao thông, khu công nghiệp; vật liệu xây dựng; vui chơi giải trí.
Tại Quảng Ninh, Taviba được biết tới là chủ đầu tư các dự án Xây dựng Khu đô thị hai bên đường 188; Dự án mở rộng Khu đô thị hai bên đường 188; Dự án Khu vui chơi giải trí Tân Việt Bắc; và Dự án Khu trung tâm thương mại (18 tầng).
Nên biết, Taviba còn liên danh với CTCP Đông Hải 27-7 (cổ đông sáng lập Vina Roma Quảng Trị) để đầu tư các dự án Khu dân cư mới xã An Phụ và Dự án Khu dân cư mới xã Phúc Thành, tại huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương.
Đáng chú ý, Taviba, CTCP Đông Hải 27-7 và CTCP Tân Phú Xuân cũng là những cổ đông sáng lập của CTCP Năng lượng Tân Việt Bắc Ban Mê (Tân Việt Bắc Ban Mê).
Tân Việt Bắc Ban Mê từng đề xuất khảo sát, đầu tư các dự án nhà máy điện mặt trời Ia J’lơi (công suất dự kiến 1.250 MWp) và nhà máy điện mặt trời Ea Bung (công suất dự kiến 1.250 MWp) tại tỉnh Đắk Lắk.
Ngoài ra, thành viên của Taviba còn có CTCP Năng lượng Bác Ái – chủ đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời Thiên Tân 2.1 (công suất 192 MW) và Thiên Tân 2.2 (công suất 60 MW) tại tỉnh Ninh Thuận.
Cùng với việc mở rộng sang lĩnh vực năng lượng tái tạo, trong giai đoạn từ tháng 3/2018 – 5/2021, Taviba đã thực hiện 4 đợt tăng vốn, nâng quy mô vốn điều lệ từ 350 tỉ đồng lên 1.500 tỉ đồng.
Công Hà Group tiền thân là Công ty TNHH Cơ khí xây dựng và Kinh doanh thương mại Công Hà, được thành lập vào cuối tháng 2/2011, có địa chỉ trụ sở chính tại Khu công nghiệp Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.
Tính đến tháng 5/2021, Công Hà Group có vốn điều lệ 258 tỉ đồng. Trong đó, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Văn Công (sinh năm1978) góp 233,49 tỉ đồng, sở hữu 90,5% vốn điều lệ. Phần vốn còn lại thuộc về hai cổ đông cá nhân họ Đặng là bà Đặng Thị Nga (5% VĐL) và ông Đặng Hồng Sơn (4,5% VĐL). Tới tháng 10/2021, quy mô vốn điều lệ của Công Hà Group tăng mạnh lên mức 968 tỉ đồng.
Nổi lên trong lĩnh vực xây dựng, sản xuất kết cấu thép xây dựng, doanh thu của Công Hà Group tăng trưởng đáng kể, từ mức 125 tỉ đồng năm 2014 lên mức 1.400 tỉ đồng vào năm 2020./.
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu